Mức độ thoái triển của bệnh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khúc xạ trên trẻ có bệnh võng mạc trẻ đẻ non (Trang 33 - 34)

Theo Choi (2000) sự xuất hiện của cận thị có liên quan đến sự thoái triển không hoàn toàn của BVMTĐN [7]. Nghiên cứu của Davitt và cộng sự (2005) nhận thấy những mắt có bất thường của góc giữa hai mạch máu võng mạc phía thái dương hoặc có co kéo võng mạc gây lạc chỗ hoàng điểm thì tỷ lệ cận thị và cận thị cao tăng lên [71].

Khwarg và cộng sự (1995) đánh giá tình trạng tật khúc xạ trên 48 mắt thoái triển hoàn toàn sau điều trị và 13 mắt bệnh không thoái triển hoàn toàn tại thời điểm 3 năm nhận thấy tỷ lệ cận thị và cận thị cao ở nhóm thoái triển hoàn toàn là 91,7% và 37,6% thấp hơn so với nhóm không thoái triển hoàn toàn là 92,3% và 69,2%. Bên cạnh đó mức độ cận thị trung bình ở nhóm thoái triển hoàn toàn là -5,68 ± 4,41D thấp hơn nhóm thoái triển không hoàn toàn là -6,86 ± 3,80D [74].

Trong khi đó Quinn và cộng sự (2008) nhận thấy tỷ lệ cận thị và cận thị cao ≥ 5D tại các thời điểm theo dõi có liên quan đến tình trạng võng mạc sau điều trị [72]. Tác giả nhận thấy tại các thời điểm theo dõi, tỷ lệ cận thị ở những mắt BVMTĐN điều trị bệnh thoái triển hoàn toàn dao động từ 50% - 70%, trong khi đó ở những mắt BVMTĐN sau điều trị có bất thường mạch máu võng mạc phía thái dương có tỷ lệ cận thị cao hơn dao động từ 70% - 90%, còn nhóm những mắt bệnh không thoái triển sau điều trị, xơ co kéo di lệch hoàng điểm có tỷ lệ cận thị cao nhất dao động từ 80% - 100%. Bên cạnh đó mức độ cận thị cao tại các thời điểm theo dõi ở nhóm bệnh không thoái triển, xơ co kéo di lệch hoàng điểm (từ 30% đến 70%) cũng cao hơn so với nhóm sau điều trị có bất thường mạch máu phía thái dương (từ 20% đến 50%) và nhóm bệnh thoái triển hoàn toàn sau điều trị (từ 20% đến 35%).

Davitt (2011) khi nghiên cứu 401 trẻ BVMTĐN nhận thấy có xu hướng tăng tỷ lệ loạn thị và loạn thị cao ở những mắt bệnh thoái triển không hoàn toàn [75]. Nhận định của các tác giả cho thấy mức độ thoái triển của bệnh có liên quan đến tật khúc xạ trên trẻ BVMTĐN.

Khi đề cập về mối liên quan giữa lệch khúc xạ với mức độ thoái triển của bệnh, Laws (1997) cho rằng tình trạng lệch khúc xạ hay gặp ở những bệnh nhân có mức độ bệnh 2 mắt không giống nhau và sự thoái triển bệnh ở 2 mắt không cân xứng. Lệch khúc xạ cao hay gặp ở bệnh nhân điều trị 1 mắt bệnh không thoái triển hoàn toàn và mắt kia không cần điều trị bệnh tự thoái triển [69].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khúc xạ trên trẻ có bệnh võng mạc trẻ đẻ non (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)