I. Các khoản phải thu
2.2.3.2.3 Tình hình quản lý hàng tồn kho của công ty
Hàng tồn kho có vai trò quan trọng để đảm bảo tính ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp. Một mặt, hàng tồn kho cung ứng đầu vào cho quá trình sản xuất (nguyên vật liệu), mặt khác nó dự trữ hàng hóa chờ tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tính đến thời điểm cuối năm 2011, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng 17,56% trong tổng tài sản lưu động của công ty. Hàng tồn kho bao gồm nhiều khoản mục khác nhau, mỗi khoản có đặc điểm và yêu cầu quản lý khác nhau. Vì thế, công tác quản lý hàng tồn kho đòi hỏi phải khoa học và chặt chẽ.
Kết cấu hàng tồn kho của công ty cổ phần Điện nhẹ Viễn thông được thể hiện qua bảng sau:
Bảng 13: Kết cấu hàng tồn kho của LTC năm 2011
(Đơn vị tính: Đồng) Hàng tồn kho 31/12/2011 31/12/2010 So sánh 2011/2010 Số tiền Tỷ trọng Số tiền Tỷ trọng Số tuyệt đối Tỷ lệ 1.Nguyên liệu, vật liệu 127.209.686 0,51 115.630.186 0,45 11.579.500 10,01 2.Công cụ, dụng cụ 5.855.000 0,02 5.855.000 0,02 0 0 3.Chi phí sản xuất
kinh doanh dở dang 24.896.748.003 98,87 25.496.396.508 98,94 -599.648.505 -2,35 4.Hàng hóa 151.147.669 0,60 151.147.669 0,59 0 0
Tổng cộng 25.180.960.358 100 25.769.029.363 100 -588.069.005 -2,28
(Nguồn: Báo cáo tài chính năm 2011 – LTC)
Hàng tồn kho của công ty chủ yếu bao gồm nguyên liệu vật liệu, công cụ dụng cụ, chi phí sản xuất dở dang và hàng hóa. Tại thời điểm 31/12/2011 tổng giá gốc hàng tồn kho là 25.180.960.358 đồng. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm tỷ trọng lớn nhất (98,87%), công cụ dụng cụ chiếm tỷ trọng nhỏ nhất (0,02%). Để hiểu rõ hơn về sự biến động của hàng tồn kho ta đi phân tích từng khoản mục:
- Nguyên vật liệu tồn kho:
Các nguyên vật liệu chuyên ngành bao gồm: ống nhựa, ống thép, cột bê tông, cáp, tủ hộp cáp, măng sông,…được cung cấp bởi các đơn vị chuyên sản
xuất vật liệu chuyên ngành. Tuy nhiên, hầu hết các công trình xây lắp (chiếm tới 90% tổng số lượng các công trình mà công ty ký hợp đồng) nguồn nguyên vật liệu chuyên ngành được cung cấp bởi chủ đầu tư. Các nguyên vật liệu khác bao gồm: cát, đá, sỏi, xi măng, sắt thép, … được mua tại địa phương nơi công ty có công trình thi công. Chính vì vậy, nguyên vật liệu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng hàng tồn kho (đầu năm là 0,45%, cuối năm là 0,51%). So với thời điểm đầu năm, nguyên vật liệu tăng không đáng kể 11.579.500 đồng ứng với 10,01%. Nguyên nhân là trên thị trường giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động và theo xu hướng ngày càng gia tăng nên công ty đã tăng cường dự trữ.
- Công cụ dụng cụ:
Công cụ dụng cụ chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong tổng giá trị hàng tồn kho, đầu năm và cuối năm không có sự thay đổi, đều là 5.855.000 đồng chủ yếu là các thiết bị văn phòng, quần áo lao động...và các dụng cụ khác. Khoản mục này không có biến động trong năm.
-Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang:
Đây là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị hàng tồn kho của công ty. Đầu năm là 25,5 tỷ đồng, đến cuối năm còn 24,9 tỷ đồng (giảm 2,35%). Khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lớn là do đặc thù sản xuất kinh doanh của công ty với ngành nghề chính là xây lắp, các công trình thi công, xây lắp cần thời gian dài, chi phí sản xuất tính cho sản phẩm dở dang cuối kỳ là tổng chi phí sản xuất phát sinh lũy kế từ khi khởi công đến cuối kỳ báo cáo mà công trình, hạng mục công trình chưa hoàn thành.
