Tạo ra sự hoà đồng giữa con người với tự nhiên

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 123)

7. Bố cục của luận văn

3.3.3.Tạo ra sự hoà đồng giữa con người với tự nhiên

Con người luôn là một bộ phận hữu cơ của tự nhiên cho dù trình độ khoa học, kỹ thuật có phát triển đến đâu đi chăng nữa. Vì vậy, con người ứng xử với tự nhiên như thế nào thì tự nhiên cũng sẽ trả lại con người đúng như vậy. Do đó, nếu như trước đây, người ta mong muốn chinh phục, cải tạo tự nhiên theo hướng có lợi cho cuộc sống của mình, quên đi những quy luật của tự nhiên thì con người cũng đã phải gánh chịu những hậu quả khôn lường. Chính vì lẽ đó, mong muốn tạo ra sự hoà đồng giữa con người với tự nhiên là nhu cầu tất yếu của nhân loại hiện nay.

Nhưng mong muốn ấy đã được thể hiện thật độc đáo qua thần thoại về những vị thần khổng lồ - lớp thần thoại đầu tiên trong lịch sử tộc người.

Đó là ý thức tôn trọng những quy luật tự nhiên của vợ chồng Báo Luông – Sao Cải trong kỹ thuật trồng cấy qua nhiều lần quan sát tự nhiên. Phải trồng lúa ở chỗ sâm sấp nước, phải chăm chỉ tỉa bớt những cành thừa thì cây mới cho nhiều hạt mẩy. Phải tưới tiêu ruộng hợp lý để đảm bảo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Hay như kinh nghiệm cấy trồng của vợ chồng Ải Lậc Cậc. Phải đem tro bón ruộng, lúa mới tươi tốt. Cùng với đó là kinh nghiệm chọn đất cấy trồng. Ải Lậc Cậc chọn Mường Thanh – vùng thung lũng có chất đất tốt nhất là ruộng mạ, trồng lúa ở những vùng thung lũng đất đai màu mỡ, thuận lợi cho tưới tiêu. Hay Báo Luông – Sao Cải chọn những chỗ đất bằng phẳng, đất tốt để làm ruộng. Nương theo tự nhiên, tuân theo những quy luật

sinh trưởng, phát triển của tự nhiên sẽ đảm bảo cho cuộc sống no đủ của con người. Điều đó đã được tác giả nguyên thuỷ đúc kết lại qua hình tượng những vị thần khổng lồ trong thần thoại.

Đã có những thời điểm trong lịch sử, khi con người coi tự nhiên như một dạng “nô lệ”, bóc lột tận cùng những tài nguyên mà phải trải qua hàng triệu triệu năm, cùng với những biến động của địa chất, khí hậu, thiên nhiên mới tạo ra được. Để rồi sau đó, chính con người phải gánh chịu sự phẫn nộ của tự nhiên: thiên tại lụt lội xảy ra thường xuyên, hạn hán gây nạn mất mùa, đói kém, kèm theo những dịch bệnh nguy hiểm. Thêm vào đó là những trận triuề cường, song thần, sự biến đổi khí hậu trái đất do môi trường bị ô nhiễm còn tác động đến cuộc sống hiện nay của nhân loại. Đứng trước những hậu quả nghiêm trọng đó, con người mới nhận ra rằng, phải hiểu, tôn trọng những quy luật của tự nhiên, sống hoà đồng với tự nhiên thì con người mới có được cuộc sống yên bình. Trong quá khứ đã vậy, và ngày nay, bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì thế mà từ mong muốn chinh phục, cải tạo tự nhiên, con người chuyển sang hiểu, và tôn trọng tự nhiên như chính cuộc sống của mình vậy.

Như vậy là, mặc cho trình độ của con người có phát triển đến đâu, khoa học kỹ thuật có hiện đại đến đâu đi chăng nữa thì con người vẫn luôn phải phụ thuộc vào tự nhiên, vẫn phải sống dựa vào tự nhiên để tồn tại và phát triển. Chính tự nhiên đã tạo ra môi trường sống cho con người, cung cấp cho họ những nguồn lực cần thiết để tạo dựng cuộc sống. Suy cho cùng, con người vẫn chỉ là một bộ phận không tách rời khỏi tự nhiên, cho dù yếu tố xã hội có phát triển đến mức nào đi chăng nữa, thì nhân loại cũng không thoát khỏi yếu tố “CON” - bản chất tự nhiên trong mỗi con người.

