Đánh giá chung

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết 30a2008NQ – CP tại địa bàn xã sốp cộp, huyện sốp cộp, tỉnh sơn la, giai đoạn 2009 2013 (Trang 84 - 85)

Do có lợi thế về nguồn nước khá dồi dào cho nên xã Sốp Cộp có thể phát triển đa dạng các loại hình sản xuất nông – lâm nghiệp, các loại cây trồng, vật nuôi khác nhau và có chất lượng cao. Cùng với đó là sự hỗ trợ về chính sách phát triển rừng và chính sách hỗ trợ sản xuất góp phần làm tăng năng suất cây trồng - vật nuôi và diện tích che phủ rừng trên diện rộng. Ngoài ra là xã có số dân trong độ tuổi lao động đông nhất và là vùng trung tâm phát triển của huyện, cho nên có nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu về lao động cho các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất tại địa phương. Chính sách thu hút cán bộ về làm việc tại xã góp phần bổ sung thêm nguồn nhân lực chất lượng cao vào đội ngũ cán bộ cơ sở.

Tuy nhiên, tiềm năng lao động chưa được khai thác triệt để, việc đào tạo lao động chưa hiệu quả, chính sách đưa người dân đi lao động tại nước ngoài chưa trở thành giải pháp giảm nghèo bền vững. Trung tâm đào tạo, dạy nghề chưa đưa vào sử dụng nên đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn phải đào tạo lưu động tại thôn, bản. Thị trường lao động trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, đồng thời tỷ lệ lao động được đào tạo, có tay nghề cao còn hạn chế cho nên số lượng lao động xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Do đặc điểm địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nhiều đối tượng thuộc diện hưởng chính sách thuộc Chương trình nên công tác kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện chính sách từ cơ sở (thôn, bản) chưa được phản ánh kịp

thời, đầy đủ để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình. Diện tích đất chưa sử dụng chủ yếu nằm trên các khu vực núi cao, ảnh hưởng lớn đến khai thác loại đất này vào sử dụng cho các mục đích, mưa lớn thường tập trung theo mùa thường gây ra hiện tượng lũ lụt cục bộ, xói mòn, rửa trôi đất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh.

Việc sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) mang tính tự phát, phương pháp khai thác tiềm năng, lợi thế của xã chưa được quy hoạch đúng mức. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, các ngành kinh tế như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ chưa phát huy được hết khả năng và thế mạnh của địa phương. Cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, triển khai xây dựng chậm, thiếu cán bộ có kinh nghiệm thực tế và năng lực cao. Người dân vẫn còn đứng ngoài vai trò của mình, chưa thật sự tham gia tích cực vào các công trình xây dựng cộng đồng.

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết 30a2008NQ – CP tại địa bàn xã sốp cộp, huyện sốp cộp, tỉnh sơn la, giai đoạn 2009 2013 (Trang 84 - 85)