Khẳng định sức mạnh của cư dân trồng lúa nước

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 81)

7. Bố cục của luận văn

2.3.3.Khẳng định sức mạnh của cư dân trồng lúa nước

Hình ảnh con người và xã hội được phản ánh trong thần thoại các cư dân nói tiếng Thái là hình ảnh của một nền văn hoá nông nghiệp trồng lúa nước. Đó là việc tìm ra một thứ “cỏ mọc xanh um, có hạt cứng nhọn ram ráp, nhưng khi vùi vào lửa thì lại thấy nổ bem bép và nở ra những nụ bông trắng,

ăn vào thấy ngon miệng”. Sao Cải đã quyết định mang cây đó về trồng để làm

thức ăn thường xuyên cho gia đình mình. Hay như khi được Then đưa xuống cai quản Mường Then, vợ chồng Ải Lậc Cậc đã đem cây lúa xuống trồng ở bốn thung lũng màu mỡ dưới trần gian: Mường Then, Mường Tấc, Mường Lò, Mường Than , mà sau này được coi là lãnh thổ tộc người của người Thái.

Ngay từ buổi đầu của lịch sử tộc người, khi mới thoát thai khỏi thế giới động vật, với nhận thức còn rất mơ hồ, ấu trĩ về tự nhiên, xuất phát từ điều kiện tự nhiên nơi mà tộc người sinh sống, những cư dân nói tiếng Thái cổ đã quyết định chọn cây lúa nước làm cây lương thực chính của đồng bào. Từ đây hình thành nên một nền văn minh lúa nước đặc trưng của vùng thung lũng - địa bàn sinh tụ chính của tộc người – hoà chung với nền văn minh lúa nước đồng bằng của người Kinh (Việt). Có thể nói, các tộc người ngôn ngữ Thái ở vùng thung lũng đã hoà cùng với người Việt - Mường ở vùng đồng bằng tạo nên nền văn minh Sông Hồng rực rỡ trong lịch sử cổ đại Việt Nam.

Ngay từ khi hình thành tộc người, cư dân Thái cổ đã chọn nghề nông trông lúa nước làm nghề kinh tế chính của mình. Điều đó đã được thể hiện rõ trong thần thoại của tộc người - loại hình văn học dân gian xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn học của loài người.

Các vị thần khổng lồ không chỉ có công đem cây lúa đến cho người dân mà còn phổ biến cho họ cách chăm bón để làm sao có được kết quả tốt nhất. Nếu như vợ chồng Báo Luông – Sao Cải phải “đắp bờ be nước cho những chỗ cạn, khơi những chỗ quá trũng để mực nước thấp bớt, lại thấy phải tỉa nhổ

bớt đừng để quá dầy thì cây mới mọc tốt”. Còn đối với vợ chồng Ải Lậc Cậc, công việc đồng áng cũng không dễ dàng chút nào. Nhờ có sức vóc phi thường nên phạm vi đồng ruộng của thần rất rộng lớn, bao quát toàn vùng Tây Bắc hiện nay, trong đó tập trung ở bốn thung lũng lớn. Để chăm sóc mùa màng, ông bà thường gánh than tro đi bón đồng ruộng. “Vợ chồng Ải thường xuyên làm việc đó nên mùa nào đồng lúa cũng xanh tươi, năm nào ông bà cũng có thóc lúa đầy lều” [86, tr 104].

Đó là kinh nghiệm mà Báo Luông – Sao Cải cũng như vợ chồng Ải Lậc Cậc sau một quá trình quan sát đã đúc rút ra như vậy. Nhưng trên thực tế đó là kinh nghiệm trong sản xuất mà cư dân Thái cổ phải trải qua nhiều thế hệ mới nhận thức được và khái quát hoá qua hình tượng lao động của những người khổng lồ.

Bên cạnh việc đem lại cây lúa cho con người, những vị thần khổng lồ cũng là người mở đầu cho công cuộc thuần dưỡng thú hoang trở thành vật nuôi trong gia đình nhằm mục đích hỗ trợ cho công việc đồng áng nặng nhọc, đồng thời là nguồn thức ăn dự trữ phòng khi mất mùa, thất bát, đói kém. Con vật đầu tiên mà các thần thuần dưỡng là con ngựa (Ải Lậc Cậc nuôi con ngựa có cánh mà Then Lôm cho khi được cử xuống trần gian). Sau đó là đến bò, trâu để làm sức kéo trong cầy cấy. Tiếp đến là chó, mèo, gà, lợn, vịt…vừa để phục vụ nông nghiệp, vừa làm thức ăn trong gia đình. Những cây lương thực phụ như khoai, như đỗ…cũng được đem về nuôi trong vườn nhà để làm thức ăn phòng khi công việc săn bắn và hái lượm kém hiệu quả.

