7. Cấu trúc luận văn
1.1.2.2. Sự hiện thực hoá nghĩa của từ trong giao tiếp
Trong hệ thống ngôn ngữ, cũng như ở trạng thái riêng rẽ cô lập, nghĩa của từ còn mang tính chất trừu tượng. Từ chưa được đặt trong mối quan hệ tương ứng với một cái được biểu đạt cụ thể nào, hay nói cách khác là chưa gắn với một chiếu vật cụ thể nào. Mỗi một từ mới chỉ là hình thức ngữ âm ứng với một cái được biểu đạt còn chung chung, trừu tượng.
Ví dụ, ở ngoài hoạt động giao tiếp từ “cấy” mới chỉ có nghĩa là “cắm cây giống xuống đất để cho nó tiếp tục sinh trưởng và mang lại lợi ích cho con người”. Tất nhiên, đó rõ ràng là một hoạt động của con người (chứ không phải là một vật, một con vật hay một màu sắc, một cảm xúc nào...) và là một hoạt động thuộc phạm vi canh tác, trồng trọt. Nhưng từ “cấy” như thế còn chưa cho ta biết một cách cụ thể về nhiều phương diện khác nữa của cái hoạt động đó, chẳng hạn như hoạt động đó do ai thực hiện? thực hiện như thế nào? ở đâu? bao giờ? để làm gì? thực hiện với ai và đối tượng là cái gì? v.v... Nhiều thông tin xung quanh cái hoạt động “cấy” còn chưa được cung cấp.
Chính vì thế, nghĩa của từ khi từ chưa được dùng trong hoạt động giao tiếp còn mang tính trừu tượng và khái quát. Và đó cũng là trạng thái chung của tất cả các từ trong ngôn ngữ.
Nhưng khi tham gia vào hoạt động giao tiếp (vào câu, vào ngôn bản) nghĩa của từ dần dần được cụ thể hoá ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn, từ
“cấy” trên đây đi vào hoạt động giao tiếp trong một câu thơ như sau:
“Tay nâng dảnh mạ lên
Ngửa bàn tay cấy xuống”
(Hoàng Trung Thông)
Trong câu thơ này, rõ ràng nghĩa của từ “cấy” đã được xác định cụ thể hơn: ở đây là cấy mạ, hơn nữa không phải là cấy bằng máy, mà là bằng tay và theo kiểu cấy ngửa tay. Như thế, nghĩa của từ cấy được cụ thể hoá về các phương diện đối tượng của hoạt động (cấy cái gì?), phương thức hoạt động (cấy như thế nào?)...
Trong lời nói, từ gắn với một chiếu vật nào đó, lúc này, cái được biểu hiện của mỗi từ là một (hay một loại) sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất cụ thể mà không còn chung chung, trừu tượng như khi từ chưa đi vào hoạt động. Sự hiện thực hoá ý nghĩa này xảy ra ở cả các từ đơn nghĩa và từ nhiều nghĩa, ta có thể thấy rõ khi xem xét từ trong hoạt động hành chức.
Trước hết, là sự hiện thực hoá ý nghĩa của từ nhiều nghĩa trong hoạt động giao tiếp. Từ nhiều nghĩa là từ có một hình thức âm thanh nhưng biểu đạt nhiều nghĩa khác nhau và có liên quan với nhau. Tính chất nhiều nghĩa ấy đã được hình thành trong lịch sử, do những nhu cầu của con người trong thực tiễn nhận thức, giao tiếp. Các nghĩa ấy được mỗi người lĩnh hội, tiếp nhận và tích luỹ dần trong tiềm năng ngôn ngữ của mình. Chúng tạo nên một phần trong năng lực ngôn ngữ của con người, tạo nên khả năng biểu hiện dồi dào, phong phú của từ. Ví dụ: từ “lá”
1) Một bộ phận của cây, thường ở trên cành hoặc ngọn cây, thường có màu xanh, có hình dáng mỏng, dẹt và có chức năng hấp thụ ánh sáng mặt trời.
(Lá ổi, lá mít...).
2) Đơn vị của những vật thể có hình dáng bề mặt mỏng giống như lá cây:
- Vật thể bằng giấy: lá thư, lá đơn, lá thiếp...
- Vật thể bằng vải: lá cờ, lá buồm...
- Vật thể bằng gỗ, tre, nứa: lá cót, lá thuyền, lá chiếu...
- Vật thể bằng kim loại: lá tôn, lá vàng...
3) Đơn vị bộ phận cơ thể người có hình dáng giống lá cây: lá gan, lá phổi, lá mỡ...
