Nguyên nhân khách quan:

Một phần của tài liệu Nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản việt nam trên thị trường mỹ (Trang 74 - 75)

III. thực trạng sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường Mỹ:

b.Nguyên nhân khách quan:

Thứ nhất, do lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ nên trong một thời gian dài Việt Nam không có quan hệ kinh tế với Mỹ. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam bỡ ngỡ trước một thị trường tương đối mới mẻ như Mỹ với sự cạnh tranh gay gắt, trình độ và tốc độ phát triển cao, với môi trường luật pháp phức tạp, khắt khe và đa dạng vào bậc nhất thế giới. Cũng do lịch sử quan hệ giữa hai nước, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa được hưởng quy chế Tối huệ quốc (MFN) trong quan hệ thương mại với Mỹ. Đây là một cản trở không nhỏ đối với hàng hoá của Việt Nam bởi lẽ thuế suất hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ - như đã trình bày ở phần trên - có sự chênh lệch rất lớn giữa có và không có MFN. Từ trước đến nay, do Việt Nam chưa được hưởng quy chế tối huệ quốc nên hàng hoá của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế là 40%. Tuy nhiên đến nay chúng ta đã được hưởng quy chế này - khi hiệp định thương mại song phương có hiệu lực ngày 10/12/2001, thì thuế suất giảm xuống chỉ còn 3%.

Thứ hai, do khả năng về vốn, quản lý, kinh nghiệm kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp sau một thời gian dài hoạt động trong cơ chế bao cấp. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn ít hiểu biết về luật pháp quốc tế, về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, vẫn chưa làm quen được với một thị trường lớn, hiện đại, đa dạng và cạnh tranh gay gắt, do nước ta mới chuyển sang nền kinh tế thị trường hơn một thập kỷ nay, trong khi đó Mỹ đã phát triển trước chúng ta từ lâu.

Thứ ba, hoạt động của các cơ quan chức năng thường thiếu sự kết hợp hài hoà, thêm vào đó cho đến nay chúng ta vẫn còn thiếu một tổ chức chuyên trách hỗ trợ xuất khẩu. Về thủ tục xuất khẩu, tuy đã có sự cải tiến song vẫn bị coi là rườm rà, phức tạp, thiếu rõ ràng cùng với Bảng thuế xuất khẩu dàn trải, khó thực hiện là cản trở không nhỏ với hoạt động xuất khẩu.

Thứ tư, do sự biến động phức tạp, sự lên xuống thất thường của giá nông sản thế giới kéo theo sự sụt giảm giá trong nước đối với một số nông sản chính như cà phê, cao su, gạo, nên giá trị tăng thêm của nông sản không tương xứng với mức tăng sản lượng. Trong khi dó, khả năng tài chính trong nước lại không đủ lực để can thiệp vào sự thay đổi giá vì vậy đã dẫn

đến việc xuất khẩu nông sản gặp rất nhiều khó khăn, chỉ thu được khối lượng ngoại tệ ít hơn rất nhiều so với kế hoạch.

Cuối cùng, có thể nói đến đó là mặc dù nông sản là một trong những mặt hàng chủ lực để phục vụ đời sống xã hội và xuất khẩu của Việt Nam nhưng từ nhiều năm nay, mặt hàng nông sản được coi là một loại sản phẩm bấp bênh nhất vì chịu rất nhiều rủi ro như: dễ bị thiên tai, địch hoạ, sinh lời ít, thu hồi vốn thấp... Đặc biệt là vấn đề thời tiết diễn biến phức tạp, có thể năm nay được mùa nhưng sang năm khác lại có thể mất mùa, rất khó lường trước được những sự rủi ro này. Vì vậy, việc tạo nguồn hàng chưa thật ổn định, nhiều khi không có hàng để xuất khẩu mà chỉ đủ tiêu dùng trong nước.

Tóm lại, nhận thức đầy đủ những hạn chế cũng như thành tựu trong cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường Mỹ là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng để các doanh nghiệp cũng như Nhà nước Việt Nam từ đó mà đưa ra được các chiến lược, chính sách và giải pháp nhằm ngày càng nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Một phần của tài liệu Nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản việt nam trên thị trường mỹ (Trang 74 - 75)