Một là, thời gian qua hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã phản ánh được phần nào tâm tư nguyện vọng của nhân dân lao động các dân tộc trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong đó có tâm tư nguyện vọng của người dân tộc thiểu số ÊĐê, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và của xã hội nói chung, chú trọng yếu tố con người. Đây là những mặt tích cực mà Nhà nước ta cần khai thác triệt để trong giai đoạn mới. Để xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ta không thể hài lòng với pháp luật hiện hành và hài lòng về những mặt tích cực của mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê trong thời gian qua. Trong giai đoạn mới, hệ thống pháp luật của Nhà nước ta phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ, bảo đảm lợi ích chung của toàn thể nhân dân lao động, trong đó có lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, bài trừ các quy định phản tiến bộ trong luật tục ÊĐê, thiết lập trong buôn làng của người dân tộc thiểu số ÊĐê một hệ thống tư tưởng mới hoàn toàn tin tưởng vào khả năng chinh phục thiên nhiên của con người. Hệ thống pháp luật Việt nam trong giai đoạn mới phải thể hiện được tính bình đẳng, thống nhất cao của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Phát huy, kế thừa các quan điểm, phong tục, tập quán tiến bộ trong luật tục của các dân tộc, trong đó có luật tục ÊĐê. Tạo môi trường cho các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê, hình thành, tồn tại và phát triển. Để giải quyết vấn đề này, một mặt cần phải đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao kỹ thuật lập pháp. Nhiều nhà khoa học đã đề cập tới quy trình xây dựng pháp luật một đầu mối đó là Quốc hội, hoặc một cơ quan chuyên trách của Chính phủ. Đây là cơ chế hữu hiệu bảo đảm cho hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng chuyên môn hóa, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh được sự chồng chéo trong việc hướng dẫn thực hiện pháp luật giữa các lĩnh vực. Mặt khác, cần nâng cao trình độ nhận thức pháp luật, trình độ thâm nhập đời sống thực tế của cán bộ xây dựng pháp luật. Cán bộ xây dựng pháp luật phải nhận thức được vai trò của pháp luật và vai trò của các phong tục tập quán của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt là vai trò bổ trợ cho pháp luật của luật tục ÊĐê, khi xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật. Muốn vậy, Nhà nước ta phải có cơ chế cho cán bộ
xây dựng pháp luật thường xuyên mở những cuộc điều tra xã hội học tại các buôn làng người dân tộc thiểu số ÊĐê, nắm được tâm tư nguyện vọng của họ, hiểu một cách thấu đáo cội nguồn sinh ra các quy định trong luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Từ đó họ có cơ sở thực tế để ra những văn bản pháp luật phù hợp với đời sống của người ÊĐê. Quá trình thâm nhập thực tế tại các buôn làng người ÊĐê, cán bộ xây dựng pháp luật cũng dự liệu được các tình huống có thể phát sinh trong đời sống của người ÊĐê, dự liệu được luồng tư tưởng nào có ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ, có thể phát sinh những phong tục tập quán xấu, và luồng tư tưởng nào có ảnh hưởng tích cực đối với người ÊĐê có khả năng phát sinh các quy định luật tục tiến bộ để có biện pháp ngăn chặn hoặc khuyến khích kịp thời.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Đây là vấn đề đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong thời gian qua và cũng đã đạt được một số kết quả tương đối khả quan đối với các buôn làng người dân tộc ÊĐê xung quanh các thành phố lớn như: Buôn Ma Thuột - ĐăkLăk; Đà Lạt - Lâm Đồng; Plei Ku - Gia Lai. Đây là cố gắng đáng kể của Nhà nước ta trong việc đưa pháp luật vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê và là ưu điểm đáng khích lệ và phát huy trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên việc đưa pháp luật vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong giai đoạn mới là vấn đề không đơn giản bởi lẽ dân tộc ÊĐê sống rải rác ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa, các buôn làng tách biệt nhau, giao thông không thuận tiện, đời sống kinh tế khó khăn, nhiều người trong buôn làng không biết tiếng kinh, không quan tâm đến pháp luật của nhà nước, tư tưởng lạc hậu, mê tín dị đoan còn phổ biến. Để làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật cho người ÊĐê, Nhà nước ta cần phải sử dụng nhiều hình thức, nhiều phương pháp và nhiều lực lượng tuyên truyền. Trước hết phải khai thác triệt để thế mạnh của lực lượng cán bộ công chức người dân tộc thiểu số ÊĐê. Biến họ trở thành hạt nhân tuyên truyền pháp luật, thành ngọn đuốc thắp sáng
xua tan màn đêm của lực lượng siêu nhiên, bí hiểm trong tư tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Đối với các già làng, trưởng buôn - những người tiên phong trong việc thi hành luật tục ÊĐê, Nhà nước ta cần có cơ chế trả lương cho hoạt động hợp pháp của ho. Cho họ tham gia các lớp học tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường giao lưu giữa các trưởng buôn với người kinh, với đại diện chính quyền địa phương và giao lưu giữa các trưởng buôn với nhau. Tạo cơ hội cho họ thâm nhập cuộc sống mới và tiếp cận với các văn bản pháp luật, khai thác triệt để ảnh hưởng tích cực của họ đối với các thành viên trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê. Phối hợp tư duy luật tục của họ với tư duy pháp luật. Biến họ trở thành cầu nối giữa pháp luật và luật tục ÊĐê. Mặt khác, phát huy vai trò tích cực của các trưởng buôn trong việc tổ chức thực hiện pháp luật và tổ chức thực hiện luật tục ÊĐê trong thời gian qua; có cơ chế khen thưởng, khuyến khích kịp thời đối với các trưởng buôn có nhiều thành tích trong công tác tổ chức thực hiện pháp luật.