Nhưng nghĩa của từ nhiều nghĩa tuy vẫn có những nét nghĩa giống nhau và do đó các nghĩa đó luôn có mối quan hệ với nhau, nhưng chúng vẫn là những nghĩa có cương vị độc lập. Trong các nghĩa của từ “lá” trên đây luôn có nét nghĩa hình dáng (mỏng, dẹt, có bề mặt) là sợi dây liên kết các nghĩa với nhau, làm cho chúng có quan hệ với nhau. Mối liên hệ đó cũng chính là cơ sở cho việc dùng từ và cho việc lĩnh hội từ với các nghĩa khác nhau trong hoạt động giao tiếp.
Tuy nhiên, tính nhiều nghĩa của một từ chỉ là khả năng khi từ chưa tham gia vào hoạt động giao tiếp. Còn trong hoạt động giao tiếp, từ chỉ hiện thực hoá một trong các nét nghĩa đó, các nghĩa khác chỉ nằm trong các mối quan hệ tiềm tàng. Chẳng hạn, từ “đi” trong tiếng Việt có các nghĩa như sau:
1) Người, động vật tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân, lúc nào cũng vừa có chân tựa trên mặt đất, vừa có chân giơ lên đặt tới chỗ khác. Ví dụ: Trẻ chưa đi vững. Đi bách bộ.
2) Rời bỏ cuộc đời, chết. Ví dụ: Cụ ốm nặng, đã đi hôm qua rồi.
Khi tham gia vào hoạt động giao tiếp cụ thể thì tính đa nghĩa của từ
“đi” bị triệt tiêu. Từ “đi” chỉ hiện thực hoá một trong các nét nghĩa đó. Ví dụ như câu: Ông ấy ốm nặng từ tuần trước, đã đi tối hôm qua rồi. Trong câu này, từ “đi” có nghĩa là rời bỏ cuộc đời, chết. Còn các nghĩa khác của nó không phù hợp với câu này.
Đối với các từ đơn nghĩa (những từ chỉ có một nghĩa), trong hoạt động giao tiếp, nghĩa của từ vẫn có sự hiện thực hoá cụ thể hơn. Ở ngoài hoạt động giao tiếp, nghĩa của từ có tính khái quát và trừu tượng: mỗi từ biểu hiện cả một lớp các sự vật, hoạt động, tính chất, trạng thái...nói chung. Ví dụ từ
“bàn” trong tiếng Việt chỉ có một nghĩa: “đồ dùng thường làm bằng gỗ, có
mặt phẳng và chân đứng, để bày đồ đạc, thức ăn, để làm việc...” [10, tr.27]. Với nghĩa này, từ “bàn” vẫn là tên gọi của tất cả các vật có đặc tính như trên, chứ không phải là tên gọi của một cá thể nào. Hơn nữa, nghĩa trên đây của từ
“bàn” đã có phần nào trừu tượng hoá khỏi nhiều thuộc tính cụ thể của nó: có
những cái bàn bằng các chất liệu khác nhau (gỗ, nhựa, đá, kim loại...), với các kích thước khác nhau (to, nhỏ...), với số lượng và hình dáng chân khác nhau (3 chân, 4 chân...), với màu sắc khác nhau và cả với các chức năng khác nhau (bàn ăn, bàn học, bàn làm việc...)
Khi tham gia vào hoạt động giao tiếp, nghĩa của từ được đặt trong mối tương quan với một đối tượng cụ thể, xác định, nghĩa là được quy chiếu vào một đối tượng (sự vật, hoạt động, tính chất, trạng thái...) xác định trong hiện thực khách quan. Sự hiện thực hoá ý nghĩa như thế của từ được gọi là sự quy
chiếu hay sự chiếu vật. Nhờ thế, nghĩa của từ không còn chung chung, trừu
tượng mà trở nên cụ thể, xác định.
Ví dụ, từ “xanh” khi chưa đi vào lời nói có phạm vi biểu vật rất rộng. Đó có thể là màu xanh của trời, của biển, của rừng, của lá cây,...Nhưng khi ta
nói: “Da cậu xanh quá”, phạm vi biểu vật của từ “xanh” được thu hẹp một cách đáng kể, và ý nghĩa của từ trở nên cụ thể hơn rất nhiều.
Nhìn chung, sự hiện thực hoá nghĩa của từ trong giao tiếp chính là để đáp ứng thích đáng nhu cầu giao tiếp, sự hiện thực hoá này bị chi phối bởi nội dung giao tiếp. Nội dung giao tiếp trong một hoàn cảnh nhất định luôn luôn có tính xác định, tính cụ thể. Vì thế, trong hoạt động, ý nghĩa của từ luôn được hiện thực hoá để khắc hoạ một cách rõ nét nhất nội dung biểu đạt của lời. Sự hiện thực hoá này được thể hiện một cách đầy đủ nhất khi từ được đặt trong ngữ cảnh. Do vậy, để hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa của từ, nhất thiết phải xem xét từ trong mối quan hệ với từ khác, thậm chí trong mối quan hệ giữa câu chứa nó với các câu hữu quan, trong mối quan hệ giữa ngôn bản chứa nó với tình huống giao tiếp cụ thể.