Một văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước được ban hành chỉ được đánh giá cao khi nó thực sự đi vào đời sống của các chủ thể. Mục đích của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước sẽ không đạt được khi các quy phạm này không được các tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện một cách chính xác và đầy đủ. Muốn cho các quy phạm pháp luật của nhà nước được các chủ thể thực hiện một cách nghiêm túc và tự giác thì các văn bản quy phạm pháp luật đó không những phải thể hiện được ý chí, tâm tư, nguyện vọng của các chủ thể mà còn phải phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi loại chủ thể. Đối với người ÊĐê, một tộc người có những nét đặc trưng khá điển hình thì vấn đề phù hợp giữa pháp luật với luật tục của dân tộc họ lại càng có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa pháp luật đi vào cuộc sống của họ. Người ÊĐê thường sống ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa. Cuộc sống của họ gắn với tự nhiên, phụ thuộc vào thiên nhiên. Điều chỉnh hành vi của người ÊĐê trong đời sống chủ yếu là luật tục ÊĐê. Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có sự đổi mới trong hoạt động xây dựng pháp luật. Hàng loạt các văn bản về chính sách phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng an ninh quốc phòng trên khu vực Tây Nguyên được ban hành như Quyết định 132/2002/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên; Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/07/2004 của Thủ tướng Chính phủ về
một số chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc; Quyết định 190/2003/QĐ-TTg ngày 16/09/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách di dân thực hiện quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2003 - 2010 cho đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực Tây Nguyên và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác về an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa khu vực Tây Nguyên… Các văn bản pháp luật được nhà nước ban hành trong những năm gần đây đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Nội dung các văn bản pháp luật gần gũi với đời sống, phù hợp vói phong tục tập quán và luật tục của người ÊĐê. Đồng thời với việc ban hành hàng loạt văn bản pháp luật về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên khu vực Tây Nguyên, việc tuyên truyền pháp luật vào đời sống của người ÊĐê cũng được Nhà nước ta quan tâm đổi mới về cách thức. Vì vậy việc thực hiện pháp luật của người ÊĐê bước đầu đã có những biến chuyển tích cực. Mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê trong việc thực hiện pháp luật của người ÊĐê từ đó được cải thiện và có những ưu điểm cụ thể như sau.
Một là, mặc dù mức độ chưa cao nhưng người ÊĐê đã bước đầu nhận thức được những hành vi bị pháp luật ngăn cấm. Trong lĩnh vực hình sự, một số tội phạm như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, cố ý gây thương tích … đều đã có quy định trong luật tục ÊĐê, nên việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực này, người ÊĐê nhận thức khá nhanh chóng và mức độ tuân thủ pháp luật khá cao. Trong số 528 vụ án hình sự sơ thẩm với 943 bị cáo mà tòa án nhân dân tỉnh DakLak đã xét xử trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006 chỉ có 47 vụ án hình sự với 83 bị án là người dân tộc thiểu số ÊĐê. Trong 47 vụ án hình sự nói trên có 13 vụ án với 32 bị án phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết; 8 vụ án với 8 bị án vi phạm các quy định về điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (những tội không có quy định trong luật tục ÊĐê), chiếm gần một phần hai số bị cáo đã xử. Số bị cáo còn lại nằm rải rác trong các tội
có quy định trong luật tục ÊĐê. Số liệu này chứng minh được hầu hết những quy định của pháp luật phù hợp với luật tục ÊĐê đều được người ÊĐê tuân thủ một cách khá nghiêm túc và tự giác. Khi có mâu thuẫn của các cá nhân trong buôn làng dẫn đến người này gây thương tích cho người kia, hoặc có vụ việc trộm cắp xảy ra người ÊĐê thường chọn luật tục để xử lý, ít tố cáo người vi phạm với các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, trừ những vụ việc có tính chất quá phức tạp và nghiêm trọng. Vì vậy, các vụ vi phạm pháp luật đồng thời vi phạm luật tục của người ÊĐê rất ít được đưa ra xét xử tại tòa án. Đây là một trong những ưu điểm của mối quan hệ giữa pháp luật tục ÊĐê cần được Nhà nước ta quan tâm phát huy trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực dân sự và hôn nhân gia đình, mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê trong hoạt động tuân thủ pháp luật của người ÊĐê càng thể hiện rõ nét. Luật tục ÊĐê bảo vệ sự bền vững của hôn nhân, bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, bảo vệ chế độ trách nhiệm giữa cha mẹ, con cái và ngược lại. Đồng thời, luật tục ÊĐê cấm các thành viên trong cộng đồng lấn chiếm đất đai của nhau, cấm mua bán tài sản, vay mượn tài sản của nhau mà có hành vi chiếm đoạt. Kèm theo các điều cấm là các hình thức phạt đền bằng hiện vật khá nghiêm khắc. Vì vậy, trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, Tòa án nhân dân tỉnh DakLak chỉ xét xử 9 vụ án dân sự và hôn nhân gia đình có nguyên đơn và bị đơn là người dân tộc ÊĐê trên 314 vụ án đã xử trong hơn một năm. Trong 9 vụ án dân sự và hôn nhân gia đình nói trên các nguyên đơn và bị đơn đều sống xen kẽ với người Kinh xung quanh khu vực thành phố Buôn Ma Thuột không còn bị ràng buộc của luật tục ÊĐê. Như vậy có thể nói, các quy định của pháp luật gần gũi với luật tục ÊĐê đều được người ÊĐê lựa chọn hình thức xử lý bằng luật tục ÊĐê khi có vi phạm. Điều này cho thấy sự hỗ trợ của luật tục ÊĐê đối với việc thực hiện pháp luật của người ÊĐê là khá đắc lực và khá hiệu quả.
