0
Tải bản đầy đủ (.doc) (76 trang)

Kết quả thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai trên phạm vi cả nước trong thời gian qua

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU CÔNG TÁC THANH TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG – TỈNH TUYÊN QUANG TỪ KHI CÓ LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2003 ĐẾN NAY (Trang 26 -33 )

tranh chấp đất đai trên phạm vi cả nước trong thời gian qua

Trong những năm qua công tác thanh tra, kiểm tra đã được tiến hành rộng rãi trên địa bàn cả nước, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất đã được tiến hành. Qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều sai phạm trong thi hành và chấp hành các quy định của pháp luật đất đai. Trên cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp trong cả nước.

Ngày 14/07/2005 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Quyết định số 1741/QĐ – BTNMT về việc tổ chức đợt kiểm tra tình hình thi hành Luật đất đai trên cả nước với mục đích đánh giá tình hình sau một năm triển khai thi hành Luật đất đai 2003 về những mặt được và những mặt yếu kém, những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thi hành luật nhằm đưa công tác quản lý đất đai đi vào trật tự, kỷ cương, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 02/08/2006 Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 1013/QĐ – BTNMT về kiểm tra tình hình sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư nhằm đề ra các giải pháp xử lý tình trạng các quy hoạch có nội dung sử dụng đất nhưng không thực hiện, tình trạng chậm sử dụng đất đối với các dự án đầu tư trước ngày 30/06/2007.

Năm 2007 Bộ TN – MT đã triển khai 30 cuộc thanh tra chuyên ngành, trong đó có 7 cuộc thanh tra đột xuất trên các lĩnh vực đất đai và tiến hành thanh tra tình hình cấp GCNQSDĐ trên phạm vi cả nước. Qua đó, thanh tra Bộ TN – MT đã phát hiện nhiều sai phạm và tiến hành xử lý thu hơn 5,2 tỷ đồng và 17,976 m2 đất sử dụng sai mục đích, xử phạt hành chính gần 1,7 tỷ đồng và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thêm quyền thu hồi toàn bộ diện tích đất sử dụng sai mục đích. Thanh tra Bộ cũng đã kiến nghị UBND Thành phố Đà Nẵng sửa đổi 5 văn bản, UBND tỉnh Khánh Hòa sửa đổi 1 văn bản ban hành trái với Luật đất đai. Phát hiện có 501 vụ việc sai phạm trong công tác GCNQSDĐ với tổng số cán bộ bị xử phạt hành chính là 434 người, riêng tỉnh Bình Dương

đã phát hiện 115 vụ việc với 128 người vi phạm, tỉnh Cà Mau khiển trách 46 cán bộ, buộc thôi việc 11 người.

Năm 2008, ngành đã thực hiện 79 cuộc thanh tra, phát hiện 2.939 tỷ đồng; 6,78 triệu USD và 8.508 ha đất sai phạm, kiến nghị thu hồi 676 tỷ đồng, 0,95 triệu USD, kiến nghị xử lý hành chính 30 tập thể, 46 các nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 9 vụ việc. Cán bộ ngành, địa phương đã triển khai 30.302 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện 13.005 tỷ đồng, 21.006 ha đất sai phạm, kiến nghị thu hồi 9.123 tỷ đồng, 18.150 ha đất, xử lý hành chính 33 tập thể, 5.216 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 232 vụ với 400 người.

Năm 2009, theo số liệu báo cáo của Thanh tra Chính phủ trong quý III và tháng 10/2009, Thanh tra các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai 3.083 cuộc thanh tra, đã kết thúc 2.319 cuộc. Tổng hợp kết quả các cuộc thanh tra đã kết thúc, qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 175 tỷ đồng, 545 ha đất. Qua những sai phạm này, ngành thanh tra đã kiến nghị thu hồi về cho nhà nước hơn 98 tỷ đồng, 545 ha đất. Đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 54 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 255 tập thể, 754 các nhân. Đặc biệt, đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 16 vụ việc với 36 đối tượng.

