7. Bố cục của luận văn
2.1.2. Lịch sử hình thành các tộc người nói tiếng Thái ở Việt Nam
Về nguồn gốc tộc người các dân tộc nói tiếng Thái, theo quan niệm phổ biến của các nhà nghiên cứu Dân tộc học – Nhân học hiện nay được trình bày như sau:
Vào khoảng cuối thời kỳ đồ đá giữa hoặc chậm lắm là trong thời kỳ đồ đá giữa, ở miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Đông Dương đã xảy ra sự hỗn hợp giữa thành phần nhân chủng bản địa thuộc giống người Úc Phi da đen (Negro - Australoides) với các thành phần nhân chủng thuộc giống người Mông Cổ da vàng từ nơi khác đến (Mongoloides) tạo nên ngành nhân chủng
Mông Cổ phương Nam (Indonesiens). Sự hỗn hợp này tiếp tục trong những thiên niên kỷ sau này.
Như vậy, có thể khái quát được rằng, những dân tộc thuộc thành phần nhân chủng Mông Cổ phương Nam, trong đó có tổ tiên các tộc người nói tiếng Thái rõ ràng hình thành và sinh tụ ở miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Đông Dương. Những dân tộc này đã góp phần tạo nên một nền văn hoá có nét đặc sắc thường được gọi là văn hoá phương Nam. Nền văn hoá này khác hẳn nền văn hoá cổ xưa của các dân tộc hình thành và sinh tụ ở miền lưu vực sông Hoàng Hà mà đại biểu là tổ tiên người Hán. Nó cũng khác nền văn hoá của những người dân du mục cổ đại ở phía Tây xưa kia sinh sống ở miền Trung Á và cực Tây Trung Quốc mà đại biểu là tổ tiên người Tạng.
Trong chính sử Trung Quốc, các dân tộc cư trú cổ xưa ở miền Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam được gọi bằng một tên chung là Man, là Việt. Sau từ tên chung Việt tách ra các tên gọi cụ thể hơn chỉ các nhóm người cư trú ở từng khu vực địa lý khác nhau như: Dương Việt ở Giang Tây, Đông Việt ở Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt ở Quảng Tây và Bắc Việt Nam, Tây Nam Quảng Đông, Điền Việt ở Vân Nam, Quỳ Việt ở Tứ Xuyên…Các tên gọi này tuỳ từng thời kỳ mà gọi khác nhau và chỉ số người cư trú ở vùng rộng hẹp khác nhau. Đó là tổ tiên của những dân tộc khác Hán thuộc các nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, Tày – Thái, Việt - Mường, Môn – Khơmer và cả Malayo – Polinesiens nữa.
Đến những thế kỷ cuối cùng trước công nguyên, ta có thể thấy ở miền Nam Trung Quốc, suốt một dải từ miền giáp Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Lưỡng Quảng và có thể thấp xuống phía Nam một chút đến vùng biên giới Đông Dương là địa bàn sinh tụ chủ yếu của các dân tộc ngôn ngữ Tày – Thái. Còn ở miền Đông Dương và có thể lên phía Bắc bên kia biên giới Trung
Quốc là địa bàn sinh tụ chủ yếu của các dân tộc ngôn ngữ Việt - Mường (trung tâm là đồng bằng Bắc Bộ) và các dân tộc ngữ hệ Môn – Khơme.
Vào khoảng hai ba nghìn năm nay, riêng với các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái có hai lần thiên di lớn theo hướng Tây – Nam và hướng Nam, một là vào cuối thiên niên kỷ I TCN, hai là vào những thế kỷ của thiên niên kỷ thứ I và đầu thiên niên kỷ thứ II SCN. Những cuộc thiên di đó xen lẫn với các cuộc di cư nhỏ lẻ nhưng liên tục có tính chất địa phương. Kết quả của những biến động trên làm khối Tày – Thái tách làm hai vào khoảng những thế kỷ trước và sau công nguyên.
Đến đầu công nguyên, sự phân bố ngành Tày – Thái ở phía Đông về cơ bản đã ổn định. Điểm cực Nam của ranh giới khu vực ngành Tày – Thái phía Đông là miền núi rừng Việt Bắc.
Sự phân bố ngành phía Tây ổn định muộn hơn. Phải đợi đến thế kỷ XIV, sau khi hình thành các quốc gia Thái Lan, Vạn Tượng (Lào), bang San ở Miến Điện (Mianma) và nhà nước Ahom ở Át sam, sự phân bố đó mới tiến hành xong.*
Ở Việt Nam, khối Tày – Thái được phân chia thành hai nhóm ngành khác nhau:
1, Ngành phía Đông có các nhóm: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ và Giấy (Nhắng).
2, Ngành phía Tây có các nhóm: Thái trắng (chủ yếu sinh sống ở tỉnh Lai Châu và huyện Phù Yên, Nghĩa Lộ, Mộc Châu – Sơn La), Thái đen (miền núi Thanh Nghệ, Nghĩa Lộ - Yên Bái, Tuần Giáo – Lai Châu), Thái đỏ (Đà Bắc và Mai Châu – Hoà Bình). Bên cạnh đó còn có các nhóm Lào, Lự.
* Cầm Trọng (1987), Mấy vấn đề cơ bản về lịch sử kinh tế- xã hội cổ đại người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, H.KHXH.
Việc phân chia ra ngành phía Đông và ngành phía Tây tương đối phù hợp hơn về mặt lịch sử, địa lý, ngôn ngữ và văn hoá. Mặc dầu hai ngành có chung một nguồn gốc, có chung những đặc điểm văn hoá nhưng vì trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã sống riêng rẽ, bên cạnh các nhóm dân tộc thuộc các ngữ hệ khác nên đã mang những đặc điểm riêng biệt. Trong luận văn này, chúng tôi cũng xin theo quan điểm này để nghiên cứu về nhóm ngôn ngữ này. Thêm vào đó, do trình độ khá chênh lệch giữa các tộc người trong nhóm ngữ hệ này, nên khi nghiên cứu, chúng tôi chủ yếu tập trung vào người Thái và người Tày – Nùng là đại diện tiêu biểu cho hai nhóm ngành và có trình độ phát triển tương đồng trong nấc thang tiến hoá của nhân loại.