Pháp luật ghi nhận củng cố và bảo vệ những quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê. Là hệ thống quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bởi bộ máy quyền lực chuyên nghiệp nên pháp luật có tác động mạnh mẽ tới các hiện tượng xã hội, trong đó có luật tục ÊĐê, nó củng cố, bảo vệ và phát huy những quy định tiến bộ, tích cực của luật tục ÊĐê. Khi pháp luật được xây dựng trên nền tảng các phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có nền tảng các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê, nó góp phần hỗ trợ, bổ sung, bảo đảm cho các quy định đó trở nên phổ biến trong toàn xã hội. Khi đó pháp luật là sự thừa nhận một cách chính thức của nhà nước đối với các quy định của luật tục. Nhờ đó luật tục ÊĐê được tôn trọng và bảo vệ, phát huy bằng các biện pháp của Nhà nước. Khi những hành vi vi phạm luật tục ÊĐê xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vì thế luật tục ÊĐê sẽ được phát huy tốt hơn, tích cực hơn trong
việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là các quan hệ xã hội phát sinh trong buôn làng người dân tộc thiểu số ÊĐê.
Để củng cố và bảo vệ những quy định mang tính truyền thống tốt đẹp của luật tục ÊĐê, pháp luật cần ghi nhận các quy định đó và truyền bá rộng rãi trong xã hội, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế. Khi các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê được pháp luật ghi nhận và thực hiện nghiêm túc, khoảng cách sống của người ÊĐê, người kinh và người các dân tộc khác cũng từ đó được rút ngắn lại, Sự hòa đồng dân tộc có cơ hội phát triển tốt đẹp. Người dân các dân tộc tôn trọng phong tục tập quán của nhau, lấy pháp luật làm điểm chung, làm chất keo gắn kết nhau thành một khối đại đoàn kết dân tộc rộng lớn trên lãnh thổ Việt Nam.
Pháp luật có thể không trực tiếp ghi nhận từng quy định cụ thể của luật tục ÊĐê nhưng vẫn có thể bảo đảm cho nó được thực hiện trên thực tế. Với kỹ thuật lập pháp cao, pháp luật hiện hành không liệt kê tất cả những quy định tiến bộ của luật tục, mà quy định bằng cách nghiêm cấm (…) các hành vi vi phạm các phong tục, tập quán tiến bộ của đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Tuy nhiên, cách này sẽ có những hạn chế nhất định ở chỗ các phong tục, tập quán của các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê nói riêng thường không được ghi nhận bằng những văn bản chuyên biệt. Vì vậy, đòi hỏi nhà chức trách không những phải có một tri thức pháp luật phong phú mà còn phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em trên cả nước.
Pháp luật loại trừ những phong tục tập quán, những quy định lạc hậu của luật tục ÊĐê. Cùng với việc ghi nhận, bảo vệ, phát huy những phong tục tập quán, những quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê, pháp luật giữ vai trò quan trọng trong việc loại trừ những phong tục tập quán, những quy định lạc hậu phản tiến bộ của luật tục ÊĐê ra khỏi đời sống của cộng đồng người dân tộc
thiểu số ÊĐê. Luật tục ÊĐê là hình thái ý thức xã hội, nó ăn mòn bám rễ sâu trong tiềm thức của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, nó trở thành thói quen trong ứng xử hàng ngày của từng thành viên trong cộng đồng. Có những quy định lạc hậu của luật tục ÊĐê tồn tại bó buộc cuộc sống của người ÊĐê hàng trăm năm nay vì vậy không đơn giản một sớm một chiều mà người ÊĐê thay đổi hay từ bỏ được, mặc dù điều kiện thực tế cho sự tồn tại của nó có thể đã mất đi. Trong những trường hợp này pháp luật là phương tiện hữu hiệu để loại bỏ chúng. Bằng các quy định cụ thể, pháp luật không cho phép, hay cấm đoán việc thực hiện những hành vi, những quy định, những phong tục tập quán lạc hậu không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê; chẳng hạn, không công nhận lệ tục hôn nhân nối nòi của người ÊĐê,xử lý kịp thời các trường hợp đánh đuổi người bị nghi là ma lai ra khỏi làng…Đồng thời pháp luật quy định các biện pháp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê không thực hiện các hành vi theo các quy định của luật tục đã lạc hậu. Pháp luật khuyến khích kể cả bắt buộc đồng bào dân tộc ÊĐê phải thực hiện các hành vi khác, những hành vi trái ngược với các quy định đã lạc hậu… Nhìn chung khi giai cấp thống trị mới lên nắm quyền lực nhà nước, cùng với việc xây dựng một hệ thống pháp luật mới thay thế cho hệ thống pháp luật cũ thì họ cũng xây dựng các phong tục tập quán mới, tiến bộ phù hợp với xã hội mới. Tuy nhiên, đối với dân tộc thiểu số ÊĐê việc đổi mới các phong tục, tập quán, đặc biệt là thay đổi các quy định trong luật tục của họ là cần thiết, nhưng cần phải được thực hiện một cách thận trọng, cụ thể là cần vận dụng quan điểm phủ định biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin để kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc này. Không nên phủ định sạch trơn quá khứ sẽ dẫn đến cực đoan và đương nhiên là kết quả đổi mới không đạt được như mong muốn.
