- Về phương diện tiếp cận khách hàng
3.2.2 Một số đề xuất nhằm hoàn thiện qui trình kiểm toán khoản mục phải thu khách hàng trong kiểm toán BCTC tại CPA
Dựa trên những hạn chế đã nêu và sự cần thiết phải hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản mục phải thu khách hàng, em xin đưa ra một số đề xuất đối với việc hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản phải thu khách hàng trong kiểm toán BCTC như sau:
3.2.2.1. Về công tác đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm soát đối với khoản phải thu khách hàng.
Những hạn chế về mặt thời gian trong việc đánh giá hệ thống KSNB sẽ được khắc phục một phần nếu CPA và phía công ty khách hàng thỏa thuận về thực hiện cuộc kiểm toán sơ bộ vào khoảng thời gian không phải mùa kiểm toán. Đây là một cách thức tốt đối với KTV, vì lúc này về mặt thời gian không đòi hỏi gấp gáp như trong mùa kiểm toán. KTV có thể thực hiện việc áp dụng các phương pháp kiểm toán ngoài chứng từ như : KTV tiến hành tìm hiểu hệ thống KSNB của đơn vị khách hàng; tiến hành quan sát các hoạt động liên quan đến KSNB hoặc phỏng vấn nhân viên đơn vị về các thủ tục kiểm soát của những người thực thi công việc KSNB nhằm đánh giá một cách tin cậy về hệ thống kiểm soát nội bộ tại công ty khách hàng.
Ngoài ra, CPA nên tiến hành công tác đánh giá hệ thống KSNB của khách hàng không chỉ thông qua việc sử dụng bảng câu hỏi về hệ thống kiểm soát nội bộ được thiết kế chung cho mọi khách hàng mà cần cụ thể hơn nữa đối với từng khách hàng vì mỗi đơn vị khách hàng luôn có sự khác nhau trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong thời gian gần đây có nhiều loại hình doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực kinh doanh rất mới lạ đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, do đó cần thiết kế những thủ tục khảo sát về KSNB phù hợp để có thể đưa ra nhận xét xác thực về hệ thống KSNB của khách hàng. Ví dụ đối với những khách hàng là doanh nghiệp thương mại thì khoản phải thu khách hàng là một chỉ tiêu giữ vai trò quan trọng trên bảng CĐKT của DN vì vậy KTV cần giành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu cặn kẽ quy trình kiểm soát
nội bộ đối với khoản mục này; cần tiến hành phỏng vấn đối với tất cả các bộ phận, cá nhân liên quan đến việc kiểm soát khoản phải thu khách hàng. Điều này sẽ giúp cho đơn vị kiểm toán giảm thiếu các thủ tục kiểm tra chi tiết nếu hệ thống KSNB của đơn vị là tin cậy được và cũng giúp được KTV tránh được rủi ro trong quá trình kiểm toán.
3.2.2.2. Về thủ tục phân tích trong kiểm toán khoản phải thu khách hàng
Thủ tục phân tích đối với khoản mục phải thu ở công ty CPA chỉ được áp dụng ở giai đoạn thực hiện kiểm toán. KTV nên áp dụng thủ tục phân tích triệt để hơn để việc kiểm toán khoản mục phải thu khách hàng cũng như BCTC đạt được hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.
KTV cần áp dụng triệt để các thủ tục phân tích ngay trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán để có được cái nhìn bao quát về xu hướng biến động đối với khoản mục phải thu khách hàng và các khoản mục khác. Từ đó kiểm toán viên có thể phát hiện ra những biến động bất thường và tập trung vào kiểm tra chi tiết.
Ngoài ra, trong quá trình kiểm toán, KTV nên áp dụng thêm các kỹ thuật phân tích khác ngoài phân tích ngang như kỹ thuật qua hệ số (so sánh: Số vòng thu hồi nợ = Doanh thu thuần / Số dư bình quân các khoản phải thu; Thời hạn thu hồi nợ bình quân = Số ngày trong kỳ / Số vòng thu hồi nợ; Hệ số các khoản phải thu = Các khoản phải thu / Tổng tài sản, Hệ số thu hồi nợ = Doanh thu bán chịu / Nợ phải trả khách hàng bình quân ...).
Ví dụ : thông qua số vòng thu hồi nợ, KTV có thể đánh giá được tốc độ luân chuyển các khoản phải thu và khả năng thu hồi nợ của DN. Nếu số vòng thu hồi nợ càng lớn thì thời hạn thu hồi nợ càng ngắn và ngược lại. Từ đó, KTV đánh giá được công tác theo dõi và thu hồi các khoản nợ phải thu khách hàng của DN
Hoặc qua hệ số thu hồi nợ, KTV đánh giá được 1 phần rủi ro tài chính của đơn vị khách hàng : vì hệ số thu hồi giảm, thời gian bán chịu cho khách hàng tăng, thì rủi ro tài chính tằng. Đó là do xác suất thu hồi nợ giảm, vốn của DN bị chiếm dụng lâu dài, dẫn đến chi phí tài chính tăng và ngược lại. Tuy nhiên, KTV cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao hệ số nợ tăng hoặc giảm, và sự biến động đó là hợp lý hay không.
Bên cạnh đó, thủ tục phân tích cũng có thể áp dụng để so sánh các số liệu của đơn vị với mức độ trung bình của toàn ngành, điều này nên được áp dụng triệt để vì trong số khách hàng của CPA có một số lượng không nhỏ là các tổng công ty lớn, việc này sẽ giúp kiểm toán viên đánh giá được tình hình hoạt động của khách hàng và phán đoán các rủi ro có thể xảy ra.