7. Cấu trúc luận văn
1.1.2.3. Sự biến đổi nghĩa của từ trong giao tiếp
Bên cạnh sự hiện thực hoá nghĩa vốn có, trong hoạt động giao tiếp, từ còn có thể biến đổi về nghĩa. Những sự biến đổi này diễn ra trong từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, tuỳ thuộc vào từng nhân vật giao tiếp nhất định và nhằm đạt được những hiệu quả giao tiếp nhất định. Do đó những sự biến đổi này cũng có tính chất nhất thời và có thể chỉ diễn ra một lần, không được lặp lại trong hoạt động giao tiếp khác. Chúng chưa đạt được mức độ phổ biến nên chưa trở thành “tài sản” chung của cả xã hội. Tuy nhiên, những sự biến đổi như thế không phải diễn ra một cách tuỳ tiện, ngẫu hứng, mà vẫn diễn ra theo những cách thức và quy tắc chung. Từ “mặt trời” trong ví dụ dưới đây đã được chuyển nghĩa như thế:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi Mặt trời của mẹ, em nằm trong nôi”
Ta đều biết, trong câu thơ trên, “mặt trời” đã được dùng với ý nghĩa mới, chỉ đứa con mà người mẹ vô cùng yêu thương, là điều thiêng liêng nhất, là tương lai tươi sáng nhất đối với người mẹ. Và nghĩa này không còn giữ nguyên khi tách từ ra khỏi ngữ cảnh, ví như trong câu thơ sau, “mặt trời” có một ý nghĩa hoàn toàn mới:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
(Viễn Phương)
Tuy nhiên hoàn toàn không phải chỉ có trong lĩnh vực ngôn ngữ nghệ thuật (thơ ca, tiểu thuyết, truyện, kí...), từ mới có những sự biến đổi và chuyển hoá về nghĩa. Việc nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn học có thể đã dẫn tới một nhận thức không chính xác lắm. Đó là sự ngộ nhận rằng cho rằng: chỉ có trong các tác phẩm văn chương, từ mới được dùng theo nghĩa bóng, nghĩa hình tượng hoặc nói chung là một nghĩa chuyển nào đó. Có thể nói nhu cầu nhận thức tư duy, nhu cầu xác lập quan hệ giữa các đối tượng nhận thức của con người, và cả nhu cầu biểu hiện bằng ngôn ngữ và giao tiếp bằng ngôn ngữ luôn luôn thôi thúc con người không thể chỉ bằng lòng với những cái vốn có, cái đã có, mà cần vươn tới những cái mới, những sự biến đổi, sáng tạo. Cả trong lĩnh vực dùng từ để giao tiếp cũng như vậy. Và không phải chỉ giao tiếp trong lĩnh vực nghệ thuật, mà trong mọi lĩnh vực của xã hội, kể cả trong lĩnh vực sinh hoạt hàng ngày của đời sống.
Ở lĩnh vực sinh hoạt hàng ngày, từ vẫn thường xuyên có những sự biến đổi và chuyển hoá về nghĩa so với nghĩa vốn có của nó trong hệ thống ngôn ngữ. Sự biến đổi ấy diễn ra thường xuyên trong lời nói của mỗi cá nhân, chỉ có điều vẫn cần tuân theo một quy tắc chuyển nghĩa nhất định, mà thông thường nhất là quy tắc ẩn dụ - xác lập một sự giống nhau ở một thuộc tính nào
đó của các đối tượng được biểu hiện bằng từ. Ví dụ: một cơ sở dạy nghề sửa chữa xe máy cho học sinh quảng cáo trên truyền hình như sau:
Học sinh học tại cơ sở sẽ được thực hành trên máy sống.
Từ “sống” là một từ quen thuộc với mọi người Việt Nam và nó là một trong các từ nhiều nghĩa. Tuy nhiên dùng “sống” để chỉ trạng thái của một đồ vật (máy) như trong lời quảng cáo trên đây thì thật đặc biệt. Từ “sống” đã có sự biến đổi về nghĩa, dựa trên cơ sở nghĩa gốc. Ở nghĩa gốc, từ “sống” chỉ trạng thái của sinh vật còn có khả năng trao đổi chất, còn có sự sinh trưởng. Đó cũng là trạng thái “động”, chứ không phải một trạng thái vận động của vật hoặc trạng thái còn vận hành, hành chức của máy. Do đó lời quảng cáo trên có nghĩa là học sinh sẽ được thực hành trên các máy còn vận hành được, còn có khả năng hành chức, chứ không phải chỉ thực hành trên các bản vẽ, các sơ đồ hoặc các máy móc đã chết như một đống sắt vụn, phế thải.
Quá trình chuyển nghĩa có quan hệ với quá trình nhận thức. Sự nhận thức và sự gọi tên của con người thường dựa vào mối quan hệ của các sự vật, trong đó có hai mối quan hệ được chú ý là quan hệ tương đồng (giống nhau) và quan hệ tương cận (gần nhau). Đây là sự chuyển nghĩa của từ dựa vào hai phương thức ẩn dụ và hoán dụ. Đó là những phương thức chuyển nghĩa phổ biến nhất của các ngôn ngữ trên thế giới.
Như vậy, để sử dụng được từ chúng ta phải hiểu được từ trong hệ thống ngôn ngữ và trong hoạt động giao tiếp. Khi đi vào giao tiếp nghĩa của từ có những biến đổi nhất định, do đó việc dạy học nghĩa của từ không chỉ giúp cho học sinh thấy được nghĩa từ điển mà phải giúp cho các em thấy được tính sinh động, linh hoạt của từ trong hoạt động giao tiếp, phải tổ chức cho học sinh quan sát, phân tích ý nghĩa của từ khi nó tham gia vào hoạt động giao tiếp, đặc biệt giáo viên phải tổ chức quá trình dạy học về nghĩa của từ theo định hướng giao tiếp.
Nghĩa của từ, từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ là nội dung quan trọng trong dạy học về nghĩa của từ ở lớp 6 và trong luận văn của chúng tôi. Chính vì thế, trong quá trình dạy học về nghĩa của từ ở lớp 6 chúng tôi phải giúp cho học sinh biết cách giải thích nghĩa của từ, nhận thức được tính nhiều nghĩa của từ và đặc biệt là nắm được hiện tượng chuyển nghĩa của từ. Hiện tượng này giúp cho quá trình biểu đạt của ngôn ngữ phong phú, sinh động, hấp dẫn và mang tính nghệ thuật. Đồng thời nó sẽ là cơ sở cho việc xác định nghĩa mới của từ. Và từ những hiểu biết đó, học sinh có thể chủ động trong việc nắm và sử dụng từ hiệu quả trong hoạt động giao tiếp.