4.1.1.1.So sánh đặc điểm về tuổi của hai nhóm
Trong nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng, bệnh nhân của hai nhóm được phẫu thuật chủ yếu ở độ tuổi từ 4 – 9 tháng. Độ tuổi trung bình của nhóm được sử dụng keo dán da là 9,217 ± 7,266, còn nhóm được sử dụng chỉ Nylon là 8,048 ± 3.377. Theo tác giả Joshua, khoảng tuổi phẫu thuật thì đầu khe khở môi của ông là từ 3 đến 7 tháng (trung bình là 4 tháng) [15]. Andrew D.H Wilson bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có tuổi trung bình là 3 tháng sau sinh [17]. Theo báo cáo về thực trạng quản lý bệnh nhân bị khe hở môi, khe hở vòm tại Ấn Độ đăng trên tạp chí phẫu thuật tạo hình Ấn Độ chỉ ra rằng số bệnh nhân bị khe hở môi được phẫu thuật thì đầu có tuổi trung bình là trước 6 tháng [24]. Bênh nhân bị khe hở môi được phẫu thuật thì đầu có độ tuổi từ 2 – 4 tháng trong báo cáo nghiên cứu của Collin và cộng sự [25]. Theo Spauwen, nhóm bệnh nhân bị khe hở môi trong nghiên cứu có tuổi từ 5,3 đến 6,4 tháng [1]. Theo nghiên cứu của Magee [16] bệnh nhân được phẫu thuật môi thì đầu có tuổi từ 4 ngày đến 19 tháng, tính trung bình là 46,5 ngày. Như vậy, chúng tôi thấy rằng hầu hết các tác giả trên thế giới tiến hành phẫu thuật thì đầu cho bệnh nhân bị khe hở môi sớm. Đặc biệt với Magee là người có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật cho các trẻ bị khe hở môi cộng thêm là điều kiện gây mê hồi sức tốt cho các bệnh nhi ông đã tiến hành cho bệnh nhi
có độ tuổi trung bình là 46,5 ngày. Tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi thì độ tuổi trung bình để phẫu thuật cho các bệnh nhi bị khe hở môi là cao hơi so với các tác giả khác bởi vì với kinh nghiệm và điều kiện gây mê hồi sức của chúng tôi không thể tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhi nhỏ tuổi hơn được, vì vậy chúng tôi lấy tiêu chuẩn quy luật mười của Wilhelmsen và Musgrave [18] làm tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân phẫu thuật môi.
4.1.1.2.So sánh đặc điểm về thời gian phẫu thuật của hai nhóm
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi tiến hành so sánh thời gian phẫu thuật trung bình của ca mổ tính từ khi bắt đầu rạch da đến khi băng vết mổ giữa nhóm bệnh nhân được sử dụng keo dán da và nhóm được sử dụng chỉ Nylon để đóng lớp da. Thấy rằng, thời gian trung bình của nhóm được sử dụng keo dán da là 49,900 ± 4,26(Phút) và thời gian nhóm sử dụng chỉ Nylon là 55,097 ± 4,749 ( phút). Sự khác biệt này là không có ý nghĩa thống kê với P > 0,05.
Keo dán da từ khi được tổng hợp đến nay, đã được ứng dụng nhiều trong các phẫu thuật ngoại khoa, cũng như trong các cấp cứu chấn thương. Có nhiều tác giả áp dụng keo dán da vào trong lâm sàng chỉ ra rằng, khi sử dụng keo dán da thì thời gian phẫu thuật nhanh hơn là so với phương pháp khâu da truyền thống, theo Magee, tiến hành áp dụng keo dán da trong phẫu thuật tạo hình môi thấy thời gian phẫu thuật ngắn hơn so với phương pháp khâu da truyền thống[16]. Cùng với quan điểm của Magee, Cooper J.K và K.T. Paige thấy rằng trong quá trình phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân bị khe hở môi thì đầu và thì hai có áp dụng keo dán da, cũng thấy rằng dùng keo dán da thì nhanh hơn so với dùng phương pháp khâu da thông thường[15]. Theo tác giả Thomas và cộng sự nghiên cứu ứng dụng keo dán da trong việc đóng vết thương thấy rằng tiết kiệm được thời gian phẫu thuật trong quá trình đóng vết thương[26]
Tuy nhiên, trong khi được ứng dụng rộng rãi phổ biến trong lâm sàng trên thế giới, cũng có những tác giả thấy răng thời gian phẫu thuật khi dùng keo dán da cũng tương đương phương pháp khâu da truyền thống. Theo công bố của tác giả C.C.P. Ong, A.S. Jacobsen và V.T. Joseph khi tiến hành nghiên cứu so sánh việc đóng vết mổ bằng keo dán da với việc khâu dưới da trong phẫu thuật nhi khi thì thấy rằng thời gian tính từ khi khâu lớp dưới da đến khi băng vết mổ của nhóm sử dụng keo dán da là: 181 ± 62 giây và của nhóm sử dụng phương pháp khâu là: 161 ± 45 giây, và sự khác biệt trên là không có ý nghĩa thống kê với P = 0,18[14].
Do vậy, kết quả đề tài của chúng tôi phù hợp với những nghiên cứu của các tác giả trên thế giới. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật tạo hình khe hở môi, cộng với bước đầu tiến hành nghiên cứu ứng dụng keo dán da nên thời gian phẫu thuật của hai nhóm bệnh nhân của chúng tôi là tương đương nhau.