Sự tƣơng đồng giữa pháp luật và luật tụcÊĐê

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và tục Êđê - liên hệ vào thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân tỉnh Đaklak (Trang 29)

Pháp luật và luật tục ÊĐê (sau đây gọi chung là luật tục) đều là những phương tiện điều chỉnh các quan hệ xã hội: Con người trong đời sống xã hội cho dù văn minh hay lạc hậu đều có những nhu cầu lợi ích, mục đích nhất định. Để thỏa mãn nhu cầu lợi ích của mình, mỗi chủ thể có những phương pháp, cách thức riêng. Trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định, có thể có những chủ thể lại thực hiện những hành vi làm tổn hại đến lợi ích của chủ thể khác, tổn hại lợi ích chung của cộng đồng. Xã hội vì thế sẽ trở nên mất ổn định. Bởi vậy để xã hội tồn tại trong ổn định, trật tự, các quyền và lợi ích của các thành viên trong cộng đồng được bảo đảm và bảo vệ, đòi hỏi xử sự của mỗi người phải dựa trên những chuẩn mực nhất định, theo những khuôn mẫu nhất định. Nói cách khác, các mối quan hệ trong xã hội cần được điều chỉnh nhằm bảo đảm xử sự của chủ thể này không làm tổn hại đến lợi ích của chủ thể khác, phù hợp yêu cầu, đòi hỏi của cộng đồng.

Điều chỉnh các quan hệ xã hội là đưa ra những cách xử sự mẫu cho các chủ thể để họ thực hiện trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, hay nói cách khác là xác định cho các chủ thể những quyền, nghĩa vụ nhất định khi họ tham gia vào những quan hệ xã hội cụ thể. Để điều chỉnh quan hệ xã hội có nhiều công cụ phương tiện khác nhau trong đó pháp luật và luật tục ÊĐê là những công cụ rất quan trọng (tuy nhiên luật tục ÊĐê chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong buôn làng người ÊĐê). Để điều chỉnh các quan hệ xã hội pháp luật và luật tục ÊĐê phải tác động vào nhận thức của chủ thể nhằm hình thành ở chủ thể một ý thức nhất định trên cơ sở đó, các chủ thể lựa chọn cách xử sự phù hợp, kiềm chế mình không thực hiện những hành vi

ngăn cấm, đồng thời khuyến khích họ thực hiện những hành vi tích cực. Như vậy, điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật hay luật tục, thực chất là dùng chúng tác động lên nhận thức của chủ thể làm cho chủ thể tự lựa chọn và thực hiện một hành vi phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của nhà nước hay của cộng đồng dân tộc mình.

Điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật và luật tục ÊĐê đều mang tính quy phạm. Chúng đều là những mô hình chuẩn mực cho hành vi con người (dù luật tục chỉ bó hẹp trong phạm vi một số ít người). Xét về bản chất pháp luật và luật tục có sự thống nhất cơ bản đó là sự thống nhất về mục đích điều chỉnh nhằm bảo vệ và định hướng cho sự phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế tất yếu của cuộc sống, hạn chế và loại bỏ khỏi đời sống xã hội những quan hệ xã hội không phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị và lợi ích của công đồng dân tộc, bảo đảm cho xã hội phát triển trong ổn định và trật tự

Điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật và luật tục ÊĐê có sự đồng nhất về tính bắt buộc thực hiện đối với chủ thể bị điều chỉnh, chỉ khác là nếu pháp luật có tính bắt buộc thực hiện đối với toàn xã hội thì luật tục ÊĐê chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các thành viên trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê.

Pháp luật và luật tục ÊĐê đều thuộc kiến trúc thượng tầng, chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng nhưng có sự tác động trở lại cơ sở hạ tầng. Xét ở một góc độ khác, pháp luật và luật tục ÊĐê đều là các hiện tượng xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng do cơ sở hạ tầng quyết định. Luật tục ÊĐê phản ánh toàn cảnh bức tranh xã hội mẫu hệ, tương ứng với nền kinh tế tự cung tự cấp và trình độ sản xuất lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Cũng như vậy tương ứng với mỗi hình thái kinh tế - xã hội trong xã hội có giai cấp là một kiểu pháp luật. Là hình thức pháp lý của các quan hệ kinh tế, vì vậy về cơ bản pháp luật quy định vấn đề gì, quy định như thế nào, điều đó trước tiên phụ thuộc vào thực trạng nền kinh tế. Khi cơ sở hạ tầng xã hội biến đổi thì luật tục và pháp luật cũng bị biến đổi.