Bên cạnh đó thanh tra Chính phủ đã triển khai 02 cuộc thanh tra: thanh tra việc quản lý sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản một số dự án tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; thanh tra dự án khu công nghiệp xử lý rác Thành phố Hồ Chí Minh - Long An. Trong thời gian này, thanh tra Chính phủ cũng đã hoàn thiện 5 kết luận thanh tra là:

- Thanh tra kế hoạch sử dụng đất một số dự án công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

- Thanh tra việc quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. - Thanh tra quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. - Thanh tra quỹ bảo hiểm bắt buộc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư tại dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 5 kết luận thanh tra và phát hiện tổng số tiền sai phạm trên 1.266 tỷ đồng.

- Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị thu hồi gần 929,4 tỷ đồng, loại khỏi giá trị quyết toán hơn 1,189 tỷ đồng…

- Đồng thời trong tháng 1/2010, thanh tra các Bộ, ngành và địa phương cũng triển khai 548 cuộc thanh tra và đã kết thúc 207 cuộc.

- Tổng hợp kết quả thanh tra đã kết thúc, phát hiện sai phạm 21,837 tỷ đồng, trên 234.000 m2 đất, kiến nghị thu hồi về cho nhà nước 14,305 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 18 tập thể, 48 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ, 8 cá nhân.

* Qua tổng hợp công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai của toàn ngành cho thấy một số tồn tại về quản lý Nhà nước như sau:

- Trong thời gian qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thật sự làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng đất và thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển; việc xây dựng quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch đang bị chồng chéo, hình thức, thiếu tính khoa học; các vi phạm về xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch chưa có cơ sở pháp luật cụ thể để xử lý.

- Công tác thu hồi đất đang diễn ra theo hướng bị động, phần lớn các địa phương không chủ động thu hồi đất theo định hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc này chỉ thực hiện khi có nhu cầu của nhà đầu tư và bị tác động của nhà đầu tư; nhiều địa phương giao đất cho mục đích đất ở và đất kinh doanh dịch vụ không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

- Việc quy định về mục đích sử dụng đất đối với trường hợp đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, quy định này rất chung chung nên

trong thực tiễn rất khó xử phạt đối với các tổ chức được giao đất để sản xuất kinh doanh vào lĩnh vực này nhưng thực tế lại sử dụng vào kinh doanh ở lĩnh vực khác. Đây là bất cập ở hầu hết các địa phương nhưng chưa được chỉnh sửa cho phù hợp.

- Việc lập hồ sơ địa chính, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính ở một số địa phương không đúng quy định, nhưng không có biện pháp quản lý và đưa ra chế tài quản lý phù hợp. Cần xem lại quy trình về việc lập, quản lý, chính lý hồ sơ địa chính đảm bảo hiệu quả trong quản lý.

- Các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ về quản lý Nhà nước về đất đai đã được quy định nhưng chưa đầy đủ; chưa quy định cụ thể việc xử lý cho từng hành vi vi phạm, dẫn đến việc kết luận, xử lý khi phát hiện cán bộ công chức vi phạm thiếu căn cứ pháp luật.

2.4.1.2. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai

Do nhiều nguyên nhân, thời gian gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn ra không bình thường, số lượng gia tăng, tính chất phức tạp, trong đó khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai chiếm số lượng lớn, khoảng 80% so với các khiếu nại, tố cáo trong cả nước, có những tỉnh, thành phố riêng về đất đai chiếm số lượng rất lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng…

Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của công dân trong lĩnh vực đất đai diễn ra gay gắt, phức tạp ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhiều nơi đã trở thành điểm nóng. Số lượng đơn vượt cấp gửi đến các cơ quan ở Trung ương nhiều, nội dung thể hiện tính bức xúc gay gắt, không chấp nhận với cách giải quyết của chính quyền địa phương. Số lượng công dân đến khiếu nại trực tiếp tại phòng tiếp công dân của các địa phương, các cơ quan ở Trung ương hàng năm cao. Nhiều vụ việc công dân tụ tập thành đoàn, đi xe,

căng cờ, biểu ngữ… kéo đến các cơ quan chính quyền, Đảng,… nhằm gây áp lực đòi được giải quyết quyền lợi theo yêu cầu. Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai. Nhiều trường hợp khiếu nại có liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, như đòi được bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở…

Về tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội, cổ phần hóa doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, bao che người bị tố cáo, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm Bộ nhận được gần 10.000 lượt đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường của công dân 64/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 98,6% tổng số đơn.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng số đơn thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân gửi đến Bộ từ năm 2003 đến năm 2008 là 47.652 lượt, trong đó:

+ Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ: 985 vụ việc (chiếm tỷ lệ 2,1% số đơn thư Bộ nhận được).