Một đối tượng tuyên truyền pháp luật mang tính chất truyền thống của Nhà nước ta đó là các cán bộ công chức, các cơ quan, đoàn thể nhà nước. Đối với lực lượng này yêu cầu tối thiểu là phải biết tiếng ÊĐê, phải cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người ÊĐê trong một thời gian nhất định, vừa tuyên truyền pháp luật, vừa kết hợp tạo ra các mô hình kinh tế mẫu cho đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê như: mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình… Đặc biệt lực lượng tuyên truyền này phải thể hiện được tính tiên phong của công chức nhà nước, phải tạo được niềm tin cho người ÊĐê vào cuộc sống mới và phải thực sự là chỗ dựa tinh thần cho họ. Muốn thực hiện được điều này, các cơ quan nhà nước khi cử cán bộ xuống nằm vùng tại buôn làng người dân tộc thiểu số ÊĐê phải lựa chọn các cán bộ có tư cách đạo đức tốt, có ý tưởng sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Mặt khác, khi chọn cán bộ tuyên tuyền phải chọn lọc những hạt nhân có tư duy năng động với nền kinh tế thị trường để khi những người này vào làm công tác tuyên truyền tại các buôn làng dân tộc thiểu số ÊĐê, họ phải trở thành những điểm sáng trong
xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người ÊĐê. Đồng thời, họ phải là lực lượng bảo vệ các quy định tiến bộ, bài trừ các quy định phản tiến bộ trong luật tục ÊĐê. Để có được kết quả này, Nhà nước ta phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho lực lượng tuyên truyền và phổ biến pháp luật này. Có chế độ khen thưởng kịp thời cho những người có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền. Xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân lợi dụng công tác tuyên truyền để bài trừ các quy định tiến bộ trong luật tục ÊĐê, gây ra sự kỳ thị dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết của Nhà nước ta.
Ba là, tổ chức tốt việc thực hiện pháp luật, kết hợp thực hiện tốt các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê. Pháp luật sau khi ban hành và có hiệu lực phải được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, pháp luật không thể tự đi vào cuộc sống. Mặt khác, có những quy định của pháp luật người dân không thể tự thực hiện được, hoặc không tự giác thực hiện. Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật càng có ý nghĩa to lớn hơn. Như ta đã biết, một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê ở vùng sâu, vùng xa, từ trước đến nay ít quan tâm đến pháp luật nhà nước. Vì vậy Nhà nước ta phải chủ động tổ chức thực hiện pháp luật cho đối tượng này. Thông qua các cơ quan có thẩm quyền, Nhà nước ta chủ động tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật bằng cách tuyên truyền vận động người ÊĐê thực hiện pháp luật. Chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho họ khi thực hiện những quy định mới. Khi cần thiết có thể hỗ trợ giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê về vật chất hoặc nhân lực, bảo đảm cho các văn bản pháp luật của Nhà nước ta đã ban hành được thực thi nghiêm túc. Để pháp luật được thực hiện nghiêm túc trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê, một trong những biện pháp cơ bản có tầm quan trọng hàng đầu là phải phối hợp với việc thực thi các quy định tiến bộ của luật tục ÊĐê, đó là: thực hiện bằng biện pháp giáo
dục, thuyết phục là chính. Nói như vậy có nghĩa là việc tổ chức thực hiện pháp luật trong buôn làng người dân tộc thiểu số ÊĐê cần lưu ý phối hợp biện pháp giáo dục, thuyết phục với các biện pháp cứng rắn của pháp luật. Ngay cả khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thực hiện pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê cũng cần phải lưu ý tính giáo dục cải tạo của biện pháp cần áp dụng. Hạn chế tối đa các biện pháp cưỡng chế tước đoạt mạng sống con người, vì trong luật tục ÊĐê chưa bao giờ áp dụng biện pháp này kể cả với tội ác giết người dã man. Tóm lại việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, phải thực hiện sao cho người ÊĐê vi phạm pháp luật nhận rõ được lỗi lầm sai phạm của mình và có hướng phấn đấu sửa chữa. Người không vi phạm lấy đó làm bài học để phòng tránh bản thân vi phạm pháp luật.