Các công trình công ty đang thi công, chưa hoàn thành như: Hợp đồng ký với Ban quản lý giao thông đô thị để xây dựng tuyến ống, cống bể thông tin thuộc dự án: Hạ ngầm các đường dây đi nổi trên tuyến đường Trần Phú, Hà Đông; hợp đồng xây lắp các trạm BTS cho Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam (thuộc tập đoàn Huawei Hongkong); Hợp đồng liên doanh
với Công ty cổ phần thương mại và xây lắp 368 về hoạt động san nền cho dự án Thành Phố Sáng Tạo Nam Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên),… Bên cạnh đó, một số công trình hoàn thành chưa được nghiệm thu, chủ đầu tư chưa xác nhận như: Thí điểm hạ ngầm các tuyến cáp và đường dây điện, thông tin tại phố Điện Biên Phủ (Q. Ba Đình), phố Văn Cao – Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng, phố Kim Mã – Nguyễn Thái Học - Hà Nội, dự án xây dựng hạ tầng viễn thông cho 4 trạm BTS tại Thanh Hóa…
Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lớn làm cho vốn bị ứ đọng ở khâu sản xuất, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong thời kỳ tới, công ty cần đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành bàn giao các công trình để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, thu hồi vốn, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn trong khâu sản xuất.
- Hàng hóa:
Hàng hóa bao gồm các phụ kiện xây lắp, vật tư thiết bị chuyên ngành điện nhẹ viễn thông, máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên ngành môi trường, hàng điện lạnh, điện gia dụng... Ta thấy khoản mục này không có sự biến động trong năm, cả đầu năm và cuối năm đều có giá trị là 151.147.669 đồng, như vậy khoản vốn này đã bị ứ đọng. Tuy chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị hàng tồn kho (đầu năm là 0,59%, cuối năm là 0,6%) nhưng việc không tiêu thụ được hàng hóa cũng ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động cũng như làm tăng chi phí bảo quản, dự trữ hàng tồn kho.
Để có được những đánh giá chính xác hơn về hiệu quả quản lý hàng tồn kho của công ty ta đi phân tích tốc độ luân chuyển hàng tồn kho qua Bảng sau:
Bảng 14: Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý hàng tồn kho của LTC
năm 2010-2011
Chỉ tiêu Đơn vị Năm 2011 Năm 2010 So sánh 2011/2010 1. Giá vốn hàng bán đồng 28.449.302.972 54.068.170.491 -25.618.867.519 2. Hàng tồn kho bình quân đồng 25.474.994.860,5 19.748.217.985,5 5.726.776.875 3. Số vòng quay HTK (3)=(1)/(2) vòng 1,12 2,74 -1,62 4. Số ngày 1 vòng quay HTK (4)=360/(3) ngày 322,36 131,49 190,87
(Nguồn: Báo cáo tài chính 2010 & 2011- LTC)
Qua bảng 14 ta thấy số vòng quay hàng tồn kho của công ty năm 2011 đã giảm 1,62 vòng so với năm 2010 kéo theo đó là số ngày một vòng quay hàng tồn kho đã tăng từ 131,49 ngày lên 322,36 ngày (tăng 190,87 ngày). Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán giảm mạnh nhưng hàng tồn kho lại tăng lên cho thấy tình trạng ứ đọng vốn tồn kho. Điều này xuất phát từ việc trong năm 2011, tình hình kinh tế khó khăn, các hợp đồng thi công ít hơn nên doanh thu và giá vốn hàng bán đều giảm mạnh trong khi các công trình chưa hoàn thành vẫn nhiều nên lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) làm giảm hiệu suất sử dụng vốn tồn kho.
Như vậy, công tác quản lý hàng tồn kho của công ty năm 2011 chưa tốt, gây ứ đọng, lãng phí vốn. Công ty cần đẩy nhanh vòng quay vốn bằng cách áp dụng các biện pháp tiêu thụ như giảm giá, khuyến khích mua nhiều để giảm lượng vốn tồn kho bị ứ đọng gây tăng chi phí lưu kho.