+ Đơn do Thủ tướng Chính phủ giao: 139 vụ việc (chiếm tỷ lệ 0,3%). + Đơn đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: 7.551 vụ việc (chiếm tỷ lệ 15,8%).

+ Đơn tố cáo: 1.125 vụ việc (chiếm tỷ lệ 2,4%). + Đơn vượt cấp: 13.812 vụ việc (chiếm tỷ lệ 29%).

+ Đơn trùng và đơn không đủ điều kiện: 24.088 lượt đơn (chiếm tỷ lệ 50,4%).

Trong 6 tháng đầu năm 2009, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và

Môi trường đã nhận được tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai là: 3.470 lượt đơn. Trong đó số lượng đơn thư về đất đai vẫn chiếm phần lớn với 3.470 đơn (chiếm 98,6%) .

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2009, số lượng đơn thư Bộ nhận được giảm khá nhiều so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2008. Tuy nhiên, tình trạng đơn thư tập thể và khiếu kiện vượt cấp vẫn còn nhiều gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tình hình khiếu nại đông người trong lĩnh vực đất đai có xu hướng gia tăng, trong đó các tỉnh, thành phố phía Nam có nhiều vụ việc nhất như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Long An, Đồng Nai, Cà Mau, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang.

Một số vụ việc khiếu nại nổi cộm, mang tính bức xúc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được trong thời gian qua như: Việc một số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đòi lại đất trước đây của các hộ do chiến tranh biên giới nên phải di dời nay người khác sử dụng; các hộ dân ở thành phố Hồ Chí Minh khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất và sử dụng đất tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm; khiếu nại của các hộ dân ở thành phố Cần Thơ liên quan đến quy hoạch tại khu vực Cồn Cái Khế...

Bên cạnh đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, ủy ban nhân dân một số tỉnh để xem xét, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp như: Khiếu nại của các hộ dân Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu công nghệ cao; khiếu nại của 684 hộ dân liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A, dự án đuờng cao tốc Trung Lương, dự án khu công nghiệp Tân Hương và dự án đường dây 500 KV Nhà Bè – Ô Môn (tỉnh Tiền Giang).

Trong năm 2010, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai Bộ nhận được là 5985 đơn, trong đó có 35 đơn Thủ tướng Chính phủ giao, cơ quan thuộc Quốc hội chuyển 58 đơn, các cơ quan khác chuyển 141 đơn, còn lại là đơn thư tiếp nhận qua đường bưu điện. Bộ đã chủ trì, phối hợp, đề xuất thành lập kịp thời các Đoàn công tác để thẩm tra, xác minh 35/35 vụ việc khiếu nại, tố cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao; xử lý 58/58 vụ việc do cơ quan của Quốc hội chuyển; xử lý 100% đơn thư tiếp nhận theo quy định.

* Một số tồn tại của việc xử lý đơn thư khiếu tố

- Đa số các cơ quan ở Trung ương khi nhận được đơn thư khiếu tố liên quan đến lĩnh vực đất đai đều chuyển lên Bộ, tuy nhiên có đến hơn 80% số vụ việc được chuyển lại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Việc chuyển đơn “lòng vòng” này làm cho công dân mất dần niềm tin vào Nhà nước khi cho rằng các cơ quan đang đùn đẩy trách nhiệm và “làm khó” công dân.

- Mâu thuẫn giữa các quy định của Luật đất đai 2003, Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006 dẫn đến việc đơn thư đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 thuộc lĩnh vực đất đai hiện không có cơ quan nào nhận trách nhiệm thụ lý, dẫn đến việc công dân không biết tiếp tục đi khiếu nại đâu.

- Việc báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/02/2011 của thanh tra Chính phủ chưa được các Sở chú trọng, trong các báo cáo chưa đưa ra con số và cách đánh giá cụ thể.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU CÔNG TÁC THANH TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG – TỈNH TUYÊN QUANG TỪ KHI CÓ LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2003 ĐẾN NAY (Trang 26 -33 )

×