Tuy nhiên, luật tục ÊĐê và pháp luật đều có tính độc lập tương đối và đều có sự tác động trở lại cơ sở hạ tầng ở những mức độ nhất định. Sự tác động này có thể diễn ra theo hai hướng tích cực hoặc tiêu cực. Khi pháp luật và luật tục phát triển theo đúng quy luật phát triển của đời sống xã hội, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, phù hợp với lợi ích của số đông người trong xã hội, nói cách khác khi pháp luật và luật tục phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế xã hội thì chúng có tác động tích cực, chúng củng cố, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các quan hệ kinh tế, xã hội tồn tại và phát triển, đồng thời chúng góp phần loại bỏ những quan hệ kinh tế, xã hội không phù hợp, đi ngược lại lợi ích của giai cấp thống trị và lợi ích chung của cộng đồng. Ngược lại, khi pháp luật và luật tục không phù hợp với quy luật vận động phát triển của xã hội, không phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế chúng sẽ có tác động tiêu cực, gây cản trở kìm hãm sự phát triển của các quan hệ kinh tế - xã hội, làm cho đời sống xã hội mất ổn định. Thực tiễn đời sống chứng minh sự tác động của pháp luật và luật tục đối với cơ sở hạ tầng là mạnh mẽ và dễ nhận thấy. Song sự tác động ở diện rộng của pháp luật đối với cơ sở hạ tầng có vị trí và tầm quan trọng nổi trội hơn so với luật tục ÊĐê.

Pháp luật và luật tục ÊĐê vừa mang tính giai cấp vừa mang tính xã hội.

Luật tục ÊĐê hình thành vào thời kỳ tiền giai cấp nên ít nhiều mang tính giai cấp. Nghiên cứu luật tục ÊĐê ta thấy các tù trưởng nhà giàu được bảo vệ khắt khe hơn thường dân, ông chủ được hưởng chế độ ưu đãi của luật tục hơn nô lệ. Tuy nhiên xét về tổng thể tính xã hội trong luật tục ÊĐê vẫn có điểm nổi trội hơn tính giai cấp. Điều này xuất phát từ lối sống cộng đồng mang tính huyết thống cao và với những lợi ích ít đối lập nhau của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Mặt khác, luật tục ÊĐê là công trình lậpt tục tập thể không mang tính nhà nước, thể hiện ý chí chung của một tập thể người trong một dân tộc thiểu số có sự phân hóa kinh tế thấp. Đối với pháp luật tính giai cấp thể hiện rõ nét hơn bởi nó được hình thành bằng con đường nhà nước. Thực tế cho thấy nhà nước bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định. Thông qua

nhà nước, bằng con đường nhà nước, ý chí của giai cấp thống trị được tập trung thành ý chí nhà nước và được nâng lên thành pháp luật.

Trong chủ nghĩa xã hội, lợi ích của các giai cấp vẫn chưa đồng nhất, lực lượng chống đối chủ nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại. Trong điều kiện này pháp luật vẫn được xác định là công cụ hữu hiệu để củng cố và bảo vệ các quyền và lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Như vậy, xã hội xã hội chủ nghĩa pháp luật vẫn chưa loại bỏ được tính giai cấp.

Bên cạnh tính giai cấp pháp luật và luật tục có sự đồng nhất ở tính xã hội. Chúng đều phản ánh những điều kiện sinh hoạt chung của xã hội (xã hội trong luật tục ÊĐê là xã hội của cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê) như điều kiện lịch sử, văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên…Cả luật tục và pháp luật đều là những công cụ để tổ chức và quản lí đời sống xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng. Pháp luật và luật tục đều là những chuẩn mực chung của xã hội; nó là quá trình chọn lọc, đào thải một cách tự nhiên các cách xử sự trong xã hội để giữ lại những cách xử sự hợp lí nhất phù hợp với số đông người trong xã hội, phù hợp với lợi ích của toàn thể dân tộc.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và tục Êđê - liên hệ vào thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân tỉnh Đaklak (Trang 29)