Bên cạnh những ưu điểm đã phân tích trên đây, mối quan hệ giữa pháp
luật và luật tục ÊĐê ở nước ta hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định:
Một là, rong một số trường hợp, việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong buôn làng người dân tộc thiểu số ÊĐê chưa phân định rõ ranh giới điều chỉnh giữa pháp luật và luật tục. Như đã phân tích ở chương 1, về mặt lý luận, luật tục ÊĐê và pháp luật có sự khác nhau cơ bản về phạm vi, mức độ điều chỉnh. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội có tính chất phổ biến phát sinh trong toàn xã hội trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Luật tục ÊĐê điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong buôn làng người ÊĐê. Trong nhiều trường hợp một quan hệ xã hội phát sinh trong buôn làng người ÊĐê được cả pháp luật và luật tục ÊĐê điều chỉnh. Thông thường khi gặp trường hợp này người ÊĐê chọn luật tục của dân tộc mình, chỉ báo cáo sự việc xảy ra với trưởng buôn mà không làm đơn khởi kiện vụ việc ra tòa án. Tuy nhiên nếu người ÊĐê vi phạm các quy định trong chương các trọng tội của luật tục ÊĐê như tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm,
cưỡng dâm… thì ngoài việc người phạm tội bị xử theo pháp luật, bố mẹ người phạm tội vẫn nộp phạt theo quy định của luật tục ÊĐê. Ví dụ: trường hợp bị án Y Brãi Niê sinh năm 1983, trú tại buôn Klátc xã EaDrông huyện Krôngbuk DakLak, đâm chết bị hại Y Lược Kriêng sinh năm 1985, người cùng buôn. Sau khi Y Brãi Niê thực hiện hành vi giết người, bố mẹ của Y Brãi Niê tự nguyện mua ché Duê, ché Bơng cúng cho người bị chết và nộp trâu bò cúng cầu an cho buôn làng. Như vậy xét về mặt thực tế, một hành vi phạm tội phải chịu hai hình phạt vừa luật, vừa lệ mặc dù việc thực hiện hình phạt của người nhà bị án theo luật tục là hoàn toàn tự nguyện. Có hạn chế trên đây là do nhận thức chung của người ÊĐê về luật tục và pháp luật chưa thấu đáo. Trong ý thức của người ÊĐê có thể không thực hiện pháp luật nhưng không thể không thực hiện luật tục. Bởi lẽ luật tục là niềm tin, tín ngưỡng của bản thân họ và là niềm tin, tín ngưỡng của cả cộng đồng. Đây là thực tế khách quan không thể khắc phục ngay theo ý chí của nhà nước. Vì vậy nhà làm luật cần nắm được điểm đặc trưng này để có các văn bản dưới luật quy định một cách mềm dẻo về các biện pháp bồi thường khi người ÊĐê vi phạm pháp luật đồng thời vi phạm luật tục ÊĐê.
Hai là, trong một số trường hợp sự pháp luật hóa các quy định của luật tục ÊĐê chưa cụ thể dẫn đến khó thực hiện trên thực tế.
