Giải pháp kinh tế là giải pháp bằng kinh tế để khắc phục, hạn chế và loại trừ các nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm. Như những tội phạm khác, nguyên nhân và điều kiện cơ bản của tội phạm Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng là nguyên nhân kinh tế xã hội. Bởi tội phạm tồn tại trong xã hội, chịu sự tác động qua lại của các yếu tố, các quá trình xã hội. Sự vận động và biến đổi của các điều kiện kinh tế xã hội tất yếu dẫn đến sự chuyển biến của tình hình tội phạm. Nền kinh tế thị trường bên cạnh tính tích cực, tồn tại những ảnh hưởng tiêu cực làm phát sinh tình hình tội phạm. Nhưng sẽ là sai lầm khi nói kinh tế thị trường là nguyên nhân dẫn đến tội phạm từ đó dẫn đến xu hướng phủ nhận nó.
Trên cơ sở đặc điểm của cộng đồng dân cư nơi có rừng, có thể thấy, người dân sống trong rừng còn khó khăn, sống chủ yếu nhờ làm rẫy và dựa vào rừng, do thu nhập không đủ sống, người dân không được hưởng lợi từ
rừng nên không thiết tha với rừng, trong khi giá một số mặt hàng nông sản như cà phê, điều, tiêu… tăng cao, kéo theo lợi nhuận từ buôn bán đất, nhiều người có khả năng kinh tế thuê dân nghèo phá rừng trái phép để lấy đất bán, sang nhượng. Do vậy, để ngăn chặn việc phá rừng cần phải có các giải pháp về kinh tế - xã hội sau:
Thứ nhất, ổn định cuộc sống của người dân có vùng rừng
Phải chú trọng đầu tiên vấn đề định canh định cư, xóa bỏ tình trạng du canh, du cư cùng phương thức sản xuất lạc hậu chọc tỉa, đốt rừng làm nương rẫy. Muốn chuyển đổi phương thức sản xuất, phải chứng minh được cho người dân thấy hiệu quả của công tác định canh định cư, nhất thiết phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho những vùng định cư mới. Các yếu tố như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi phải được xây dựng để ổn định và phát triển cuộc sống của người dân, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa. Để việc đầu tư này có hiệu quả cần phải tính đến phương án quy hoạch cụ thể. Xác định khu dân cư gắn liền với những điều kiện để kích thích và phát triển kinh tế trong toàn vùng trên cơ sở định hướng lâu dài. Tránh tình trạng quy hoạch cho có, gom dân về một nơi mà không đầu tư cho phát triển, bỏ mặc dân với nơi ở mới trong tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, tự xoay xở để tồn tại.
Bên cạnh đó cần có chủ trương kiên quyết hơn trong việc quản lý dân di cư tự do. Ngăn chặn triệt để hơn tình trạng này trên cơ sở quản lý chặt chẽ hộ khẩu, hộ tịch, xử phạt nặng những trường hợp vi phạm. Thực tế cho thấy giải quyết vấn đề này có rất nhiều ý nghĩa, góp phần lớn cho việc ổn định trật tự trị an trên địa bàn.
Thứ hai, có chính sách phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nơi có rừng
Mỗi địa phương đều có những đặc điểm về điều kiện tự nhiên riêng biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình và đặc điểm dân cư có sự khác nhau trên
từng vùng lãnh thổ. Do vậy, khó có thể có một mô hình chung để phát triển kinh tế cho tất cả các địa phương trong toàn quốc.
Chính vì vậy, xác định chính sách phát triển kinh tế phù hợp, biết khai thác các thế mạnh của địa phương sẽ là yếu tố quan trọng để giữ vững sự ổn định. Cần xác định thế mạnh của các địa phương có rừng để áp dụng kế hoạch sản xuất phù hợp, khai thác hiệu quả nhất nguồn tài nguyên của từng địa phương tránh vì cái lợi trước mắt mà khai thác kiệt quệ rừng. Các cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu là những cây công nghiệp có giá trị, cần được đầu tư, phát triển tuy nhiên phải gắn với chính sách đầu tư hợp lý, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Đây là vấn đề cần có sự can thiệp của Nhà nước bởi nếu để nhân dân tự phát sẽ không tránh khỏi tình trạng: trồng - chặt phá - trồng mới, sản xuất theo phong trào, chạy theo hiệu quả ảo.
