III. Một số giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển sắn nguyên liệu vùng Tây Nguyên
4. Xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sắn nguyên liệu
Cơ sở hạ tầng là một trong những điều kiện góp phần thúc đẩy cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội trên phạm vi từng lãnh thổ nhất định. Phát triển hệ thống và phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, mạng lưới điện, nước và các công trình phúc lợi khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông trao đổi sản phẩm hàng hoá, đi lại và sinh hoạt, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu bền cho cả vùng. Nhà nước cần tranh thủ các nguồn vốn bảo trợ (ODA) hoặc thực hiện phương trâm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
- Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, nó có ý nghĩa rất lớn đối với bất cứ ngành sản xuất nào. Nhìn chung, mạng lưới giao thông đường bộ ở Tây Nguyên phân bố tương đối đồng đều, nhưng đa phần các trục lộ trong từng vùng nông thôn do cấp huyện quản lý đã xuống cấp, nhiều tuyến đường còn nhỏ, thường bị lầy lội, sạt lở vào mùa mưa, bụi bẩn vào mùa khô, gây ô nhiễm và nguy hiểm cho phương tiện và người tham gia giao thông. Vì vậy, hệ thống các tuyến đường giao thông cần được mở thêm (mở rộng và nâng cấp) hợp lý các tuyến đường đến khu công nghiệp và vùng nguyên liệu tập trung, tạo sự giao lưu thông thương giữa các vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến, giữa vùng nông thôn với các trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật.
- Điện: Là vùng đã và sẽ sản sinh ra nhiều điện năng cho đất nước, tuy nhiên: hiện nay nhiều nơi trong vùng chưa có hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống lưới điện chưa đồng bộ, phần nhiều chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp chưa cao. Vì vậy cần nâng cấp đường dây tải và trạm biến áp đủ công suất để đáp ứng cho sự phát
triển công nghiệp trong từng địa phương. Đây là điều kiện tối cần thiết trong giai đoạn hiện nay để phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá.
- Thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Trong thời gian qua chỉ mới đầu tư được một số kênh chính, kênh tưới tiêu nội đồng chưa phát triển mạnh, trạm bơm điện chưa đủ cung cấp nước cho những vùng chuyên canh lớn. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống kênh mương đảm bảo có thể điều tiết nguồn nước tưới tiêu vào hệ thống kênh mương nội đồng. Mặt khác, kết hợp với điện khí hoá để phát triển hệ thống trạm bơm với quy mô vừa và nhỏ đưa nước vào đồng ruộng có hiệu quả.
- Nước sinh hoạt: Nguồn nước tuy dồi dào nhưng phần lớn là sử dụng trực tiếp, chưa qua lắng lọc, chưa đảm bảo cho sản xuất công nghiệp và đời sống nhân dân. Cần tăng cường nguồn nước sạch cho các vùng nông thôn, đảm bảo cho sinh hoạt của nhân dân và công nghiệp chế biến trên địa bàn nông thôn.