- Bellak et al (2008)
7 nền kinh tế chuyển đổ
1.5.2. Nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI tại một quốc gia
Về vấn đề này luận án tập trung nghiên cứu điển hình tại 2 quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực Châu Á và là hai nước đang phát triển thu hút lượng vốn FDI lớn nhất thế giới. Với những thành tựu đáng nổi bật này, việc tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm nhằm xác định yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI vào hai quốc gia này sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình phân tích, đánh giá cũng như đưa ra những đề xuất phù hợp cho hoàn thiện chính sách tại Việt Nam.
• Trung Quốc
Sự tăng trưởng và phát triển kinh tế kể từ sau khi đổi mới năm 1979 đã làm cho dòng vốn FDI vào Trung Quốc gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của tổ chức UNCTAD, đến cuối năm 2012 tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc là 121,08 tỷ USD chỉ thua kém so với Hoa Kỳ (161,62 tỷ USD). Hiện nay Trung Quốc là quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số các nước đang phát triển và FDI là một trong những yếu tố chính tác động đến sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong hơn ba mươi năm qua. Phân tích thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI vào Trung Quốc đầu tiên được đề cập là của Cheng and Kwan (2000). Bằng cách sử dụng mô hình GMM để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố quyết định vốn FDI tại 29 Khu vực tại Trung Quốc trong giai đoạn 1985-1995, các tác giả đã xác định Trung Quốc với một thị trường lớn nhất thế giới, cơ sở hạ tầng tốt, và chính sách ưu đãi đã có tác động tốt trong thu hút vốn FDI, tuy vậy chi phí tiền lương cao đã có tác động xấu đến FDI. Hiệu quả của giáo dục là tốt nhưng không có ý nghĩa thống kê đối với quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài.
Khác với Cheng and Kwan, Ali and Guo (2005) đã phân tích dựa trên dữ liệu sơ cấp thu được từ phản hồi của 22 công ty FDI hoạt động tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy quy mô thị trường rất lớn của Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng thu hút dòng vốn FDI ở Trung Quốc. Dân số đông, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, cùng với việc Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới là một sự kết hợp tạo nên hấp dẫn lớn cho các công ty nước ngoài. Chính sách ưu đãi của
Chính phủ Trung Quốc cũng là một lý do quan trọng khác thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh chi phí lao động và lợi nhuận đầu tư cao. Một trong những phát hiện mới từ nghiên cứu này cho thấy hội nhập toàn cầu cũng là yếu tố ảnh hưởng đối với quyết định của một số công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, theo đó Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng và đầu tư ở Trung Quốc là một phần chiến lược toàn cầu của các công ty.
Ở một phương diện khác, bên cạnh các yếu tố truyền thống như chi phí lao động, cơ sở hạ tầng, giáo dục, chính sách ưu đãi của chính phủ, Du et al. (2008) lại xem xét tác động của các yếu tố thể chế (các yếu tố này bao gồm: bảo vệ quyền sở hữu và thực thi hợp đồng) đến lựa chọn vị trí của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại từng khu vực. Với dữ liệu của 6.288 công ty đa quốc gia Hoa Kỳ đầu tư vào các khu vực của Trung Quốc cho giai đoạn 1993-2001, kết quả phân tích của các tác giả cho thấy các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ muốn đầu tư vào những khu vực có bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ, mức độ can thiệp trong hoạt động kinh doanh, mức độ tham nhũng của chính phủ thấp hơn, và thực thi hợp đồng tốt hơn.
Thông qua việc kiểm tra 422 bài báo của 625 tác giả và được xuất bản trong 151 tạp chí từ năm 1979 đến năm 2008, Fetscherin et al. (2010) đã tổng hợp xu hướng FDI ở Trung Quốc hơn 30 năm. Nhìn chung những thay đổi về kinh tế và quy định cải cách đã cải thiện lợi thế vị trí của Trung Quốc. Các đặc khu kinh tế bị ràng buộc bởi nguồn lực địa phương, phát triển cơ sở hạ tầng và các cơ sở công nghiệp. Ngoài ra, phát triển kinh tế, trình độ giáo dục, chi phí tiền lương, môi trường thể chế và hỗ trợ tại các tỉnh ở Trung Quốc là những yếu tố quan trọng trong thu hút FDI.
• Ấn Độ
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2013, trong số các nước đang phát triển của thế giới các nền kinh tế mới nổi của lục địa Châu Á đang nhận được chia sẻ tối đa (30,11%) của dòng vốn FDI so với các nước mới nổi khác của Châu Mỹ La tinh (18,05%) và Châu Phi (3,7%). Trong đó, Trung Quốc được xem là điểm đến ưa thích nhất của dòng vốn FDI toàn cầu trong số các nền kinh tế mới nổi của thế giới và Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 5 trong danh mục vị trí hấp dẫn nhất của FDI toàn cầu. Trong hai
thập kỷ qua, Ấn Độ đã tăng đáng kể thị phần FDI của thế giới từ 0,25% năm 2000 lên gần 2% trong năm 2012, xếp ở vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Xin-ga-po trong việc tiếp nhận dòng vốn FDI ở miền Nam, Đông và khối Đông Nam Á. Để thu hút được lượng lớn vốn FDI, Ấn Độ đã mở rộng tự do thương mại với các nước thông qua ký kết trở thành thành viên của các tổ chức thương mại lớn toàn cầu. Theo nghiên cứu của Hodda (2011) về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ giai đoạn 1991-2009 cho thấy, bên cạnh việc mở rộng thương mại là yếu tố chính ảnh hưởng tốt đến thu hút FDI vào Ấn Độ còn có những yếu tố khác là dự trữ ngoại hối và tình trạng tài chính, ngược lại chi phí nghiên cứu và phát triển, tỷ giá hối đoái lại là yếu tố chính cản trở dòng vốn FDI vào quốc gia này.