Ý nghĩa thực tiễn của những bài học mà cha ông đã đúc kết trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị trong hiện tại. Ngày nay, mong muốn sống hoà đồng, sống thuận theo những quy luật của tự nhiên đang được đặt ra hàng ngày, hàng giờ và đòi hỏi con người phải tuân theo. Đi ngược lại quy luật tự nhiên, chính là

lúc con người lựa chọn con đường diệt vong. Bài học lịch sử này đã được ông cha ta đúc kết lại thông qua hình tượng những vị thần khổng lồ - những vị thần vừa là đại diện cho lực lượng thiên nhiên vô cùng vô tận có khả năng sáng tạo, vừa là đại diện cho khả năng hữu hạn của con người. Chính biểu tượng của các vị thần đó là đại diện tiêu biểu nhất cho sự hào hợp giữa con người với thiên nhiên trong một thời đại xa xưa của lịch sử nhân loại.

TIỂU KẾT

Biểu tượng về các vị thần khổng lồ trong buổi đầu của lịch sử xuất hiện khá phổ biến trong lớp thần thoại đầu tiên của các tộc người không chỉ ở Việt Nam. Qua hình tượng mang tính phổ quát đó, một quá trình lịch sử của nhân loại đuợc tái hiện, cùng với đó là sự phát triển trong tư duy của con người, đi từ thời đại mông muội sang thời kỳ dã man và chuẩn bị đầy đủ điều kiện bước vào thời kỳ văn minh. Có thể nói, với sự sáng tạo nên những hình tượng đại diện cho khả năng lao động của con người, các tác giả nguyên thuỷ đã khẳng định sự phát triển vượt bậc trong tư duy của con người, con người chính thức thoát thai khỏi thế giới động vật, hình thành nên một thể chế đối lập hoàn toàn với tự nhiên – xã hội con người với những mối quan hệ phức tạp giữa người với người.

Bên cạnh ý nghĩa căn bản nhất của lớp thần thoại đầu tiên này trong lịch sử nhân loại là đề cao vai trò của lao động, của sức sáng tạo con người, hình ảnh của các vị thần khổng lồ còn là hiện thân cho những tín ngưỡng sơ khai manh nha hình thành trong tâm thức của các tộc người. Đó là tín ngưỡng phồn thực gắn liền với các cư dân nông nghiệp lúa nước, một tín ngưỡng mang tính bản địa của các tộc người ở Việt Nam.

Nghiên cứu về biểu tượng những lớp thần linh đầu tiên trong thần thoại của tộc người Tày – Thái nói riêng và các tộc người khác nói chung còn cho ta thấy các tộc người, tuy ở những thang bậc phát triển khác nhau nhưng đều

trải qua giai đoạn công xã nguyên thuỷ - quá trình chuẩn bị lâu dài, gian khổ trước khi bước vào thời đại văn minh ngày nay. Đó được coi như một quy luật tất yếu của lịch sử.

Như vậy, có thể nói, tuy ra đời sớm, trong hoàn cảnh mà tư duy con người còn ở mức hạn chế nhất định, thần thoại trong giai đoạn đầu đã chuyển tải hết ý nghĩa của nó. Thông qua thần thoại (mà cụ thể ở đây là lớp thần thoại đầu tiên trong lịch sử văn học), một quá trình phát triển của lịch sử được tái hiện. Không chỉ có vậy, nó còn thể hiện tư duy triết học, cũng như khả năng sáng tạo, nhân sinh quan, thế giới quan của con người thời tiền sử. Tuy rằng những kiến thức về thế giới khách quan còn nhiều hạn chế và sai lệch nhưng nó đã góp phần khẳng định sự ưu thế của con người trong thế giới tự nhiên. Con người không chỉ là một phần của thế giới tự nhiên, không chỉ sống dựa vào tự nhiên mà bằng chính khả năng lao động của mình, họ còn tiến hành cải tạo, chinh phục tự nhiên nhằm phục vụ cuộc sống của mình, bởi “con người là bộ phận năng động nhất của tự nhiên”.

KẾT LUẬN

Biểu tượng là một đề tài khá mới mẻ trong nghiên cứu Nhân học nói riêng và các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Vì vậy, những vấn đề về lý thuyết nghiên cứu cũng như phương pháp tiếp cận còn nhiều hạn chế. Khắc phục những điểm đó, với đề tài nghiên cứu về một biểu tượng cụ thể -

những vị thần khổng lồ - trong một giai đoạn cụ thể của lịch sử (buổi khai thiên lập địa) của một nhóm cư dân (Tày - Thái), chúng tôi mong muốn đóng góp một cái nhìn mới về con người thời nguyên thuỷ.