Về cơ bản các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê đã được thể chế hóa thành pháp luật một cách tương đối cụ thể bảo đảm tính khả thi của pháp luật. Tuy nhiên một số trường hợp, sự thể chế hóa luật tục ÊĐê thành pháp luật còn quá khái quát và trừu tượng dẫn đến khó thực thi trên thực tếỏ chẳng hạn như quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự: Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với các nguyên tắc quy định trong bộ luật này. Thực tiễn cho thấy việc áp dụng các phong tục tập quán không được trái pháp luật để giải quyết tranh chấp dân sự là điều hết sức khó
khăn phức tạp và gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Bởi phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số ÊĐê nói riêng khá phong phú và đa dạng lại không được ghi vào văn bản. Việc nhận định một phong tục tập quán nào đó không trái pháp luật để đưa vào áp dụng giải quyết vụ kiện là thiếu cơ sở pháp lý và là điều vượt quá tầm nhận thức của đội ngũ thẩm phán hiện nay. Đối với người dân tộc thiểu số ÊĐê việc nhận thức phong tục tập quán nào không trái với pháp luật để sử dụng làm quy tắc xử sự cho hành vi của mình lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, theo số liệu thống kê của Toà án nhân dân tỉnh DakLak trong hai năm 2004, 2005 cũng như sáu tháng đầu năm 2006 không có một trường hợp nào áp dụng phong tục tập quán, luật tục ÊĐê để giải quyết vụ kiện dân sự. Trường hợp gặp những tranh chấp dân sự pháp luật chưa quy định thì đều vận dụng các điều khoản tương tự của pháp luật thuộc các lĩnh vực để giải quyết. Do đó sự quy định quá khái quát như điều 3 bộ luật dân sự Việt Nam hiện hành sẽ gây ra sự khó khăn cho các chủ thể, đặc biệt là các chủ thể người dân tộc ÊĐê trong việc thực hiện, áp dụng pháp luật vào đời sống. Đây là hạn chế trong kĩ thuật lập pháp của Nhà nước ta. Một mặt do trình độ của cán bộ lập pháp chưa ngang tầm đòi hỏi thực tiễn của thời đại. Mặt khác hạn chế này cũng xuất phát từ quan niệm pháp luật là phải khái quát, các vấn đề cụ thể chi tiết sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật dẫn ra trong luận văn này đều chưa được chi tiết hóa hay giải thích một cách cụ thể ở bất cứ một loại văn bản nào.
Ba là, nhiều quy định phản tiến bộ của luật tục ÊĐê vẫn còn tồn tại gây cản trở cho cuộc sống lành mạnh của người ÊĐê chưa được pháp luật loại trừ và ngăn chặn có hiệu quả trên thực tế.
Mặc dù pháp luật đã góp phần khá quan trọng trong việc loại trừ các quy định lạc hậu của luật tục ÊĐê. Song do nhiều nguyên nhân nên một số quy định lạc hậu, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội trong luật tục ÊĐê vẫn còn tồn tại. Qua khảo sát thực tế tại các buôn Cư Mta xã Cư LiêMnông huyện
CưMgar và buôn Klat C, xã EaDrông, huyện KrôngBuk, tỉnh DakLak thấy rằng: Các quy định phản tiến bộ của luật tục ÊĐê vẫn được người ÊĐê áp dụng trong đời sống, như quy định đề cao vai trò người phụ nữ trong gia đình, quy định không cho người đàn ông có quyền có tài sản riêng, quy định người đàn ông phải về nhà vợ ở rể mặc dù không có sự tự nguyện, quy định người đàn ông không có quyền để lại thừa kế cho gia đình mình. Đặc biệt, quy định hôn nhân nối nòi vẫn còn được duy trì. Các hiện tượng kể trên có nhiều nguyên nhân trước hết đó là nguyên nhân về kinh tế, văn hóa xã hội. Thực tiễn cho thấy các quy định phản tiến bộ của luật tục ÊĐê chỉ tồn tại ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ sản xuất lạc hậu. Dân cư trình dộ văn hóa thấp, hầu hết dân trong buôn làng người ÊĐê không biết tiếng Kinh, Trưởng buôn ít được tiếp xúc xã hội, ít được giao lưu với người Kinh. Tệ nạn mê tín dị đoan còn in sâu trong ý thức của họ.
Một nguyên nhân khác đó là: Trình độ tuyên truyền pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật của Nhà nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Cán bộ công chức tuyên truyền phổ biến pháp luật không biết tiếng ÊĐê, không am hiểu phong tục, tập quán của tộc người này nên không thể tiếp xúc, gần gũi với họ để gây ảnh hưởng của pháp luật trong ý thức của họ và loại trừ tập quán xấu. Mặt khác, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành còn thiếu các biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường hợp áp dụng các phong tục, tập quán lạc hậu, làm phương hại đến lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê. Ví dụ: Trường hợp kết hôn thiếu tự nguyện không đăng ký kết hôn do thực hiện tục lệ hôn nhân nối nòi trong luật tục ÊĐê xảy ra ở địa phương thì hơn ai hết chính quyền địa phương là đối tượng nắm rõ tình trạng này, nhưng do pháp luật không quy định cho họ các quyền can thiệp, đồng thời pháp luật chưa quy định các biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp, nên việc xử lý tình trạng vi phạm pháp luật do áp dụng các quy định phản tiến bộ của luật tục ÊĐê chưa được xử lý nghiêm khắc và triệt để.
