Khẳng định vai trò của con người trong quá trình tiến hoá của mình

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 97)

7. Bố cục của luận văn

3.1.3.Khẳng định vai trò của con người trong quá trình tiến hoá của mình

Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, người nguyên thuỷ đã cố gắng tìm hiểu, quan sát và giải thích những hiện tượng tự nhiên và xã hội để khắc phục tác hại của chúng, đồng thời cũng là để cải tạo chúng, phục vụ cho lợi ích của

con người. Quá trình đấu tranh đó cũng chính là quá trình người nguyên thuỷ tự cải tạo mình, quá trình phát huy tính năng động sáng tạo của con người.

Khi đã có ý thức về vai trò của mình, mặc dầu ý thức này hãy còn thô sơ và non nớt, tất nhiên con người sẽ không còn hoàn toàn chịu bất lực trước tự nhiên như trước nữa. Lúc này họ đã hiểu rõ phần nào tác dụng trở lại của mình đối với thế giới. Nghĩa là người nguyên thuỷ đã bước đầu có ý thức về vai trò của mình và về khả năng có thể cải tạo thế giới xung quanh mình. Chính nhờ có Thần Trụ Trời mới xây dựng được vũ trụ. Có lao động bền bỉ, gánh đất, gánh cát đắp núi cao thì Tứ Tượng mới chiếm được cảm tình của Nữ Oa. Hay có công sức lao động miệt mài của các vị Sô Công mới tạo nên sông, núi, ao hồ, đồng ruộng, tạo nên diện mạo mặt đất chuẩn bị cho sự xuất hiện của vợ chồng Ải Lậc Cậc và sau này là con người…

Lao động có tác dụng quyết định đối với đời sống con người. Không có lao động không thể hình thành thế giới cũng như xã hội con người như ngày nay. Đến các vị thần cũng phải dựa vào sức lao động của mình mới có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Điều đó đã được khẳng định chắc chắn qua những thần thoại mà chúng tôi đã đưa ra ở phần đầu của luận văn.

Hình ảnh của các vị thần buổi sơ sử cũng chính là hình ảnh của con người trong giai đoạn đầu của lịch sử. Tức cũng phải lao động miệt mài, sáng tạo hết mình để có thể thích ứng với điều kiện tự nhiên muôn hình muôn vẻ, biến đổi không ngừng. Nhiệm vụ của con người là phải phát hiện ra những qui luật của tự nhiên, nương theo đó mà có cách tác động tích cực nhằm phục vụ cho chính cuộc sống của mình. Công cuộc phát hiện, thuần dưỡng vật nuôi, cây trồng của các vị thần sáng tạo là minh chứng cụ thể cho nhận định trên.

Trước hết là đối với vợ chồng Báo Luông – Sao Cải của đồng bào Tày Cao Bằng. Nhằm đáp ứng nhu cầu cho đàn con ngày càng đông đúc, ông bà phải không ngừng tìm tòi những vật nuôi, cây trồng có thể thuần dưỡng được

đem về nuôi gần nhà để làm thức ăn dự trữ, trong đó quan trọng nhất là giống lúa nước. Nhưng để biến lúa hoang thành lúa nhà, phải trải qua một quá trình tìm tòi, sáng tạo, nương theo đúng quy luật của tự nhiên, phải đảm bảo chỗ trồng lúa luôn luôn đủ nước, không được cạn quá hoặc ngập quá. Khi cây lúa trổ bông, phải nhổ tỉa bớt, không để quá dầy thì cây mới cho năng suất cao. Kinh nghiệm này đã được truyền lại cho các thế hệ con cháu sau này như một cẩm nang trong sản xuất nông nghiệp.

Hay như Ải Lậc Cậc, muốn cho ruộng tốt tươi phải chịu khó gánh tro bón ruộng. Thêm vào đó trước khi cấy lúa phải cày bừa thật kỹ ruộng. Có thể nói, đây là những vị thần nông tiêu biểu cho cư dân Tày – Thái, những người đã đem nghề nông cũng như kinh nghiệm cấy trồng cho lớp cư dân sau này.

