a) Vị trí địa lý
Xã Sốp Cộp nằm ở trung tâm huyện Sốp Cộp, có vị trí giáp ranh như sau: Phía Bắc và Đông Bắc giáp xã Huổi Muội – huyện Sông Mã, phía Đông giáp xã Mường Cai – huyện Sông Mã, phía Nam giáp xã Nậm Lạnh và Mường Và, phía Tây giáp xã Dồm Cang.
Xã Sốp Cộp có tổng diện tích tự nhiên là: 4.463 ha, chia thành 17 bản. Dân số tính đến 31/12/2013 là 5.230 người, 1519 hộ.
b) Đặc điểm địa hình
Xã có địa hình phức tạp, độ cao từ 700 m đến 1.500 m so với mực nước biển, bao gồm 2 dạng địa hình chính:
Địa hình đồi núi thấp và trung bình có độ cao từ 700 m đến 950 m so với mực nước biển, dạng địa hình này hiện đang được nhân dân canh tác cây hàng năm (lúa nước, nương rẫy).
Địa hình núi cao có độ cao từ 950 m đến 1.500 m so với mực nước biển, dạng địa hình này đang được khoanh nuôi tái sinh rừng.
c) Khí hậu
Sốp Cộp mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Nhưng do khu vực nằm sâu trong lục địa nên ít bị ảnh hưởng của mưa bão trong mùa và gió mùa Đông Bắc trong mùa đông. Trong năm được chia thành 2 mùa rõ rệt:
Mùa mưa xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 9, mưa tập trung vào các tháng 6, 7,8 lượng mưa chiếm trên 85 – 90 % lượng mưa cả năm. Tổng lượng mưa trung bình khoảng 1.087 mm/năm. Độ ẩm trung bình là 78%.
Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên thời tiết khô và lạnh.
Nhiệt độ trung bình năm khoảng 22,7oC. Nhiệt độ cao nhất trung bình năm 29,5oC và nhiệt độ thấp nhất trung bình năm 18,7oC.
Tình trạng khô hạn vào mùa Đông, gió Tây khô nóng vào những tháng cuối mùa khô, đầu mùa mưa là yếu tố gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sương muối, mưa đá, lũ quét là những yếu tố bất lợi đối với sản xuất nông lâm nghiệp.
d) Thủy văn
Xã Sốp Cộp tập trung nhiều con suối, khe suối. Trên địa bàn xã là nơi hội tụ của ba con suối lớn là suối Nậm Ban chảy ra từ xã Púng Bánh, suối Nậm Lạnh chảy ra từ xã Nậm Lạnh, suối Nậm Ca chảy ra từ xã Mường Và, 3 con suối tụ lại thành vùng đầu nguồn của suối Nậm Công rồi đổ ra Sông Mã.
Do địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao với độ dốc chênh lệch đã tạo ra các khe suối nhỏ và ngắn, mùa khô thì cạn kiệt, mùa mưa lưu lượng dòng chảy tương đối lớn, tạo ra sự chênh lệch về lưu lượng nước giữa 2 mùa tương đối lớn và vậy thường xuyên xảy ra những trận lũ quét lũ ống cục bộ gây thiệt hại và ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.