Hai là, trong hoạt động thi hành pháp luật, mặc dù chưa đồng đều trong dân cư nhưng hiện nay một số đông người ÊĐê thực hiện nghĩa vụ pháp lý
của mình bằng hành động tích cực. Những quy phạm pháp luật bắt buộc chủ thể phải thực hiện như tham gia nghĩa vụ quân sự, đóng thuế cho nhà nước … đều được người ÊĐê thực hiện dúng quy định của pháp luật. Theo số liệu của sở Thương mại - Du lịch tỉnh DakLak cung cấp, trong 2005 và 6 tháng đầu năm 2006 có 85% hộ kinh doanh thương mại cỡ nhỏ có chủ hộ là người ÊĐê tự giác đóng thuế cho nhà nước. Số còn lại không có hành vi trốn thuế mà do kinh doanh đạt hiệu quả thấp nên ghi nợ thuế và được nhà nước xóa nợ thuế theo chính sách dân tộc của tỉnh. Trong hoạt động chấp hành pháp luật, người ÊĐê bước đầu nhận thức được vai trò của pháp luật đối với đời sống của họ. Một số thói quen chấp hành pháp luật cũng từ đó được hình thành ơ các buôn làng người ÊĐê như thói quen đóng thuế khi kinh doanh, thói quen đến tuổi trưởng thành tham gia lao động công ích, tham gia nghĩa vụ quân sự …
Ba là, so với người Kinh, hoạt động sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền tự do, dân chủ của người ÊĐê là chưa phổ biến, nhưng ở một chừng mực nào đó người ÊĐê hiện nay đã biết sử dụng pháp luật kết hợp với luật tục của dân tộc mình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân họ. Biểu hiện đầu tiên đó là quyền khởi kiện ra tòa án đối với các cá nhân mà họ cho rằng cá nhân đó vi phạm lợi ích vật chất, tinh thần của họ. Trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, Tòa án nhân dân tỉnh DakLak đã xét xử 9 vụ kiện dân sự có nguyên đơn là người dân tộc thiểu số ÊĐê. So với số án dân sự, hôn nhân và gia đình, tòa án nhân dân tỉnh DakLak thụ lý trong hơn một năm qua thì số án có nguyên đơn là người ÊĐê chiếm tỉ lệ rất nhỏ, có thể nói là không đáng kể nhưng điều này cũng cho thấy đây là bước đột phá trong sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân người ÊĐê so với các năm trước đây. Hoạt động sử dụng pháp luật của người ÊĐê còn được thể hiện tích cực trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo số liệu của phòng đăng ký kinh doanh - sở kế hoạch đầu tư DakLak cung cấp, từ khi luật doanh nghiệp 1999 ban hành, đã có 07 doanh nghiệp tư nhân và 03 công ty trách nhiệm hữu hạn có chủ doanh nghiệp là người ÊĐê được thành lập. Trong đó có 07 doanh
nghiệp kinh doanh ngành nghề mua bán xăng dầu, cà phê, nông sản và phân bón; 01 doanh nghiệp trồng, bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm; 01 doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông, điện, kim khí, thủ công mỹ nghệ, vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh và nội tỉnh; 01 doanh nghiệp dạy nghề ngắn hạn, mua bán thiết bị văn phòng (máy tính, phần mềm máy tính thiết bị ngoại vi, máy in) và đại lý chi trả ngoại tệ. Số liệu này cho thấy, mặc dù chưa nhiều nhưng nhưng bước đầu người ÊĐê đã biết sử dụng luật doanh nghiệp, luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác để thực hiện quyền kinh doanh của mình trong cơ chế thị trường. Qua tìm hiểu thực tế 10 doanh nghiệp nói trên thì có 07 doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề mua bán cà phê, nông sản, phân bón có sự phối hợp các quy định của pháp luật và luật tục ÊĐê trong kinh doanh. Như vậy có thể