Nhìn từ góc độ khác, ta thấy có nhiều phong tục, tập quán tiến bộ quy định trong luật tục ÊĐê đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, nhưng chưa nghiêm khắc, chưa triệt để chẳng hạn Điều 151 Bộ luật hình sự quy định:
Người nào ngược đãi hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo đến ba năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nhưng trên thực tế hành vi này chỉ bị cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng pháp luật khi bị hại có đơn yêu cầu. Vì vậy, đối với người ÊĐê khi vi phạm quy định này thường không đưa đơn tố cáo con cái mình mà trưởng buôn tự biết việc xảy ở trong buôn làng và áp dụng luật tục ÊĐê để xử lý. Như vậy việc xử lý bằng luật tục ÊĐê trong trường hợp này sẽ nhanh chóng và triệt để hơn pháp luật. Đây cũng là điểm dẫn đến người ÊĐê xem nhẹ ảnh hưởng của pháp luật đối với luật tục của dân tộc họ và là môi trường cho các tập quán lạc hậu của luật tục ÊĐê tồn tại.
Bốn là, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa thực sự phát huy hết vai trò, làm hình thành các quy định mới, tiến bộ trong luật tục ÊĐê.
Như đã phân tích ở các phần trên, về cơ bản pháp luật Việt Nam hiện hành đóng vai trò to lớn trong việc làm hình thành các quy định mới tiến bộ trong Luật tục ÊĐê. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ cụ thể, có thể nói pháp luật Việt Nam hiện hành chưa thực sự phát huy hết vai trò trong việc làm hình thành các quy định mới tiến bộ và ngăn chặn việc hình thành các quy định mới phản tiến bộ của Luật tục ÊĐê. Đây là tồn tại dễ nhận thấy của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của tư tưởng văn hóa phương tây vào Việt Nam, đặc biệt là sự kích động lôi kéo của lực lượng Fulrô và bọn phản động lưu vong đòi thành lập Nhà nước Đề Ga độc lập, sau đó đòi thành lập: Nhà nước Độc Lập cho Người Dân Tộc. Một số người ÊĐê đã bị lôi kéo tham gia vào các tổ chức phản động này, trở về tuyên truyền trong buôn làng người ÊĐê. Các tư tưởng chống đối chính quyền, phá hoại chính sách đoàn kết dân
tộc và phá rối an ninh, chẳng hạn như: Đàn ông không cần lên nương, đàn bà không nên lên rẫy, chỉ cần ở nhà cúng đức chúa trời là sẽ có đủ cơm gạo... tập hợp nhau lại đòi chính quyền trả lại đất, vì đất Tây Nguyên là của người ÊĐê (lời kêu gọi theo đạo tin lành) Tư tưởng này hình thành nên trong cộng đồng người ÊĐê các hành vi biểu tình chống đối chính quyền nhà nước, gây nên những cuộc bạo loạn kéo dài làm mất trật tự an ninh khu vực Tây Nguyên.
Thực trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân pháp luật Nhà nước ta chưa đi vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, chưa gây được ảnh hưởng lớn trong ý thức của họ: Bị án YHưng Ayun, bị Tòa án nhân dân tỉnh DakLak xử phạt 09 năm tù về tội phá hoại chính sách đoàn kết (bản án số: 57/2006/HSST, ngày 16/3/2006) đại diện cho 32 bị án cùng bị xử về tội này đứng ra tự kiểm điểm trước dân làng đã thú nhận: Do không biết tiếng kinh, không biết pháp luật xử tù vì đi theo tổ chức phản động. Luật tục ÊĐê không cấm tôi vào tổ chức này, nên khi nghe bạn bè rủ rê, cho tiền là tôi đi theo ngay. Nay tôi bị pháp luật phạt tù, tôi biết mình có tội và hối hận lắm. Như vậy, nếu pháp luật có ảnh hưởng tốt sẽ làm hình thành trong tư tưởng của người ÊĐê ý thức về chính sách giữ gìn đoàn kết dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có sự đoàn kết của người ÊĐê và từ đó hình thành trong luật tục ÊĐê quy định về chính sách đoàn kết các dân tộc thì chắc chắn bị án này sẽ không vi phạm pháp luật, không nghe theo người xấu để tham gia tổ chức chống đối chính quyền, Nhà nước.
Chương 3