- Thử thị lực:
+ Với nhóm trẻ < 5 tuổi, tiến hành thử thị lực bằng bảng hình dùng cho trẻ em. Bảng thị lực hình vẽ các đồ vật và các dụng cụ dễ nhận thấy.
+ Với nhóm trẻ ≥ 5tuổi, tiến hành thử thị lực bằng bảng Snelen.
+ Phương pháp thử thị lực:
Bảng thị lực để đúng khoảng cách theo quy định, ngang tầm mắt trẻ để trẻ có thể ngồi và nhìn thẳng được, đảm bảo trục thị giác thẳng góc với bảng thị lực.
Tiêu chuẩn đánh giá thị lực: Hàng chữ nhỏ nhất mà mắt đọc đúng hoàn toàn được tính là thị lực đạt được. Thử thị lực từng mắt riêng rẽ, trong khi mắt này được thử thì mắt kia phải được che kín. Đánh giá thị lực nhìn xa một mắt, hai mắt không kính và có kính [34], [80], [81].
- Khám phát hiện những bất thường của nhãn cầu: + Tình trạng kết mạc
+ Giác mạc: trong, đục, loạn dưỡng + Mống mắt: dính, tân mạch, thoái hóa
+ Đồng tử: tròn méo, phản xạ với ánh sáng
+ Thể thủy tinh: trong, đục
+ Dịch kính: trong, vẩn đục, tăng sinh xơ, tổ chức hóa
- Khám đánh giá tình trạng vận nhãn, phát hiện rung giật nhãn cầu.
- Khám lác bằng nghiệm pháp che mắt và phương pháp Hirchberg. - Tra giãn đồng tử tối đa đánh giá tình trạng võng mạc bằng máy soi đáy mắt gián tiếp:
+ Tình trạng võng mạc gồm:
BVMTĐN thoái triển hoàn toàn, không điều trị laser quang đông.
BVMTĐN điều trị laser quang đông, võng mạc được laser làm sẹo tốt, tổ chức xơ tiêu hoàn toàn, đĩa thị và hoàng điểm bình thường. Mạch máu võng mạc ở hậu cực không bị co kéo, đổi hướng.
BVMTĐN thoái triển không hoàn toàn, xơ không tiêu hoặc tổ chức xơ tăng sinh gây co kéo võng mạc, đĩa thị, hoàng điểm. Mạch máu võng mạc bị co kéo hoặc có nếp gấp võng mạc vùng hoàng điểm gây di lệch hoàng điểm.
- Đo khúc xạ: phương pháp soi bóng đồng tử.
Tra 2 giọt hỗn hợp dung dịch cyclogyl 1% và neosynephryne 2,5% trước khi đo 45 phút, khoảng cách giữa 2 lần tra thuốc là 10 phút. Trước khi tra thuốc cho trẻ cần giải thích rõ ràng với bố mẹ trẻ về mục đích và tác dụng của việc tra thuốc, những tác dụng phụ có thể gặp để bố mẹ trẻ an tâm và đồng ý thăm khám.
+ Kỹ thuật đo: Dùng máy soi bóng đồng tử khe, tay phải thầy thuốc cầm đèn soi bóng đồng tử nhìn qua lỗ quan sát của máy và hướng khe sáng vào mắt trẻ. Khi đã thấy ánh đồng tử màu hồng thì dùng núm trượt xoay khe sáng để quét các trục ngang, dọc và trung gian sau đó xác định hướng chuyển động của bóng đồng tử và dùng thước Parent để trung hòa.
+ Nhận định kết quả soi:
Khúc xạ cầu (cận thị và viễn thị): khi xoay khe sáng theo các hướng thì bóng đồng tử luôn thẳng hàng với khe sáng. Bóng đồng tử có cùng độ rộng, độ sáng và hướng chuyển động ở mọi hướng.
Hình 2.7. Khúc xạ cầu
Khúc xạ loạn thị: khi khe sáng và bóng đồng tử không thẳng hàng ở mọi hướng, khe sáng và bóng đồng tử chỉ thẳng hàng ở hai hướng là hai trục chính. Tốc độ và hoặc hướng khác nhau ở 2 trục.
Sau khi trung hòa bóng đồng tử ở 2 trục chính người đo vẽ được chữ thập quang học và từ đó xác định được chỉ số khúc xạ của trẻ [36], [81], [82].
+ Một số lưu ý khi soi bóng đồng tử ở trẻ đẻ non:
• Trẻ đẻ non thường có tình trạng khúc xạ cao vì thế đôi khi sẽ không thấy bóng đồng tử hoặc bóng đồng tử chuyển động chậm và tối đến mức không thể thấy. Trong trường hợp này khi trung hòa bóng đồng tử thường dùng số kính cao từ + 5D (hoặc - 5D) rồi tăng dần số kính lên cho đến khi thấy chuyển động của bóng đồng tử và trung hòa.
• Một số trường hợp đục dịch kính bóng đồng tử cũng có thể tối hoặc không thấy được bóng đồng tử nếu dịch kính đục nhiều.