Pháp luật góp phần ngăn chặn việc hình thành những phong tục, tập quán, những quy định của luật tục ÊĐê trái với tiến bộ xã hội, trái với pháp luật, góp phần hình thành những phong tục tập quán mới. Pháp luật giữ vai
trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự hình thành các phong tục tập quán trái với pháp luật, trái với tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay sẽ xảy ra hai khuynh hướng trái ngược nhau trong đời sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê. Thứ nhất, người ÊĐê thường sống ở những buôn làng xa xôi hẻo lánh, giao thông khó khăn, trình độ văn hóa thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, tệ nạn mê tín dị đoan phổ biến, nhiều người không biết tiếng phổ thông, điều kiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Nhà nước ta bị hạn chế. Trong điều kiện này, việc tiếp tục phát sinh các quy định luật tục phản tiến bộ có cội nguồn từ niềm tin thần linh, trời đất là không thể tránh khỏi. Để ngăn chặn tình trạng này, chỉ có pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất. Cùng với việc cải thiện đời sống cho cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê Nhà nước ta đã kịp thời ra một số văn bản pháp luật và có nhiều giải pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê tiếp cận với pháp luật bằng nhiều hình thức. Các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh DakLak nói riêng, đều cử cán bộ xuống cùng sống và làm việc với đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, vừa tham gia lao động, vừa tuyên truyền pháp luật. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê từng bước được nâng lên, số người biết tiếng kinh ngày càng nhiều, có người đã đọc thạo cả văn bản pháp luật và dịch ra tiếng ÊĐê đọc cho dân bản nghe. Phong trào kết nghĩa với các buôn làng người dân tộc ÊĐê vùng sâu, vùng xa của các cơ quan nhà nước trong tỉnh ĐakLak đã trở thành thông lệ. Pháp luật cũng từ đó mà đi vào đời sống của người dân tộc thiểu số ÊĐê. Giúp cho người ÊĐê chống lại các tư tưởng lạc hậu đang hình thành trong buôn làng của họ và đặc biệt là ngăn chặn các quy định lạc hậu tiếp tục hình thành trong luật tục ÊĐê. Thứ hai, những buôn làng người ÊĐê sống ở khu vực thành phố, do ảnh hưởng đời sống văn hóa, xã hội của người kinh một cách thái quá, nên một số phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của người ÊĐê không còn được nhận thức đúng mức, những quan niệm phong tục tập quán bên ngoài có điều kiện ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan niệm và lối
sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, ảnh hưởng của các yếu tố khách quan khác như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức bị thoái hóa xuống cấp làm xuất hiện nhiều luồng tư tưởng trái với tập quán truyền thống tốt đẹp của người ÊĐê, tạo thành những quy định trái với tiến bộ xã hội, trái với luật tục truyền thống của người ÊĐê từ trước tới nay. Trong trường hợp đó pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để loại trừ các luồng tư tưởng này và ngăn chặn sự phát sinh những quy định trái với pháp luật, trái với các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê. Hay nói cách khác, pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc làm hình thành các quy định mới của luật tục ÊĐê. Đồng thời pháp luật dự liệu các tình huống để ngăn chặn các luồng tư tưởng trái với tập quán truyền thống tốt đẹp của người ÊĐê, phát sinh trong buôn làng người ÊĐê trong giai đoạn mới.
Như vậy, việc nhà nước ghi nhận bằng pháp luật các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê, bảo đảm cho những quy định đó được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế và xử lí nghiêm những kẻ có hành vi đi ngược với các giá trị truyền thống của luật tục ÊĐê sẽ góp phần bảo vệ và giữ gìn các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu soâ ÊĐê. Đây là tiền đề để hình thành trong nội tâm người dân tộc thiểu số ÊĐê những luồng suy nghĩ mới, tạo cho họ sự tự tin vào sự chinh phục thiên nhiên, từ đó hình thành trong họ những thói quen ứng xử theo ý chí và cũng từ đó các quy định mới, tiến bộ của luật tục ÊĐê sẽ được hình thành. Khi các quy định của luật tục ÊĐê được hình thành phù hợp với đời sống hiện thực, phản ánh đúng những ý chí và nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, nó sẽ được cộng đồng người ÊĐê thừa nhận và thực hiện một cách tự nguyện tự giác. Khi đó cộng đồng người ÊĐê đánh giá một con người tốt hay xấu không chỉ dựa trên các tiêu chí của luật tục mà còn dựa trên thái độ đối với pháp luật, hành vi thực hiện pháp luật của thành viên đó. Vì vậy, có thể khẳng định pháp luật đã đóng vai trò quan trọng làm hình thành những quy định mới, tiến bộ trong luật tục ÊĐê.
Trong điều kiện hiện nay có nhiều quy định trong luật tục ÊĐê cần phải được pháp luật thừa nhận. Bằng việc thừa nhận, khuyến khích các quy định mới tiến bộ của luật tục ÊĐê. Pháp luật góp phần khẳng định một cách chính thức những quy định đó của luật tục. Khi các quy định mới tiến bộ của luật tục ÊĐê được pháp luật thừa nhận nó sẽ có sức mạnh gấp bội trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt các quan hệ xã hội phát sinh trong buôn làng người dân tộc thiểu số ÊĐê.
Tóm lại, pháp luật và luật tục ÊĐê có mối quan hệ mật thiết tác động qua lại lẫn nhau, khi phù hợp với nhau,chúng khẳng định nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên sự điều chỉnh mạnh mẽ nhất đối với hành vi con người, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ÊĐê. Khi mâu thuẫn nhau, tùy trường hợp cụ thể mà luật tục phủ định pháp luật hay pháp luật phủ định luật tục thì kết quả điều chỉnh hành vi của người ÊĐê sẽ không đạt được như mong muốn. Sự phù hợp giữa pháp luật và luật tục ÊĐê, sự tác động qua lại giữa chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố quan trọng là nhận thức về vai trò của pháp luật và luật tục ÊĐê trong quản lý xã hội của nhà làm luật.
Chương 2
THỰC TRẠNG MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁP LUẬT VÀ LUẬT TỤC ÊĐÊ- LIÊN HỆ VÀOTHỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA TAND TỈNH