Đứng trước cái vô cùng, vô tận của tự nhiên, con người có hai giai đoạn ứng xử. Giai đoạn thứ nhất gắn liền với “cái cực xấu”, cái mơ hồ, cái khốc liệt khủng khiếp làm nảy sinh tình cảm khiếp sợ đè nén con người. Giai đoạn này đưa đến hai hậu quả. Hậu quả thứ nhất là đẻ ra thần linh tôn giáo, sự yếu đuối, tính bạc nhược của con người. Điều này được phản ánh trong nghệ thuật tôn giáo từ thời nguyên thuỷ, sống dai dẳng mãi cho đến nay. Một hậu quả khác nữa là làm nảy sinh ở con người nhu cầu tự nâng cao mình lên, khắc phục những mối lo âu sợ hãi, cải tạo những lực lượng xa lạ với bản chất con người, bắc cái cầu từ giai đoạn thứ nhất sang giai đoạn thứ hai. Đó là chỗ nảy sinh của sự tìm tòi gian khổ, của hiểu biết, suy nghĩ, khám phá và sáng tạo, là chỗ nảy sinh của chủ nghĩa anh hùng.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn ra hoa kết quả, là giai đoạn khách quan hoá, hiện thực hoá những khả năng to lớn của con người đã được phát triển. Nó gắn với sự kinh ngạc, kính trọng, lòng tự hào tin tưởng, với ý thức về tính vô tận của bản chất con người. Đây chính là giai đoạn xuất hiện các vị thần khổng lồ - đại diện cho ước mơ, khát vọng của cả cộng đồng.

Tuy có những hạn chế nhất định của lịch sử trong nhận thức cũng như về các điều kiện sinh hoạt, nhưng tất cả điều đó không thể làm thui chột khả năng sáng tạo, năng lực lao động cũng như hạn chế trí tưởng tượng phong

phú, bay bổng của con người, cùng với mong ước, khát vọng cải tạo thế giới, phục vụ cho chính cuộc sống của cả cộng đồng. Tất cả điều đó được thể hiện thông qua hình tượng những người khổng lồ - những vị thần khai thiên lập địa trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại.

Thần thoại về các vị thần khổng lồ chính là sự tái hiện bức tranh về thiên nhiên, về xã hội mà người nguyên thuỷ sống. Đó là nguồn sử liệu quý giá về con người trong thời kỳ thơ ấu của lịch sử nhân loại. Nó còn là thể hiện mong ước, khát vọng của người xưa trong công cuộc chinh phục tự nhiên, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng.

Bên cạnh ý nghĩa thể hiện ước mơ chinh phục tự nhiên của cộng đồng người, các vị thần khổng lồ trong thần thoại các tộc người nói tiếng Thái còn thể hiện truyền thống lúa nước đã có từ lâu đời của tộc người. Do sinh tụ trên dải đất nhiệt đới, lại cư trú ở vùng thung lũng màu mỡ, cư dân Tày – Thái cổ đã chọn nghề nông trồng lúa nước làm nền tảng kinh tế chính của tộc người. Chính vì vậy, yếu tố đất và nước được coi là nguồn sống của cộng đồng.

Đất nước ấy là biểu tượng chung cho địa vực cư trú và hoàn cảnh thiên

nhiên của người Tày - Thải cổ. Nó bắt nguồn từ xa xưa, khi mà những cư dân này mới tiếp xúc với thiên nhiên vùng nhiệt đới, mới bắt đầu làm nghề trồng trọt và luôn luôn thấy cần đến đất và nước để sống và lao động. Chính vì vậy mà nó trở thành một nếp cảm nghĩ, một mô típ trùng lặp trong văn học dân gian các tộc người này.

Để thích nghi với điều kiện tự nhiên, cư dân Thái cổ đã sớm chọn nghề nông trồng lúa nước làm nền tảng kinh tế của tộc người. Điều đó được phản ánh cụ thể qua những công việc của những vị thần khổng lồ. Đầu tiên là công cuộc kiến tạo Mường Then của Then với việc tạo ra những lớp người Sô Công khổng lồ để đảm nhận công việc nặng nề đó. Trong 7 cặp Sô Công được Then tạo ra, cặp Sô Công Trời – Sô Công Đất có vị trí quan trọng hơn cả. Bởi

suy cho cùng, với tư duy truyền thống của cư dân nông nghiệp, yếu tố trời đất, mưa thuận gió hoà luôn đóng vai trò quyết định. Quan niệm đó đã được người xưa thể hiện qua vai trò của các vị thần đất và thần trời.