Bên cạnh đó, cần có những biện pháp khuyến lâm. Mạnh dạn giao đất, giao rừng… nhất là rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng nguyên liệu. Đầu tư cho việc trồng rừng song song với bao tiêu sản phẩm. Không thể để tình trạng như hiện nay, người trồng rừng phải chịu lỗ vì chi phí sản xuất quá cao mà sản phẩm làm ra được tiêu thụ với giá thấp khiến người trồng rừng không yên tâm đầu tư mà chuyển sang các loại cây trồng ngắn hạn như ngô, sắn…
Đổi mới cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng. Huy động tổng hợp các nguồn lực cho yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng một số dự án đầu tư phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng để kêu gọi vốn ODA và các nguồn vốn khác. Tăng thêm nguồn đầu tư ngân sách hàng năm làm vốn đối ứng các dự án ODA. Có cơ chế thông thoáng để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, vốn của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân), của hộ trang trại, hộ dân, vốn của cộng đồng làng bản, tổ chức xã hội... cho bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở quy hoạch lại cơ cấu ba loại rừng, điều chỉnh mục đích sử dụng đất cho phù hợp, có tính đến tính chất đa năng của rừng. Xác định rõ
ranh giới trên thực địa; hoàn tất thủ tục giao đất giao rừng, tạo điều kiện cho chủ rừng yên tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Chuyển diện tích đất nông, lâm trường sử dụng kém hiệu quả để giao cho dân, bản làng và các tổ chức kinh tế khác phát triển rừng. Bảo đảm chính sách hưởng lợi đối với người bảo vệ và phát triển rừng, tạo động lực cho đẩy mạnh xã hội hoá nghề rừng. Xem xét, đề xuất sửa đổi định mức, thời gian, đối tượng được hưởng kinh phí bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Điều chỉnh các quy định về khai thác, tiêu thụ lâm sản phù hợp với từng loại rừng, bảo đảm tiện lợi để chủ rừng có thể sinh sống và làm giàu từ kinh tế rừng. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên kết với dân để phát triển rừng, bằng nhiều hình thức năng động như thuê đất, nhập vốn góp bằng quyền sử dụng đất của dân để trồng rừng nguyên liệu; sản xuất, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật, thu hút dân vào làm rừng; liên doanh chế biến lâm sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Thứ ba, hỗ trợ nâng cao đời sống người dân
Việc giao đất lâm nghiệp và rừng, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống chủ yếu bằng nghề lâm nghiệp, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc; đồng thời hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho các chủ rừng. Đồng bào dân tộc cần được giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở; các chủ trương này cần gắn với với các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chương trình định canh định cư, quy hoạch và tổ chức thực hiện các dự án ổn định vùng kinh tế mới để người dân có thu nhập từ sản xuất, sớm ổn định cuộc sống, giảm bớt sự lệ thuộc vào thu nhập từ các hoạt động khai thác rừng trái pháp luật...
Rà soát ổn định diện tích canh tác nương rẫy theo phong tục tập quán của đồng bào ở một số khu vực, từng bước chuyển sang phương thức canh tác
thâm canh, cung cấp giống cây trồng phù hợp với lập địa, có hiệu quả kinh tế cao và hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào.
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho đồng bào tương đương với thu nhập từ canh tác quảng canh nương rẫy hiện nay (tương đương khoảng 1 đến 1,5 tấn thóc/hécta/năm) trong thời gian 3 đến 5 năm, cung cấp giống cây rừng và một số vật tư cần thiết khác cho đồng bào dân tộc tại chỗ để chuyển căn bản họ sang trồng rừng, đồng thời cho họ được hưởng 100%
sản phẩm rừng [61].
Thứ tư, phát triển cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ phục vụ nghề rừng Quy hoạch hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông phục vụ bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; xác định cơ cấu giống cây, con phù hợp đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, tính chất từng loại rừng; đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống cháy rừng.