Ở đây, hình ảnh một nền nông nghiệp truyền thống với hai thành phần chính chăn nuôi và trồng trọt đã hình thành. Nó trở nên hết sức quen thuộc đối với cư dân Tày – Thái cổ. Điều này đã một lần nữa khẳng định, từ rất sớm, ngay trong giai đoạn đầu hình thành tộc người, cư dân Tày – Thái đã gắn bó với nghề nông trồng lúa nước như một sự thích ứng tất yếu đối với điều kiện

tự nhiên nơi mà họ sinh sống – khu vực thung lũng. Thậm chí người Thái còn coi Ải Lậc Cậc “như vị thần nông của mình” [85, tr 201]

Qua thần thoại về các vị thần khổng lồ trong kho tàng văn học dân gian các tộc người Tày – Thái, bên cạnh việc đề cao vai trò lao động sáng tạo của người xưa còn cho ta thấy tiến trình phát triển nhận thức của tộc người trong lịch sử. Trong truyền thuyết Báo Luông – Sao Cải, hai ông bà đã phát hiện ra lửa và sử dụng nó đề nấu thức ăn, để sưởi ấm từ rất sớm, trước cả khi phát minh ra nghề nông. Còn vợ chồng Ải Lậc Cậc đã có “bếp nấu ăn ở Mường Than” chứng tỏ cũng biết sử dụng lửa từ rất sớm.

Như vậy, thần thoại các cư dân Tày, Thái bên cạnh việc đề cao sức lao động sản xuất của con người còn một phần nào phản ánh quá trình phát triển của tộc người trong quá trình lịch sử. Từ việc phát hiện ra lửa, sử dụng lửa trong đời sống hàng ngày đến cách giữ lửa, và theo đó, một nghề nông trồng lúa nước với đầy đủ những bộ phận cấu thành của nó cũng được hình thành. Đó không chỉ là ước mơ chinh phục tự nhiên của con người nữa mà nó còn là hiện thực lịch sử, phản ánh một quá trình phát triển liên tục, lâu dài của con người trong việc nhận thức về tự nhiên, sống hoà hợp với tự nhiên rồi đến việc chinh phục nó, cải biến nó cho phù hợp với cuộc sống của mình. Tất cả những điều đó đã thể hiện khả năng sáng tạo không ngừng của người xưa qua nhiều thế hệ.

Trong kho tàng thần thoại các tộc người, dường như hình ảnh những vị thần khổng lồ xuất hiện thường xuyên và nhiều nhất trong thần thoại các cư dân trồng lúa nước – ngành kinh tế phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Hơn ai hết, những cư dân trồng lúa nước thấu hiểu vai trò của các yếu tố tự nhiên đối với cuộc sống của mình. Mong muốn mưa thuận gió hoà luôn thường trực. Do vậy, các cư dân trồng lúa nước cổ xưa mong muốn tìm hiểu về tự nhiên, để có phương thức canh tác phù hợp, tạo nên năng suất cao, đảm

bảo cho cuộc sống của cộng đồng. Từ đó, họ đã sử dụng hình tượng những vị thần khổng lồ có sức mạnh khai sơn phá thạch, kiến tạo tự nhiên để làm đại diện cho sức mạnh sáng tạo của bản thân, đồng thời thể hiện mong muốn chinh phục tự nhiên, biến thiên nhiên thành một lực lượng thật gần gũi với con người. Chính hình ảnh những vị thần sáng tạo này là khởi nguồn cho tín ngưỡng phồn thực nguyên thuỷ - tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Với những thành tựu đã đạt được của con người thời nguyên thuỷ, thần thoại một lần nữa khẳng định, trong thế giới sinh vật, chỉ có con người, bằng sức lao động của mình mới có thể nhận thức và cải tạo, chinh phục được tự nhiên mà thôi. Điều đó làm cho con người khác xa so với các loài sinh vật khác. “Con người là một bộ phận năng động nhất của tự nhiên”(Enghen).

TIỂU KẾT

Trong cộng đồng 54 dân tộc, cư dân Tày, Thái có vai trò đặc biệt quan trọng trong buổi đầu lịch sử của dân tộc, góp phần to lớn vào công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Văn hoá Tày, Thái với những nét đặc trưng của tộc người đã làm phong phú thêm bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời có ảnh hưởng to lớn đối với các tộc người lân cận. Đây là bộ phận tộc người có dân số đông thứ hai (sau người Việt - Mường), và có vai trò quan trọng ở vùng miền núi phía Bắc nước ta.

Kho tàng văn học dân gian Tày, Thái giữ một vị trí quan trọng, là nguồn sử liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử của tộc người trong buổi bình minh của nhân loại.

Khung phân kỳ nấc thang tiến hoá của nhân loại được Moocgan đưa ra và Enghen khẳng định lại một lần nữa trong tác phẩm kinh điển “Nguồn gốc

nhân loại. Và điều đó được thần thoại Tày, Thái khẳng định một lần nữa thông qua hình tượng những vị thần khổng lồ, những vị thần buổi khai thiên lập địa, hiện thân cho khả năng sáng tạo, cho sức mạnh lao động của người xưa.

