Yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và tục Êđê - liên hệ vào thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân tỉnh Đaklak (Trang 102 - 106)

Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện đại, nền kinh tế một quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố trực tiếp và gián tiếp của các quan hệ kinh tế Quốc tế. Hiện nay, không thể có một nền kinh tế của một quốc gia nào lại có thể tồn tại, phát triển bằng nền sản xuất của riêng mình và chỉ khép kín trong phạm vi một quốc gia. Có thể thấy rằng thế giới ngày nay đang tiến tới một khung pháp lý chung trong lĩnh vực kinh tế - Khung pháp lý của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế của các quốc gia là tất yếu và ngày càng sâu sắc. Hội nghị lần thứ 29 diễn đàn kinh tế thế giới tại DaVos (Thụy Sĩ) từ ngày 28/01 đến ngày 02/02/1999 người ta đã khẳng định: Toàn cầu hóa không còn là xu thế nữa mà đã trở thành một thực tế… Hội nhập là một yếu tố tất yếu của phát triển. Nước nào không hội nhập thì không có cơ hội phát triển. Nắm được yêu cầu này, Đảng ta chủ trương: Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực… bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc

gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường (Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng IX). Muốn thực hiện tốt chủ trương này, trong nội bộ mỗi quốc gia phải giải quyết tốt các mối quan hệ giữa pháp luật và đời sống xã hội, đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật với các phong tục, tập quán, luật tục của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Tạo ra sự thống nhất chung trong nhận thức pháp luật của các dân tộc. Hướng cho các dân tộc cùng nhau đi vào quỹ đạo chung của pháp luật nhà nước và tiến tới một khung pháp lý chung của toàn cầu. Đối với dân tộc ÊĐê - nơi đang bị ảnh hưởng của các luồng tư tưởng phản động, thù địch, vấn đề giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của dân tộc này lại càng có ý nghĩa quan trọng và cấp bách. Trên thực tế, toàn cầu hóa nền kinh tế là vấn đề hết sức xa lạ đối với người ÊĐê. Cuộc sống của người ÊĐê mang tính cộng đồng, sản xuất nhỏ, mang tính tự cung, tự cấp, phụ thuộc phần nhiều vào thiên nhiên. Tư tưởng của người ÊĐê sản xuất chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Họ không có thói quen sản xuất hàng hóa và chưa bao giờ tiếp xúc với nền thương mại hiện đại. Luật tục của người ÊĐê phản ánh đúng nền kinh tế tự cung tự cấp của dân tộc này. Như vậy, để người ÊĐê đi đúng quỹ đạo chung của pháp luật và tham gia vào khung pháp lý chung của WTO cần có một số giải pháp cụ thể:

Một là, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo định chế của WTO. Lựa chọn những quy định phù hợp với chính sách thương mại khu vực Tây Nguyên, chi tiết hóa những quy định này cho phù hợp trình độ nhận thức của người ÊĐê, dịch thành tiếng ÊĐê, cử các cán bộ biết tiếng ÊĐê vào các buôn làng người ÊĐê, vừa tiến hành lao động vừa tuyên truyền các quy định và chính sách thương mại mới. Hoạt động đưa các quy định thương mại vào đời sống của người ÊĐê cần bắt đầu từ lớp người tiên phong của dân tộc này, đó là những nhà doanh nghiệp có uy tín trên thương trường. Thực tiễn cho thấy các chủ doanh nghiệp là người ÊĐê khi kinh doanh họ thường

áp dụng cả pháp luật và luật tục. Nên việc kinh doanh của họ trong vùng đồng bào dân tộc ÊĐê thường hiệu quả hơn so với người kinh. Vì vậy, khi họ hiểu được các quy định của pháp luật về các chính sách thương mại mới của nhà nước thì các quy định này sẽ nhanh chóng được lan truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê và nhanh chóng được áp dụng cho hoạt động thương mại của người ÊĐê. Sớm tạo nên thói quen trong hoạt động kinh doanh, thương mại của người ÊĐê. Điều này đồng nghĩa với việc làm nảy sinh tập quán kinh doanh trong luật tục ÊĐê. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp tiên phong của người ÊĐê hiện nay không nhiều và đặc biệt là phân bổ không đều, chủ yếu là ở xung quanh khu vực các thành phố và các trục đường giao thông chính, nên hoạt động tuyên truyền pháp luật kinh doanh, thương mại thông qua hoạt động kinh doanh của họ vào tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa là không thực hiện được. Vì vậy hoạt động tuyên truyền pháp luật kinh doanh, thương mại cho người ÊĐê trong vùng sâu, vùng xa cần phải sử dụng lực lượng tuyên truyền pháp luật phổ thông của nhà nước.

