Quan niệm về đọc hiểu

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh đọc hiểu đoạn trích ai đã đặt tên cho dòng sông của hoàng phủ ngọc tường từ điểm nhìn văn hóa (Trang 33 - 34)

Đọc hiểu là một hoạt động đồng thời là mục đích tất yếu của mọi hoạt động đọc. Đối với tác phẩm văn chương hiểu là mục đích cuối cùng, mục đích cao nhất dù người đọc đến với tác phẩm văn chương bởi bất cứ động cơ nào. Trong dạy học văn, đọc văn là yêu cầu đầu tiên và cũng là hoạt động tiếp nhận cơ bản của giáo viên và học sinh. Hoạt động giảng văn trước đây được thay bằng việc tổ chức hoạt động đọc hiểu văn bản Ngữ văn.

Đọc hiểu là thuật ngữ kép dùng để chỉ một hoạt động có mục đích cụ thể của con người. Đó là hoạt động tự lĩnh hội tri thức bằng hoạt động trí tuệ. Đọc hiểu vừa là năng lực vừa là kĩ năng cần rèn luyện của con người. GS.TS Nguyễn Thanh Hùng đã xác định bản chất của khái niệm này trong tiểu luận “Dạy đọc hiểu là tạo nền tảng văn hóa cho người đọc”; “Đặt vấn đề đọc hiểu vào trong vùng trời của nó sẽ thấy hiện lên một hệ thống những nhân tố có liên quan mật thiết với nhau. Trong hệ thống ấy hoạt động đọc là cơ bản và có tầm quan trọng hết sức to lớn cần phải giải quyết thấu đáo. Còn hiểu không nên xem là hoạt động mà chỉ là kết quả mong muốn của hoạt động đọc

và là mục đích duy nhất của bất cứ hoạt động đọc nào”. Trong nhà trường

phổ thông đọc hiểu là năng lực cần rèn luyện để học sinh có khả năng tự học, tự đọc tác phẩm văn chương tốt hơn để nâng cao trình độ văn học và chất lượng sống.

Như vậy, bản chất của đọc hiểu văn là quá trình lao động sáng tạo mang tính thẩm mĩ nhằm phát hiện ra những giá trị của tác phẩm trên cơ sở phân tích đặc trưng văn bản. Những năm gần đây, thuật ngữ đọc hiểu được nhiều người quan tâm. Trong đó, một số nhà nghiên cứu và giáo viên dạy văn

vận dụng đọc hiểu vào giảng dạy Ngữ văn ở trường phổ thông song về bản chất vẫn chưa nắm được tinh thần và cách thức của nó. Do vậy, gọi là đọc hiểu song nhiều khi là phân tích thông thường văn bản tác phẩm. Để đọc hiểu tác phẩm văn học cần nắm được những nét cơ bản về vấn đề lý thuyết và kĩ năng đọc hiểu cần thiết để tiến hành dạy học tác phẩm văn chương.

Đọc tác phẩm văn chương là giải quyết những vấn đề tương quan của các cấu trúc tồn tại trong tác phẩm. Trước hết là cấu trúc ngôn ngữ sau là cấu trúc hình tượng thẩm mĩ và tư tưởng thẩm mĩ [15, tr.7]. Đây cũng chính là những phương thức cơ bản để tiến hành dạy đọc hiểu một tác phẩm văn chương. Các thao tác đó không tồn tại độc lập, tách rời nhau mà bao giờ cũng gắn bó mật thiết với nhau, đó cũng chính là các cấp độ để tiến hành đọc hiểu. Hiểu được mối quan hệ giữa ba tầng ý nghĩa đó sẽ nắm được giá trị nội dung, nghệ thuật và giá trị nhân văn của tác phẩm.

Một phần của tài liệu hướng dẫn học sinh đọc hiểu đoạn trích ai đã đặt tên cho dòng sông của hoàng phủ ngọc tường từ điểm nhìn văn hóa (Trang 33 - 34)