Thông qua hình tượng những vị thần khổng lồ - một mô típ chung mang tính phổ quát đối với thần thoại các tộc người về buổi bình minh trong lịch sử loài người, tiến trình phát triển của lịch sử tộc người được tái hiện lại sinh động và chân thực hơn bao giờ hết. Đó là quá trình đấu tranh để thích ứng với điều kiện tự nhiên nhiều bất trắc, cho đến khi nhận thức của con người có bước phát triển nhất định, nảy sinh mong muốn chinh phục tự nhiên dựa theo chính những qui luật của chúng. Từ đó mà nghề nông ra đời với hai bộ phận trồng trọt và chăn nuôi. Đó là điều kiện cơ bản giúp ổn định cuộc sống cho tộc người. Từ đó xuất hiện những xóm làng định cư với nghề nông trồng lúa nước làm kinh tế chủ đạo. Trên cơ sở đó mà tộc người được hình thành với những đặc trưng về kinh tế, văn hoá, xã hội…, đưa con người bước vào thời đại mới, thời kỳ văn minh của lịch sử loài người.

Không chỉ có ý nghĩa nhằm tái hiện lại một chặng đường lịch sử lâu dài và gian khổ của tộc người trong buổi đầu của lịch sử, thần thoại cư dân Tày – Thái nói chung và thần thoại về các vị thần khổng lồ nói riêng còn thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên, cải biến tự nhiên nhằm phục vụ cuộc sống của con người lúc bấy giờ. Thiên nhiên đầy trắc trở mà cũng thật hùng vĩ, chi phối toàn bộ đời sống con người. Làm sao để có thể hiểu nó, thích nghi với nó cho cuộc sống của con người bớt khó khăn? Chỉ có lao động, thông qua lao động và bằng khả năng sáng tạo không ngừng của con người, ước mơ đó mới trở thành hiện thực.

Ý thức được điều đó, người nguyên thủy xưa đã gửi gắm ước mơ vào các vị thần sáng tạo, những vị thần có công dời non, lấp bể, bạt núi, băng ngàn, những người có tầm vóc to lớn có thể sánh ngang với thiên nhiên hùng

vĩ. Chỉ có những vị thần khổng lồ, những con người có sức vóc phi thường mới có khả năng cải tạo tự nhiên, chuyển tải ước mơ chinh phục tự nhiên của con người. Tuy là những vị thần - những lực lượng có khả năng siêu nhiên, nhưng các vị thần trong thần thoại vẫn phải lao động bằng chính khả năng của mình mới có thể hoàn thành công việc kiến tạo mặt đất - sứ mệnh lịch sử được thời đại giao phó, chuẩn bị cho sự xuất hiện của loài người.

Như vậy, cũng như con người, để cải tạo được thiên nhiên theo ý muốn của mình, các vị thần cũng phải sử dụng đến chính sức lao động của mình. Chính khả năng lao động, sáng tạo không ngừng của các vị thần đã giúp cho con người có được thiên nhiên như ngày hôm nay. Hay đúng hơn, chính nhờ lao động của mình, con người mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bởi hình ảnh các vị thần sáng tạo chính là hiện thực hoá cho khả năng và ước mơ của người xưa.

Thần thoại ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong tư duy con người, khi khả năng biểu trưng hoá, khái quát hoá được hoàn thiện. Cùng với đó là sự tự ý thức về vai trò của lao động cũng như sức mạnh của chính bản thân mình. Con người đã đặt mình là trung tâm của vũ trụ, đặt sức lao động của bản thân là nhân tố quyết định mọi sự sáng tạo trong tự nhiên. Đến lúc này, con người không chỉ sống dựa vào thiên nhiên mà còn bắt đầu công cuộc chinh phục, cải tạo, dựa trên những qui luật của tự nhiên để tự tạo lập một cuộc sống riêng cho mình. Cùng với sự ra đời của nghề nông đã bước đầu khẳng định sự thắng thế của con người đối với tự nhiên. Suy cho cùng, chính lao động giúp cho con người tách khỏi thế giới tự nhiên, và một lần nữa, chính lao động đã giúp con người ngày càng trở thành “người” hơn bằng việc tự khẳng định vị thế và vai trò của mình trong tự nhiên, trở thành bộ phận năng động nhất của tự nhiên. Chính lao động là động lực quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. Điều đó đã được khẳng định thông qua thần thoại của các tộc người, đặc biệt là trong thần thoại của cư dân Tày, Thái ở Việt Nam.

CHƯƠNG 3

NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA BIỂU TƯỢNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRONG KHO TÀNG THẦN THOẠI MỘT SỐ TỘC NGƯỜI

NÓI TIẾNG THÁI Ở VIỆT NAM

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 81)