7. Bố cục của luận văn
3.2.4. Thần thoại – nơi ẩn chứa khát vọng của loài người
Ra đời vào giai đoạn muộn của xã hội nguyên thuỷ, khi mà trình độ tư duy của con người đã có những bước phát triển nhất định, bên cạnh việc phản ánh những hiện thực lịch sử, thần thoại còn là nơi thể hiện ước mơ, nguyện vọng của tộc người.
Đứng trước những điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, trong khi đó, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế nên cuộc sống của người nguyên thuỷ hết sức bấp bênh. Mọi sự biến động trong tự nhiên đều làm họ hoang mang, lo sợ. Những tai ách mà họ gặp phải luôn là niềm trăn trở của cả cộng đồng. Mong muốn khám phá tự nhiên, hiểu biết về những hiện tượng của tự nhiên đang chi phối cuộc sống của họ từng ngày luôn là nhu cầu thường trực. Nguyện vọng ấy đã được thể hiện trong thần thoại, gửi gắm qua hình tượng những vị thần khổng lồ có công khai sơn phá thạch trong buổi bình minh của lịch sử.
Ước mơ tìm hiểu, khám phá những bí ẩn của tự nhiên luôn thường trực trong tư tưởng của người nguyên thuỷ. Và họ luôn tìm cách để giải thích nó. Ví dụ như để giải thích hiện tượng mưa giông đầu hè, người dân ở vùng trung
châu Bắc Bộ cho rằng, đó là lúc ông Đổng về hái cà. Hoặc để giải thích vì sao khúc giữa sông Nậm Rốn không có sỏi là do Ải Lậc Cậc cào lòng sông tìm hòn đá lửa…Viện dẫn vào những vị thần khổng lồ để giải thích những hiện tượng thiên nhiên, người nguyên thuỷ mong muốn phần nào hiểu biết về chúng để sống hoà hợp với tự nhiên,để tự nhiên đừng gây khó khăn cho cuộc sống của họ nữa.
Khát vọng, ước mơ là những đặc tính duy nhất có ở con người. Tuy ra đời vào giai đoạn sớm của lịch sử loài người, khi mà trình độ tư duy của con người còn nhiều hạn chế, điều đó cũng không thể ảnh hưởng đến khả năng truyền tải mơ ước, nguyện vọng của con người thời sơ sử trong thần thoại. Bên cạnh mong muốn khám phá những hiện tượng tự nhiên xung quanh mình, thông qua thần thoại – sáng tác văn học đầu tiên của con người, các tác giả dân gian còn thể hiện nguyện vọng khai thác, chinh phục tự nhiên, mong muốn hiểu để sống hoà hợp với tự nhiên, để hạn chế những tác động tiêu cực của tự nhiên. Đó cũng chính là mong ước ngàn đời của nhân loại.
Thể hiện ước vọng cải tạo, chinh phục tự nhiên, người nguyên thuỷ đã gửi gắm vào hình tượng những vị thần khổng lồ buổi sơ sử. Đó là công cuộc tìm kiếm vào thuần dưỡng những giống cây trồng, những vật nuôi đầu tiên giúp cho họ có thể tự túc được lương thực. Một nền kinh tế nông nghiệp độc lập với nền kinh tế chiếm đoạt, khai thác tự nhiên bắt đầu được hình thành. Tuy mới chỉ là giai đoạn đầu, nhưng ước mơ về một cuộc sống con cháu sung túc, “thóc lúa đầy lều” luôn thường trực, thể hiện rõ nét qua cuộc sống của đại gia đình nhà Báo Luông – Sao Cải khi đã chủ động trong chăn nuôi, hay như hình ảnh vui vầy, no đủ của vợ chồng Ải Lậc Cậc. Một cuộc sống đủ đầy, nhà nhà hạnh phúc là ước mơ chung của toàn nhân loại, là mục đích cuối cùng của mọi hoạt động kinh tế, và ngay từ những sáng tạo văn học đầu tiên, nó đã được thể hiện thật sâu sắc.
Hơn nữa, gắn liền với cư dân trồng lúa nước, ước mơ đó còn gần gũi hơn bao giờ hết.
Thông qua hình tượng những vị thần khổng lồ, người nguyên thuỷ còn thể hiện ước mơ về gia đình một vợ - một chồng bền vững, cùng nhau xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chăm lo cho con cháu. Đó là hình ảnh của gia đình Báo Luông – Sao Cải cùng đàn con đông đúc, hay là hình ảnh thuận vợ thuận chồng, cùng nhau khai phá những miền đất mới của vợ chồng Ải Lậc Cậc. Vào giai đoạn tan rã của xã hội nguyên thuỷ, khi mà quan niệm phụ hệ đang len lỏi vào quan hệ hôn nhân của các tộc người, vấn đề bình đẳng giới trong gia đình được đặt ra. Hình ảnh về những gia đình hạnh phúc, thuận hoà luôn trở thành mơ ước của con người. Và thậm chí đến ngày nay, đó vẫn được xem là mô hình gia đình lý tưởng mà con người đang hướng tới.
Đối với người nguyên thuỷ, mong muốn khám phá và cải biến tự nhiên luôn thường trực. Thông qua hình ảnh Ải Lậc Cậc - vị thần sáng tạo của tộc người, cư dân Thái cổ không chỉ thể hiện ước muốn cải tạo vùng đất Tây Bắc không chỉ dừng lại ở bốn cánh đồng màu mỡ như hiện nay, mà họ còn có tham vọng dẫn nước sông Đà để tưới vùng đất Mộc Châu, biến cao nguyên Mộc Châu trở thành vựa lúa thứ năm của tộc người. Giá như không gặp phải những trắc trở của tự nhiên (biểu hiện trong thần thoại là cái chết của Ải Lậc Cậc) thì có lẽ đến nay, mơ ước đó của người Thái đã có thể thực hiện được.
Mọi sáng tạo văn hoá đều nhằm thể hiện mơ ước của con người. Thần thoại cũng không nằm ngoài nội dung đó. Ý thức được khả năng lao động của mình, cùng với hiện thực cuộc sống đã thôi thúc con người không ngừng mơ ước, sáng tạo để vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính những khát vọng, những mơ ước đó đã thôi thúc con người không ngừng tìm tòi, sáng tạo để khẳng định vị trí của mình trong tự nhiên, và nó cũng chính là động lực cho sự phát triển của nhân loại.