7. Kết cấu luận văn
1.4. Giới thiệu địa bàn nghiên cứu
Tam Sơn là một làng thuộc xã Tam Sơn, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Về vị trí địa lý, Tam Sơn nằm về phía Đông - Bắc trung tâm thị xã Từ Sơn và cách trung tâm thị xã khoảng 2 km, cách Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc. Phía Bắc của làng giáp xã Phú Lâm, phía Tây giáp xã Đồng Kỵ, phía Nam giáp xã Đồng Nguyên.
Tam Sơn là làng to nhất của xã Tam Sơn và nằm ở trung tâm xã. Làng gồm 6 xóm: xóm Tây, xóm Núi, xóm Xanh, xóm Ô, xóm Đông, xóm Trước. Đây là làng có một lịch sử tồn tại và phát triển khá lâu đời. Theo các nguồn tài liệu xưa còn lưu giữ được của Tam Sơn, cũng như kết quả nghiên cứu mới đây của nhiều nhà khoa học thì Tam Sơn là một làng cổ, có lịch sử cư trú, làm ăn của nhiều dòng họ từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, liên tục cho đến ngày nay.
Từ cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI Tam Sơn đã giữ vi trí quan trọng trong đời sống chính trị xã hội và tôn giáo của đất nước. Thời kỳ này, Tam Sơn là một trung tâm Phật giáo quan trọng có ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng nhiều của vương triều Lý. Nổi tiếng nhất là chùa Cảm Ứng được xây dựng trên 1 trong 3 quả đồi của làng. Chùa Cảm Ứng được Nhà nước xếp vào di tích cấp Bộ, ngoài ra làng còn có 5 di tích cấp tỉnh, đó là: Đình thôn Dương Sơn, Đình thôn Phúc Tinh, nhà thờ dòng họ Ngô, Nhà thờ quan thái y Vũ Kiền… Làng có 21 dòng họ, trong đó họ Ngô và họ Nguyễn chiếm đa phần dân số.
Về mặt tâm linh, người dân Tam Sơn không chỉ thờ Phật mà còn thờ những người có công với dân với nước, với tổ tiên, đặc biệt tôn thờ những danh nhân của làng và của các dòng họ trong làng. Trong đời sống cộng đồng, đã hình thành những phong tục tập quán của gia đình, dòng họ, phe giáp, thôn xóm với nhiều nghi thức, lễ tục, khoán ước, hương ước, quy ước…, phản ánh trình độ tổ chức rất chặt chẽ, quy củ của cộng đồng làng xã và ý thức trách nhiệm cao của mỗi thành viên đối với cộng đồng. Sinh hoạt văn hóa cộng
30
đồng khá phong phú. Làng có cả đội văn nghệ, có các câu lạc bộ dành cho người già. Truyền thống trọng sỉ còn khá sâu đậm với việc ý kiến của người già vẫn luôn luôn được con cháu tôn trọng lắng nghe.
Tam Sơn nổi tiếng là làng khoa bảng và hiếu học, nơi đây có đến 17 vị đỗ đại khoa thời phong kiến. Hiện nay Tam Sơn vẫn phát huy được truyền thống hiếu học của cha ông, hàng năm có khoảng trên dưới 70 học sinh vào đại học, cả làng hiện có trên 400 người tốt nghiệp đại học, 31 người có học hàm học vị trên đại học đang công tác ở các lĩnh vực trong và ngoài nước.
Về kinh tế, mặc dù từ xưa trong làng đã có cả các nghề thủ công nghiệp, thương nghiệp, nhưng trong thời kỳ bao cấp người dân ở đây chỉ làm nông nghiệp, với cây trồng chính là lúa nước. Chuyển sang thời kỳ Đổi mới, đặc biệt là từ thập kỷ 90, Tam Sơn đã có sự chuyển biến mạnh về nghề nghiệp. Từ chỗ chỉ làm nông nghiệp đã chuyển sang làm gỗ mỹ nghệ, trong đó có khoảng 30% đứng ra làm chủ, 70% gia đình sản xuất dưới dạng gia công. Theo báo cáo của xã thì tỷ trọng thu nhập từ cây lúa là 16%, từ công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là 64% và 20% là từ thương mại và ngành nghề khác. Trên địa bàn của làng, 100% số gia đình có nhà kiên cố, hầu hết có xe máy, 100% có phương tiện nghe nhìn, 70% hộ có điện thoại và 100% hộ sử dụng điện thắp sáng.
Với việc kinh tế phát triển và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, Tam Sơn đang đổi mới hàng ngày. Lượng người đến làng giao thương ngày càng nhiều, kể cả lực lượng lao động phổ thông đến làm công theo mùa vụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng của làng cũng khá hoàn thiện, đường làng ngõ xóm đều được đổ bê tông kiên cố, kênh mương thủy lợi được xây dựng hoàn chỉnh. Trên địa bàn của làng còn có cả chợ và trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính của xã. Các trường cấp 1 và cấp 2 cũng đóng trên địa bàn của làng, tạo điều kiện cho con em của làng đến trường thuận lợi. Đặc biệt trong mấy năm gần đây trên địa bàn của làng đã xuất hiện nhiều nhà trẻ tư nhận trông trẻ từ 1 đến 4 tuổi.
31
Tóm lại, Tam Sơn là một làng cổ, chứa đựng trong mình đầy đủ những giá trị truyền thống nhưng đang đổi thay hàng ngày để hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước. Tương tự như vậy, mặc dù bắt rễ sâu vào các giá trị tinh thần truyền thống của làng, của nước, song gia đình ở làng Tam Sơn cũng đang có sự biến đổi nhanh chóng và đây chính là lý do để chúng tôi chọn Tam Sơn làm địa bàn nghiên cứu.
32 CHƯƠNG 2
BIẾN ĐỔI CẤU TRÚC GIA ĐÌNH Ở TAM SƠN TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI