Nội dung dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp

Một phần của tài liệu dạy học về nghĩa của từ cho học sinh lớp 6 theo quan điểm giao tiếp (Trang 33 - 118)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.1.2. Nội dung dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp

Theo quan điểm giao tiếp, nội dung dạy học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông ưu tiên những kiến thức phục vụ trực tiếp cho hoạt động rèn luyện kỹ năng lời nói của học sinh. Cụ thể đó là các tri thức về tiếng Việt và tri thức chung về giao tiếp và hoạt động giao tiếp.

Dạy học tiếng Việt phải cung cấp cho học sinh tri thức về hệ thống tiếng Việt, học sinh phải nắm được những tri thức về ngữ âm, từ vựng, câu, các phong cách chức năng của ngôn ngữ...

Bên cạnh đó, nội dung quan trọng trong dạy học tiếng Việt là phải hình thành, hoàn chỉnh và nâng cao các kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh. Con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để hoàn thành được nội dung này là triển khai nội dung học tập qua hệ thống bài tập thực hành, giáo viên phải

thực sự chú trọng phần thực hành để học sinh có được kỹ năng tiếp nhận lời nói (đọc, nghe) và kỹ năng tạo lập lời nói (viết, nói).

1.2.1.3. Phƣơng pháp, hình thức dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp

- Các phương pháp dạy học tiếng Việt thường được sử dụng ở trường phổ thông là phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp rèn luyện theo mẫu và phương pháp giao tiếp (hay còn gọi là phương pháp thực hành giao tiếp). Do dạy học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông là dạy và học giao tiếp bằng tiếng Việt, nên trong các phương pháp kể trên, phương pháp thực hành giao tiếp có một vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi vì trong dạy học tiếng Việt ở nhà trường, giao tiếp vừa là cách thức, vừa là mục đích học tập. Thông qua giao tiếp và bằng con đường giao tiếp trong các tình huống nói năng gần với hiện thực, học sinh được thường xuyên luyện tập sử dụng lời nói, từ đó kỹ năng giao tiếp của các em được hình thành một cách toàn diện và bền vững. Về một phương diện nào đó, khi dạy học theo phương pháp giao tiếp, giáo viên và học sinh cũng đã sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ và phương pháp rèn luyện theo mẫu. Bởi vì hoạt động giao tiếp bằng lời nói phải thông qua phân tích ngôn ngữ và rèn luyện theo mẫu; mặt khác các thao tác phân tích ngôn ngữ và rèn luyện theo mẫu không thể tách khỏi những tình huống giao tiếp và hoạt động giao tiếp cụ thể. Đứng trên góc độ quan điểm giao tiếp chúng ta nên sử dụng kết hợp cả ba phương pháp trên.

Như vậy, phương pháp giao tiếp là phương pháp quan trọng trong việc tổ chức dạy học tiếng Việt. Theo quan điểm này, phần Tiếng Việt ở THCS phải coi giao tiếp là mục tiêu, là nội dung dạy học và cũng là cách thức của hoạt động dạy học.

Tổ chức dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp cần phải tiến hành một số thao tác sau đây:

1) Giáo viên tạo tình huống kích thích nhu cầu giao tiếp và định hướng giao tiếp cho học sinh.

2) Học sinh xác định hướng giao tiếp khi tiến hành áp dụng các tri thức tiếng Việt. Nói cách khác, học sinh cần phải trả lời được các câu hỏi sau: nói (viết) với ai?; nói (viết) về cái gì?; nói (viết) trong hoàn cảnh nào?

3) Học sinh căn cứ vào nhiệm vụ giao tiếp và huy động các phương tiện ngôn ngữ để tạo ra lời nói cụ thể.

4) Đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm.

Trong quá trình tổ chức dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp, cần phải thực hiện một số yêu cầu sau:

- Đặt các đơn vị của hệ thống tiếng Việt vào hệ thống hành chức của nó. Không thể dạy học từ, câu và các đơn vị khác một cách biệt lập mà phải quan sát chúng trong các đơn vị lớn hơn, trong lời nói sinh động của giao tiếp. - Tổ chức cho học sinh sử dụng các đơn vị ngôn ngữ vào hoạt động giao tiếp. Hoạt động giao tiếp vừa là mục đích, vừa là phương tiện của quá trình dạy học tiếng Việt. Học tiếng Việt, học sinh không phải chỉ có nghiên cứu, phát hiện ra các đặc điểm của nó mà chủ yếu là phải biết sử dụng nó với tư cách là một phương tiện giao tiếp và tư duy. Như vậy, người giáo viên phải tìm mọi cách để hướng học sinh vào hoạt động nói năng, phải tạo điều kiện cho học sinh được hoạt động nói năng trong giờ tiếng Việt. Muốn đạt được điều đó, giáo viên cần phải tạo được các hoàn cảnh giao tiếp, tình huống giao tiếp khác nhau để kích thích học sinh, tạo động cơ và nhu cầu giao tiếp cho học sinh.

Tiếng Việt là một phần trong chương trình và SGK Ngữ văn 6, cho nên nó cũng vận dụng nguyên tắc tích hợp và tích cực. Trong các giờ học tiếng Việt, học sinh cần được giáo viên hướng vào nhiều hoạt động khác nhau. Tuy nhiên hai hoạt động được quan tâm nhất là hoạt động chiếm lĩnh tri thức mới

và hoạt động sử dụng tiếng Việt vào thực tế giao tiếp. Vấn đề quan trọng trong dạy học tiếng Việt là cần phải tổ chức cho học sinh tận dụng tiềm năng tư duy, tiềm năng ngôn ngữ của mình để độc lập và chủ động chiếm lĩnh tri thức mà các nhà ngôn ngữ đã phát hiện. Tổ chức quá trình này như thế nào để chuyển tri thức từ ngoài vào trong, biến tri thức chung thành “tài sản riêng” của mỗi học sinh, góp phần rèn luyện tư duy sáng tạo cho học sinh chính là nhiệm vụ quan trọng của quá trình dạy học Tiếng Việt.

- Các hình thức dạy học theo quan điểm giao tiếp gồm: hình thức dạy học trong giờ chính khoá, hình thức dạy học trong giờ ngoại khoá và hình thức tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội.

Hình thức dạy học trong giờ chính khoá cần tạo điều kiện cho học sinh được giao tiếp, giao tiếp với thầy cô, với bạn bè. Xuất phát từ quan điểm giao tiếp, cần ưu tiên những hình thức hoạt động tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội giao tiếp, đó là hình thức hoạt động tập thể. Căn cứ vào số thành viên tham gia hoạt động, có thể chia hoạt động tập thể của học sinh thành hoạt động theo nhóm nhỏ (2 đến 4 học sinh), nhóm lớn (5 đến 8 học sinh) và hoạt động theo lớp. Nếu căn cứ vào hình thức hoạt động, hoạt động tập thể của học sinh có hoạt động thảo luận, trao đổi kiến thức của bài học, hoạt động luyện tập các kỹ năng gắn với bài học, hoạt động tham gia các trò chơi học tập… Nhằm mục đích làm giờ tiếng Việt sinh động, có nhiều hình thức giao tiếp, phấn đấu trò hỏi, thầy trả lời, mọi thành viên trong lớp được hoạt động, làm việc, giao tiếp. Các hoạt động ngoại khoá và phong trào đoàn thể, xã hội tạo điều kiện cho học sinh được giao tiếp trong môi trường tự nhiên, góp phần hình thành nhân cách, có thêm những hiểu biết về tự nhiên, xã hội và đặc biệt có thể áp dụng lý thuyết giao tiếp vào thực tế sinh động, từ đó hoàn chỉnh và nâng cao năng lực giao tiếp cho học sinh.

1.2.1.4. Kiểm tra, đánh giá theo quan điểm giao tiếp

“Đánh giá là quá trình xác định mức độ thực hiện các mục tiêu đã đề ra... đánh giá kết quả học tập là một bộ phận của quá trình dạy học tiếng Việt” [47, tr.400]

Kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp có mục đích trọng tâm là đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh trên các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kết quả kiểm tra, đánh giá sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta đi đến kết luận giữ nguyên hay điều chỉnh nội dung, biện pháp và hình thức dạy học cho phù hợp để có kết quả dạy học đúng như mục tiêu đề ra.

Theo quan điểm giao tiếp, nội dung cần được ưu tiên trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập tiếng Việt của học sinh là: kỹ năng tiếp nhận và sản sinh văn bản, bao gồm đọc, nghe, nói, viết; mức độ hiểu và năng lực vận dụng quy tắc sử dụng tiếng Việt trong hoạt động lời nói.

Cách kiểm tra thể hiện qua công cụ kiểm tra là đề bài, kết hợp trắc nghiệm khách quan với trắc nghiệm tự luận. Theo quan điểm giao tiếp, cần dành cho phần tự luận một tỷ lệ thích đáng trong đề bài, vì đây là phần đánh giá tốt nhất năng lực sử dụng lời nói của học sinh. Với các đề trắc nghiệm khách quan, cần đa dạng hoá các hình thức câu hỏi, bài tập. Đặc biệt, để có kết quả đánh giá khách quan, toàn diện và chính xác, với mỗi đề bài, giáo viên phải thiết kế đáp án và biểu điểm tương ứng, phải thiết lập được ma trận hai chiều trong mỗi đề bài.

Những thông tin thu được từ kết quả kiểm tra, đánh giá được dùng để đánh giá hiệu quả dạy học tiếng Việt, giúp giáo viên xác định được lỗi riêng lẻ và lỗi phổ biến, lỗi ngẫu nhiên và lỗi có tính hệ thống của học sinh khi học tập. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ đi đến quyết định về phương hướng, phạm vi,

cách thức điều chỉnh nội dung và biện pháp, hình thức dạy học để nâng cao hiệu quả các giờ dạy tiếng Việt.

Trên đây là các bình diện thể hiện quan điểm giao tiếp trong dạy học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông. Dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp là rất cần thiết và có tác dụng tích cực, tạo điều kiện cho học sinh hoà nhập với xã hội, có năng lực giao tiếp xã hội, đáp ứng nhu cầu của thời đại mới, thực hiện mục tiêu đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện.

1.2.2. Dạy học nghĩa của từ theo quan điểm giao tiếp

Việc đổi mới chương trình Ngữ văn THCS theo quan điểm tích hợp đòi hỏi phải đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp và hiệu quả. Phương hướng chủ đạo để đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn ở bậc THCS là dạy - học theo hướng tích cực. Quán triệt tinh thần lấy học sinh làm trung tâm. Mọi hoạt động trong giờ học Ngữ văn đều nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của chủ thể học sinh. Khâu then chốt của quá trình dạy học này chính là việc tổ chức cho học sinh hoạt động tự phát hiện, tự chiếm lĩnh tri thức và hình thành các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết.

Dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp là quá trình tổ chức, hướng dẫn học sinh vận dụng lý thuyết được học vào thực hiện các nhiệm vụ của quá trình giao tiếp, có chú ý đến đặc điểm và các nhân tố tham gia vào hoạt động giao tiếp. Bản thân phần Tiếng Việt đã mang một thuận lợi lớn cho việc giao tiếp của học sinh THCS vì đó là tiếng mẹ đẻ của các em, là thứ tiếng các em đã được làm quen và sử dụng từ khi bắt đầu tập nói. Với vốn từ ngữ sẵn có cùng với những tri thức khoa học về tiếng Việt được tiếp nhận từ bậc tiểu học, học sinh có thể chủ động trong việc tự tìm hiểu bài.

Mục đích của dạy tiếng Việt trong nhà trường là giúp học sinh sử dụng tốt tiếng Việt trong giao tiếp. Dạy bất cứ kiến thức nào của phần Tiếng Việt cũng phải nhằm vào mục tiêu cuối cùng đó.

Trong hệ thống ngôn ngữ, từ là đơn vị tín hiệu đích thực. Từ vựng là một trong những bộ phận không thể thiếu của hệ thống ngôn ngữ, nếu thiếu từ vựng thì không có bất cứ ngôn ngữ nào. Trong dạy học từ vựng, dạy học nghĩa của từ là trung tâm, là vấn đề quan trọng nhất. Bởi lẽ nó phải giúp cho học sinh có năng lực thực hành và năng lực sử dụng tiếng Việt như một công cụ để tư duy và giao tiếp. Năng lực sử dụng từ tiếng Việt của học sinh chủ yếu là việc hiểu nghĩa, sử dụng nghĩa và chọn nghĩa để giao tiếp trong nhà trường cũng như ngoài xã hội. Do đó việc hiểu và nắm chắc được nghĩa của từ có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình dạy học tiếng Việt là rèn kỹ năng giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) cho học sinh; nhiệm vụ cung cấp kiến thức tiếng Việt chỉ là thứ yếu, có vai trò hỗ trợ cho việc rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt được thuận lợi hơn. Vì điều này, việc lựa chọn nội dung, cách tổ chức dạy học tiếng Việt ở THCS luôn hướng tới nhiệm vụ hình thành kỹ năng lời nói cho học sinh. Vì vậy, việc dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học về nghĩa của từ nói riêng cần thấm nhuần quan điểm giao tiếp. Trong quá trình tổ chức giảng dạy về nghĩa của từ giáo viên nhất thiết phải tổ chức các hoạt động nhằm giúp cho học sinh hiểu được nghĩa của từ, lĩnh hội đúng ý nghĩa của từ cả trong ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ đời sống. Và quan trọng hơn cả là giáo viên phải tổ chức cho học sinh sử dụng các đơn vị kiến thức về nghĩa của từ vào hoạt động giao tiếp cụ thể, phải tạo điều kiện cho học sinh được hoạt động nói năng trong giờ học. Học sinh phải có khả năng huy động và sử dụng từ đúng nghĩa và ở mức độ cao hơn là dùng từ để đạt được hiệu quả giao tiếp cao, tức là “phải biết dùng từ có giá trị hình tượng, giá trị biểu cảm và có tính hàm súc” [13, tr.99].

Con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu đó là triển khai nội dung học tập qua hệ thống các bài tập thực hành. Trong các loại bài

tập, cần ưu tiên những bài tập hình thành kỹ năng lời nói cho học sinh: các bài tập chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống, dùng từ tạo câu, nói hoặc viết thành đoạn, bài; các bài tập chữa lỗi dùng từ không đúng nghĩa...

Các bài về nghĩa của từ trong SGK Ngữ văn 6 cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan điểm dạy học theo hướng giao tiếp. Điều đó thể hiện rõ trong mục tiêu, nội dung của từng tiết học, bài học cụ thể. Ngoài việc cung cấp các kiến thức cơ bản về nghĩa của từ, các bài học này cũng nhằm mục tiêu quan trọng là nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt cho học sinh, phục vụ trực tiếp cho việc hiểu văn và làm văn trong chương trình, ứng dụng hiệu quả vào giao tiếp hàng ngày của các em. Để làm được điều đó, hơn lúc nào hết cần phải vận dụng quan điểm giao tiếp trong quá trình dạy học các bài về nghĩa của từ cho học sinh lớp 6. Giáo viên phải tạo điều kiện cho học sinh được hoạt động nói năng thật nhiều, thật tích cực, chủ động và hiệu quả trong giờ học. Muốn vậy hệ thống bài tập phải được xây dựng cho nhiều đối tượng, nhiều học sinh, kết hợp được giữa luyện tập cá nhân và luyện tập nhóm nhỏ, luyện tập cá nhân với luyện tập tập thể, đồng thời nhất thiết phải có hoạt động trao đổi, toạ đàm giữa giáo viên và học sinh.

Qua các giờ học về nghĩa của từ, học sinh có thể phát huy tối đa những tiềm năng về từ ngữ tiếng Việt vốn có, những tri thức tiếng Việt đã được học ở tiểu học. Có khả năng lĩnh hội và sử dụng từ ngữ nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp. Đó cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà phần Tiếng Việt trong chương trình THCS cần thực hiện và phải thực hiện có hiệu quả.

1.3. THỰC TRẠNG DẠY HỌC VỀ NGHĨA CỦA TỪ CHO HỌC SINH LỚP 6 THEO QUAN ĐIỂM GIAO TIẾP

Việc khảo sát thực trạng nhằm có được cái nhìn tổng quát về hiện trạng dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học về nghĩa của từ nói riêng ở các nhà

trường THCS hiện nay, thông qua việc tìm hiểu nội dung chương trình, SGK, năng lực tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên và kết quả học tập của học sinh. Trên cơ sở đó chúng tôi đề xuất phương pháp, hình thức tổ chức dạy học về nghĩa của từ cho học sinh lớp 6 theo quan điểm giao tiếp.

1.3.1. Về chƣơng trình và sách giáo khoa

Một phần của tài liệu dạy học về nghĩa của từ cho học sinh lớp 6 theo quan điểm giao tiếp (Trang 33 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)