nói, người ÊĐê bắt đầu nhận thức được ngoài luật tục của dân tộc mình còn có pháp luật của nhà nước- đó là những quy định mang tính công bằng, bình đẳng và tiến bộ mà người ÊĐê có thể sử dụng nó để bảo vệ quyền cá nhân một cách hữu hiệu trong cuộc sống của mình. Có quan điểm cho rằng: khi người ÊĐê nhận thức được một cách tường tận giá trị đích thực của pháp luật thì các quy định của luật tục ÊĐê sẽ trở nên mờ nhạt trong đời sống của người ÊĐê. Pháp luật càng đi vào đời sống của người ÊĐê một cách sâu sắc, toàn diện thì luật tục ÊĐê càng mất đi khả năng điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong tộc người này. Tác giả không hoàn toàn thống nhất quan điểm này và cho rằng đây là quan điểm thiếu tính thực tế. Đối với các quy định lạc hậu của luật tục ÊĐê mang tính mê tín dị đoan sẽ bị bài trừ khi người ÊĐê hiểu biết pháp luật, biết sử dụng pháp luật phục vụ đời sống của mình. Còn các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê được pháp luật chọn lọc làm cho hoàn hảo hơn, đầy đủ hơn và mở rộng phạm vi áp dụng, chẳng hạn quy định về hôn nhân một vợ một chồng trong luật tục ÊĐê hiện nay được nhà nước ghi nhận bằng pháp luật nó không những có giá trị bắt buộc đối với người ÊĐê mà còn là quy định bắt buộc chung của toàn xã hội.. Như vậy pháp luật sẽ là môi trường làm cho các quy
định này tồn tại và không ngừng phát triển. Mặt khác, có những quy định trong luật tục ÊĐê, pháp luật không thể cụ thể hóa hết, nhưng nó có tính hợp lý, tính đặc trưng truyền thống của người ÊĐê được cộng đồng người ÊĐê ghi nhận trở thành thói quen ứng xử hàng ngày thì không thể lu mờ trước pháp luật, mà nó sẽ tồn tại song hành cùng với pháp luật của nhà nước, chẳng hạn như lệ tục trao vòng tay cầu hôn, lệ tục đi thăm đất của người chủ đất… Đặc biệt khi người ÊĐê am hiểu pháp luật, có thói quen thực hiện tốt pháp luật sẽ làm phát sinh các quy định mới trong luật tục ÊĐê. Ở một số buôn làng người ÊĐê trong khu vực thành phố Buôn Ma Thuột như buôn Alê A, Alê B có quy định: Dân trong buôn không ai được nghe lời kẻ xấu, gây chia rẽ đoàn kết giữa người ÊĐê với người Kinh, làm mất trật tự trong buôn và làm mất trật tự ngoài buôn. Ai vi phạm sẽ bị kiểm điểm trước buôn làng và phải chịu tội với nhà nước (sưu tầm tại buôn Alê A tháng 6 năm 2006). Đây là những quy định mới của luật tục ÊĐê mang màu sắc pháp luật, có nguồn gốc từ sự hiểu biết pháp luật của người ÊĐê. Quy định này mới chỉ được đặt ra và áp dụng tại một số buôn làng người ÊĐê xung quanh khu vực thành phố Buôn Ma Thuột, chưa được truyền bá và áp dụng rộng rãi trong cộng đồng người ÊĐê trên khu vực Tây Nguyên. Tuy vậy nó cũng là căn cứ để chứng minh rằng pháp luật không thể làm mất khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cộng đồng người ÊĐê của luật tục ÊĐê. Trước đây luật tục ÊĐê chỉ có các quy định bảo vệ an ninh trong nội bộ buôn làng. Người vi phạm luật tục ÊĐê chỉ bị phạt đền bằng vật chất. Hiện nay quy định của luật tục ÊĐê được mở rộng phần hình phạt: Kiểm điểm trước buôn làng và chịu tội với nhà nước. Như vậy, ở một số buôn làng người ÊĐê hiện nay họ đã biết sử dụng quyền tố cáo người phạm tội với cơ quan chức năng nhà nước, biết sử dụng luật tục đồng thời với pháp luật để bảo vệ an ninh buôn làng, bảo vệ quyền cá nhân và bảo vệ an ninh chung của xã hội.