Bên cạnh lao động, khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, tuân theo những quy luật khách quan đã giúp cho người nguyên thuỷ có thể tồn tại được trong tự nhiên với bao trắc trở mà con người không thể lường trước được. Không chỉ có vậy, ý chí khám phá, chinh phục tự nhiên luôn thường trực, kích thích khả năng sáng tạo của con người, giúp cho con người không chỉ phụ thuộc vào tự nhiên mà còn bước đầu cải tạo nó phù hợp với cuộc sống và nhu cầu của bản thân, bắt tự nhiên phải phục vụ mình. Nghề nông nguyên thuỷ ra đời chính thức đánh dấu sự thắng thế của con người đối với tự nhiên.

Các vị thần khổng lồ thời nguyên thuỷ phản ánh trong thần thoại các tộc người mang trong mình dấu ấn thời đại sâu sắc. Họ không chỉ tượng trưng cho nhận thức sơ khai, ấu trĩ của người nguyên thuỷ về thế giới tự nhiên đầy trắc trở vây quanh người nguyên thuỷ mà còn là đại diện cho ước mơ, cho khát vọng chinh phục tự nhiên của họ. Tầm vóc của con người nhỏ bé quá, nên họ phải tìm tới một lực lượng thật lớn lao phi thường để đại diện cho mình. Lực lượng ấy giúp người nguyên thuỷ chuyển tải ước mơ, khát vọng, hiện thực hoá những mong muốn của mình. Tuy còn những hạn chế do lịch sử

đem lại, nhưng hình ảnh những vị thần khổng lồ trong buổi đầu của lịch sử vẫn là hình ảnh đẹp, trong sáng, đại diện cao nhất cho ý chí của con người trước tự nhiên.

Với sự sáng tạo ra hình tượng những vị thần khổng lồ, đại diện cho sức mạnh, cho khả năng sáng tạo của bản thân, người nguyên thuỷ đã khẳng định sự biến đổi trong nhận thức, trong tư duy, khiến họ ngày càng tách rời khỏi thế giới động vật. Bởi trong họ bắt đầu hình thành một thế giới biểu tượng, tức là khả năng biểu trưng hoá trong nhận thức của con người về thế giới thực tại. Đây là bước phát triển quan trọng nhất giúp vượn người chính thức trở thành con người với đầy đủ năng lực cũng như đặc trưng của nó.

Từ hiện thực khách quan của cuộc sống, người nguyên thuỷ bắt đầu nhận thức nó vào trong đầu óc của mình. Cùng với khả năng tưởng tượng và liên tưởng ngày càng nâng cao trong hoạt động trí tuệ, họ tìm ở những hình tượng mới để diễn đạt thế giới biểu tượng trong đầu óc mình cho người khác cùng biết, có nghĩa họ tìm một sự vật, hiện tượng cụ thể để diễn đạt những sự vật, hiện tượng vô hình trong thế giới ý niệm của mình. Đó chính là các biểu tượng. Do đó, biểu tượng là vật trung gian, là cầu nối giữa thế giới ý niệm và thế giới thực tại thông qua những hình ảnh cụ thể.

Năng lực tưởng tượng cũng như khả năng biểu trưng hoá là rất phức tạp và chỉ có ở con người, nó làm cho con người ngày càng cách xa so với thế giới động vật. Cùng với sự ra đời của thế giới biểu tượng, con người chính thức trở thành một chủ thể sáng tạo của tự nhiên. Bởi khả năng biểu trưng hoá là năng lực đặc trưng chỉ có thể có ở con người mà thôi.

Như vậy, với sự xuất hiện của các vị thần khổng lồ - biểu tượng cho sức mạnh sáng tạo, cải biến thiên nhiên bằng hoạt động lao động của con người, đồng thời thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên, nâng cao tầm vóc

của con người lên ngang hàng với tự nhiên, người nguyên thuỷ đã chính thức tách ra khỏi thế giới động vật, trở thành NGƯỜI với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Một phần của tài liệu Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam (Trang 97)