Giải pháp về tổ chức quản lý

Một phần của tài liệu Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 97)

Quản lý Nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng, một mắt khâu không thể thiếu để đảm bảo cho hệ thống các quy định của pháp luật bảo vệ rừng phát huy hiệu lực thực tế. Quan điểm về nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng trong điều kiện hiện nay của nước ta được thể hiện trên hai phương diện: kiện toàn hệ thống tổ chức của các cơ quan quản lý Nhà nước và xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ mạnh để đảm bảo thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng.

Trên thực tế, sự phối hợp liên ngành giữa Kiểm lâm, Công an và Quân đội trong công tác bảo vệ rừng theo Thông tư liên tịch số 144/TTLT-BNN- BCA-BQP đôi lúc chưa thường xuyên, liên tục và chưa thật hiệu quả, kiểm lâm mỏng, yếu về nghiệp vụ, chính quyền các cấp thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên nên việc xử lý vi phạm còn chậm, do không bắt được những

ông “trùm” đứng đằng sau xúi giục phá rừng. Những đối tượng trực tiếp phá

rừng đa số là người làm thuê nên trong nhiều vụ vi phạm, do các cơ quan chức năng không khẩn trương, kiên quyết điều tra dẫn đến không xác định được những kẻ giấu mặt, xúi giục phá rừng để có biện pháp xử lý nghiêm.

Vì vậy, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, UBND các cấp đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thiết lập cơ chế, tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo ngành và liên ngành hợp lý để quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả.

- Đối với chủ rừng.

+ Chủ rừng phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định hiện hành của pháp luật. Những chủ rừng quản lý trên 500ha rừng phải có lực lượng bảo vệ rừng của mình.

+ Xây dựng các chương trình, đề án bảo vệ rừng trên diện tích được giao, được thuê đảm bảo bố trí các nguồn lực không để rừng bị xâm hại trái pháp luật.

- Đối với UBND các cấp.

+ Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng theo quy định tại Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức các lực lượng truy quét lâm tặc phá rừng tại địa phương. Ngăn chặn kịp thời các trường hợp khai thác, phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Chỉ đạo xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân VPPL về bảo vệ rừng và những người bao che, tiếp tay cho lâm tặc. Những địa phương để xảy ra tình trạng phá

rừng trái phép thì Chủ tịch UBND các cấp phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.

+ Tổ chức khôi phục lại diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái quy định của pháp luật trong thời gian qua.

+ Tiến hành kiểm tra, cưỡng chế tất cả những người di dư tự do ra khỏi các vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

+ Hoàn thành giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vào năm 2010.

- Đối với lực lượng Công an.

Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố hỗ trợ và phối hợp thường xuyên với lực lượng kiểm lâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo một cơ chế thống nhất; tổ chức điều tra nắm chắc các đối tượng phá rừng, kinh doanh buôn bán lâm sản trái phép, đặc biệt phải triển khai các biện pháp kiên quyết trừng trị thích đáng; ngăn chặn triệt để tình trạng chống người thi hành công vụ; phối hợp với các lực lượng có liên quan truy quét các đối tượng phá rừng và kiểm tra, kiểm soát lưu thông lâm sản. Rà soát và xử lý dứt điểm các vụ án hình sự tồn đọng trong lĩnh vực bảo vệ rừng.

- Đối với lực lượng Quân đội.

+ Huy động các đơn vị quân đội ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng: Bộ Quốc phòng chỉ đạo các Quân khu, Quân đoàn, Bộ tư lệnh Biên phòng; Bộ chỉ huy quân sự và Bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương xác định những khu vực rừng đang là điểm nóng về phá rừng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ để tổ chức các đơn vị quân đội đóng quân, chốt giữ, xây dựng địa bàn quốc phòng an ninh gắn với bảo vệ rừng, bố trí lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng tham gia các đợt truy quét chống chặt phá rừng.

Sau khi giải quyết căn bản ổn định tình hình phá rừng trái phép trong một thời gian, các đơn vị quân đội bàn giao việc bảo vệ rừng cho chính quyền

địa phương để tiếp tục duy trì công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ở những khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng, thì có thể giao quản lý rừng lâu dài cho các đơn vị quân đội.

- Đối với các tổ chức xã hội.

Phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho các thành viên; phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi VPPL; tổ chức các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, cần xúc tiến việc đổi mới tổ chức và quản lý hệ thống lâm trường quốc doanh. Đa dạng hoá hình thức tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của hệ thống khuyến lâm, hỗ trợ thiết thực cho nhu cầu phát triển rừng của nhân dân và các thành phần kinh tế khác. Kiện toàn hệ thống kiểm lâm, bảo đảm sự quản lý thống nhất giữa trồng, bảo vệ rừng và kinh doanh nghề rừng [61].

Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trước hết là trách nhiệm của địa phương, Nhà nước giao rừng cho địa phương quản lý và tổ chức cho hộ gia đình, các

thành phần kinh tế làm. Thực hiện “xã hội hóa nghề rừng”, rừng do dân trồng,

chăm sóc bảo vệ dưới sự hướng dẫn giúp đỡ của các tổ chức kinh tế, chính quyền cơ sở, từ đó đề xuất cơ chế gắn kết lâm trường, các đơn vị kinh tế, các Ban quản lý rừng, các doanh nghiệp và các cấp chính quyền với dân. Chuyển

người dân từ vị trí là người trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng “thuê” cho Nhà nước

thành người chủ rừng; ngược lại, chuyển vị trí các lâm, nông trường, các doanh nghiệp đang là chủ rừng trở thành người làm dịch vụ cho dân.

Một hiện tượng trong quản lý cũng gây khó khăn cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng, đó là, tuy có sự chuyển đổi mô hình hoạt động từ lâm trường quốc doanh sang công ty lâm nghiệp hoặc Ban quản lý rừng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước nhưng chỉ mang tính hình

thức, bởi Luật Doanh nghiệp nhà nước đến 31/6/2010 hết hiệu lực thi hành, nên các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp phải chuyển đổi sang một mô hình khác để hoạt động cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển, bảo vệ rừng trong tình hình mới, cần sự quan tâm đồng bộ từ cơ chế, chính sách và điều chỉnh bổ sung một số điều quy định về tuần tra, bảo vệ, khai thác, chế biến lâm sản, các chế độ đối với người bảo vệ, cán bộ lâm nghiệp… Theo đó, siết chặt quy định pháp luật về xử lý các hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để khai thác rừng đến nghèo kiệt, những tội danh phá rừng, chống người thi hành công vụ cần phải được xử lý nghiêm khắc. Công tác bảo tồn và phát triển rừng cần được xã hội hóa, gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và nhiều tổ chức xã hội, có như vậy mới hạn chế được các hình thức khai thác rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 97)