Năm 2011, Dhingra and Sidhu đã sử dụng phương pháp phân tích yếu tố khám phá (EFA) nhằm xác định các yếu tố quyết định dòng vốn FDI vào Ấn Độ. Kết quả phân tích cho thấy có bốn yếu tố chính đóng vai trò quan trọng nhất trong thu hút FDI vào các bang của Ấn Độ. Đầu tiên là sức mạnh tài chính của nhà nước. Yếu tố quan trọng thứ hai thu hút FDI vào Ấn Độ là trình độ phát triển của quốc gia, được thể hiện trong chỉ số phát triển con người cao, tỷ lệ người biết chữ cao, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tham nhũng và chỉ số cạnh tranh quốc gia cao. Yếu tố thứ ba được xác định là kích thước của thị trường. Ấn Độ chỉ đứng sau Trung Quốc, quốc gia có dân số lớn thứ hai trên thế giới nên là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Yếu tố cuối cùng mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm được xác định trong phân tích là chất lượng cơ sở hạ tầng của Ấn Độ.
• Nghiên cứu so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Sự thành công trong thu hút dòng vốn FDI đã làm cho Trung Quốc và Ấn Độ trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà nghiên cứu thực nghiệm.
Dựa trên dữ liệu thống kê vốn đầu tư (1987-2000) của 15 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Trung Quốc và Ấn Độ, Wei (2005) đã nghiên cứu các yếu tố hấp dẫn dòng vốn FDI vào 2 quốc gia này như sau: Trung Quốc được xác định là hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ vào lợi thế đặc biệt về dân số đông nhất thế giới, bên cạnh đó, dòng vốn FDI từ những quốc gia này chảy vào Trung Quốc một
phần chịu sự tác động của việc mở rộng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với họ. Tuy nhiên, kết quả phân tích lại cho thấy Ấn Độ với lợi thế như: chi phí lao động rẻ hơn, rủi ro quốc gia thấp hơn, sự gần gũi về địa lý, và sự tương đồng về văn hóa với các nước OECD là những yếu tố quan trọng làm cho Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn so với Trung Quốc. Cùng một quan điểm nhưng đối tượng nghiên cứu của Beule and Duanmu (2012) là các vụ mua lại và sáp nhập của các công ty đa quốc gia của Trung Quốc và Ấn Độ. Theo đó, thông tin liên quan đến 121 và 531 vụ mua lại và sáp nhập của các công ty đa quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ được đưa vào phân tích với mô hình logit có điều kiện. Kết quả thực nghiệm cho thấy, khác với Trung Quốc, các công ty đa quốc gia của Ấn Độ thích thực hiện hoạt động mua lại và sáp nhập tại các quốc gia có quy định pháp luật, chất lượng quản lý và kiểm soát tham nhũng tốt hơn. Trong ngành công nghiệp khai thác, hoạt động mua lại và sáp nhập của các công ty Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều khả năng sẽ diễn ra ở các quốc gia giàu tài nguyên với môi trường chính trị không ổn định, hiệu lực quy định pháp luật kém, và thiếu kiểm soát tham nhũng. Kết quả này đã gửi thông điệp cảnh báo đối với các quốc gia đang hoặc kém phát triển, những quốc gia có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên nhưng môi trường thể chế yếu kém sẽ dễ bị tổn thương từ động cơ không tốt đẹp này. Một điều cũng khá thú vị đã được khám phá trong nghiên cứu này là các công ty Ấn Độ đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở lợi thế sở hữu hiện tại của họ, trong khi đó các công ty Trung Quốc lại thích đầu tư vào các nước tiên tiến vì mục tiêu của họ là nhằm tìm kiếm tài sản công nghệ. Cuối cùng, quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng thị trường và tăng cường trao đổi ngoại thương đều được xác định là các yếu tố ảnh hưởng thu hút dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài của cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Như vậy, từ kết quả tổng quan các công trình nghiên cứu thực nghiệm cho thấy các yếu tố ảnh hưởng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nhóm quốc gia, khu vực, hay một quốc gia cụ thể không có điểm khác biệt gì nhiều. Nhìn chung các yếu tố này được chia thành ba nhóm: nhóm yếu tố thể hiện khung chính sách của chính phủ (gồm các yếu tố: rủi ro quốc gia/lạm phát, tỷ giá hối đoái, chi phí vốn trong nước, chính sách thuế doanh nghiệp, đổi mới nền kinh tế, quan hệ song phương, phát triển tài
chính, hỗ trợ ODA…); nhóm yếu tố quyết định kinh tế (gồm các yếu tố: quy mô thị trường, tăng trưởng kinh tế, mở cửa thương mại, tài nguyên cho khai thác, chi phí lao động, kỹ năng lao động/nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng, khoảng cách địa lý, khoảng cách văn hóa…), và nhóm yếu tố liên quan đến chất lượng thể chế (gồm các yếu tố: chính trị ổn định, chất lượng quy định pháp luật, tham nhũng/quan liêu…). Ba nhóm yếu tố này thể hiện quan điểm đại diện cho nền tảng xây dựng các mô hình nghiên cứu thực nghiệm về các yếu tố ảnh hưởng thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng phân bố không gian vốn FDI giữa các địa phương tại Việt Nam trong chương 3 và 4 của luận án.