Hai là, tạo môi trường kinh doanh cho người ÊĐê bằng cách mở rộng các hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực người ÊĐê sinh sống, nhằm mục đích cho người ÊĐê làm quen với các hoạt động này. Có chế độ định canh, định cư thích hợp để tạo ra vùng dân cư người kinh đan xen với người dân tộc ÊĐê. Tạo nên những ảnh hưởng của nền sản xuất hàng hóa mới. Thực tiễn cho thấy, một số buôn làng người ÊĐê nằm dọc quốc lộ 14 thuộc địa phận huyện KrôngBuk và nằm trong khu vực thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh DakLak có nhiều điều kiện tiếp xúc với người kinh và tiếp xúc với nền thương mại hiện đại, nên từ khi có luật doanh nghiệp 1999 đến nay đã có bảy doanh nghiệp tư nhân và ba công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập, có chủ doanh nghiệp là người ÊĐê. Điển hình là doanh nghiệp thương mại Nhân Văn, ở khối 7 thị trấn Buôn Hồ huyện KrôngBuk, tỉnh DakLak, do anh YNhân M’Lô làm chủ doanh nghiệp, chuyên kinh doanh các ngành nghề mua bán xăng dầu, mua bán, sơ chế cà phê, nông sản, phân

bón, thành lập năm 2003; Vốn ban đầu 200 triệu đồng. Khoản tiền này anh Y Nhân M’Lô thế chấp vườn cà phê và căn nhà của gia đình để vay của ngân hàng nông nghiệp tỉnh DakLak. Từ khi thành lập đến nay anh Y Nhân M’Lô kinh doanh và đóng thuế cho nhà nước đúng quy định của pháp luật. Mỗi năm lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh xăng dầu,phân bón và nông sản đạt trên 100 triệu đồng. Đến nay anh Y Nhân M’Lô đã trả đủ nợ cho ngân hàng và có một số vốn lưu động để kinh doanh. Việc kinh doanh của anh Y Nhân M’Lô vừa kết hợp pháp luật về kinh doanh, thương mại vừa kết hợp luật tục ÊĐê. Chẳng hạn anh đầu tư phân cho người ÊĐê bón cà phê và thu nợ cà phê không cần thế chấp tài sản mà theo quy định về trao đổi hàng hóa của luật tụcÊĐê. Còn đối với người kinh, anh Y Nhân M’Lô quan hệ mua bán theo quy luật chung của thương trường.

Ba là, vấn đề an ninh trong hội nhập WTO là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hàng đầu. Đây cũng là yêu cầu cấp bách trong hội nhập. Thời gian qua một số cá nhân trong cộng đồng người ÊĐê nhận thức pháp luật chưa thấu đáo, nhẹ dạ, cả tin,bị bọn phản động PulRo lưu vong kích động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, lôi kéo dân buôn làng vượt biên trái phép, làm mất trật tự an ninh khu vực Tây Nguyên. Vì vậy Đảng và Nhà nước ta cần mạnh dạn áp dụng các quy định bảo vệ an ninh buôn làng trong luật tục ÊĐê song song với các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh Tổ quốc của Nhà nước ta để củng cố an ninh trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê sinh sống. Nhằm ngăn chặn mặt trái của xu thế hội nhập, đó là lợi dụng sự giao lưu giữa các doanh nghiệp, cá nhân và giữa các nước với nhau để truyền bá tư tưởng phản tiến bộ vào các buôn làng người ÊĐê, hoặc lợi dụng chế độ mở cửa xuất nhập cảnh người, hàng hóa, dịch vụ của Nhà nước ta trong giai đoạn hội nhập để lôi kéo đồng bào dân tộc ÊĐê bỏ làng vượt biên trái phép. Thực tiễn cho thấy, các quy định bảo vệ an ninh, buôn làng và quy định cấm bỏ làng đi lang thang trong luật tục ÊĐê khá cụ thể và chi tiết. Hình phạt của các tội này cũng khá nghiêm khắc

và đặc biệt là dược người ÊĐê tôn trọng. Nếu Nhà nước ta ghi nhận, cho phép phối hợp áp dụng các quy định này với các quy định của pháp luật để điều chỉnh hành vi của người ÊĐê trong lĩnh vực an ninh thì hiệu quả bổ trợ pháp luật của luật tục ÊĐê sẽ đạt được như mong muốn. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức nhạy cảm đòi hỏi người áp dụng luật tục ÊĐê, người tổ chức thực hiện pháp luật phải hết sức thận trọng. Tránh làm phát sinh trong tư tưởng người ÊĐê quan niệm chỉ coi trọng luật tục ÊĐê mà không coi trọng pháp luật của nhà nước.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và tục Êđê - liên hệ vào thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân tỉnh Đaklak (Trang 102 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)