Thông qua hình ảnh các vị thần sáng tạo, ta thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng cần cù, lam lũ của người nông dân xưa. Tuy là những vị thần có xuất thân thật đặc biệt, có sức mạnh thật phi thường nhưng những công việc, những hành động của họ lại hết sức đời thường. Muốn có cái ăn cho cả gia đình, Báo Luông và Sao Cải cũng phải suy nghĩ rất nhiều trước khi tìm ra và thuần hoá giống lúa nước, chủ động nguồn lương thực cho đại gia đình. Hay muốn có sức kéo phục vụ sản xuất, ông bà cùng các con cũng phải vào rừng bắt thú về thuần dưỡng. Hay như Ải Lậc Cậc, tuy là cao lớn, phi thường đến vậy nhưng vẫn phải làm những công việc thật đời thường: đồ xôi, cày ruộng…Thậm chí tuy là những vị thần có những khả năng phi thường, có một sức vóc hùng vĩ, thì những nỗi lo đời thường vẫn luôn đeo bám họ. Nếu như Báo Luông – Sao Cải thật buồn lòng khi thấy những đứa con của mình đói khóc, khổ sở, thì với vợ chồng Ải Lậc Cậc, nỗi lo trong “thóc gạo đầy lều” vẫn là thường trực nên vợ chồng Ải phải dốc sức khai phá nhiều cánh đồng, mới tạo nên được bốn cánh đồng lớn màu mỡ cho người Thái ngày nay. Thử hỏi trong thần thoại thế giới, có thể tìm thấy được những vị thần nào có những nỗi lo rất đỗi đời thường như các vị thần trong thần thoại Tày – Thái?

Mặc dù có thể cho rằng, thời điểm xuất hiện của thần thoại lớp đầu của các cư dân Tày – Thái với cư dân Việt - Mường là gần nhau. Hơn nữa, các tộc người này cũng đều chọn nông nghiệp trồng lúa nước làm nền tảng kinh tế. Nhưng nếu như các vị thần khổng lồ của người Tày – Thái gắn liền với những công việc thật hết sức dân giã thì đối với các vị thần của cư dân Việt - Mường cổ (Nữ Oa - Tứ Tượng, Thần Trụ Trời….), người xưa chỉ chú trọng mô tả công việc của họ mà thôi.

Như vậy, có thể nói, chỉ đối với các vị thần sáng tạo của cư dân Tày – Thái cổ không những có công kiến tạo thế giới, mà còn là những vị thần khám phá và truyền dạy nghề nông cho con cháu sau này. Họ được các thế hệ sau tôn sùng như những vị thần nông. Còn đối với các cư dân Việt - Mường, các vị thần khổng lồ chỉ đơn thuần là những vị thần kiến tạo. Phải chăng đó là nét đặc trưng của các vị thần của thần thoại Tày – Thái, phi thường đấy, hùng vĩ đấy, nhưng cũng thật chất phác, bình dị, hồn hậu như chính tâm hồn người nông dân Tày – Thái cổ vậy!

Những phẩm chất đó chính là nét đặc trưng căn bản nhất của biểu tượng các vị thần khổng lồ trong tâm thức của người Thái. Họ không chỉ là đại diện cho sức lao động, sáng tạo của tộc người, mà họ còn là hiện thân cho một nền văn minh lúa nước vùng thung lũng đã được những lớp cư dân đầu tiên của các tộc người Tày – Thái lựa chọn để sinh tồn. Các vị thần khổng lồ của cư dân Tày – Thái vừa là những biểu tượng văn hoá, vừa mang dấu ấn lịch sử đậm nét, đánh dấu bước phát triển của các tộc người trong nấc thang tiến hoá của nhân loại, từ việc phụ thuộc vào tự nhiên chuyển sang bắt tự nhiên phải phục vụ mình với khả năng sáng tạo không ngừng của con người. Một thời đại mới đang dần hé mở trong lịch sử tộc người - thời đại văn minh. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Với quan điểm nghiên cứu coi “biểu tượng trong thần thoại như là một

phương tiện để tiếp cận con người thời tiền sử”, luận văn đã phần nào “giải

mã” được một biểu tượng cụ thể - biểu tượng “người khổng lồ” trong lớp thần

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 123)