Ở Việt Nam có một số công trình nghiên cứu về dạng sống như:
Doãn Ngọc Chất (1969), nghiên cứu dạng sống của một số loài thực vật thuộc họ Hoà thảo.
Hoàng Chung (1980), thống kê thành phần dạng sống cho loại hình đồng cỏ Bắc Việt Nam, đã đưa ra 18 kiểu dạng sống cơ bản và bảng phân loại kiểu đồng cỏ sa van, thảo nguyên [10].
Thái Văn Trừng (1978), cũng áp dụng nguyên tắc của Raunkiaer khi phân chia dạng sống của hệ thực vật ở Việt Nam.
Lê Trần Chấn (1990), khi nghiên cứu hệ thực vật Lâm Sơn tỉnh Hoà Bình cũng phân chia hệ thực vật thành 5 nhóm dạng sống chính theo phương pháp của Raunkiaer. Tuy nhiên tác giả đã dùng thêm ký hiệu để chi tiết hoá
một số dạng sống (a: ký sinh; b. bì sinh; c. dây leo; d. cây chồi trên thân thảo). Tác giả không xếp phương thức sống ký sinh, bì sinh vào dạng sống cơ bản mà chỉ coi đây là những dạng phụ [9].
Hoàng Chung (2008), khi nghiên cứu thực vật trong đồng cỏ vùng núi bắc Việt Nam, đã phân chia 8 kiểu dạng sống chính là: kiểu cây gỗ, kiểu cây bụi, kiểu cây bụi thân bò, kiểu cây bụi nhỏ, kiểu cây bụi nhỏ bò, kiểu nửa bụi, kiểu thực vật có khả năng tạo chồi mới từ rễ, kiểu cây thảo có hệ rễ cái sống lâu năm [11].
Phan Nguyên Hồng (1991) [27], khi nghiên cứu hình thái thảm thực vật rừng ngập mặn Việt Nam đã chia thành 7 dạng sống cơ bản: cây gỗ (G), cây bụi (B), cây thân thảo (T), dây leo (L), cây gỗ thấp hoặc dạng cây bụi (G/B), ký sinh (K), bì sinh (B).
Áp dụng theo nguyên tắc của Raunkiaer, Nguyễn Bá Thụ, Phùng Ngọc Lan, Nguyễn Nghĩa Thìn (1997) [40] đã xây dựng phổ dạng sống của hệ thực vật Vườn quốc gia Cúc Phương là:
SB = 57,8Ph + 10,5Ch + 12,4He + 8,3Cr + 11,0Th
Phạm Hồng Ban (1999) [6], nghiên cứu tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái sau nương rẫy vùng Tây Nam Nghệ An, áp dụng khung phân loại của Raunkiaer để phân chia dạng sống, phổ dạng sống là:
SB = 67,40Ph + 7,33Ch + 12,62He + 8,53Cr + 4,09Th
Đặng Kim Vui (2002), [50] nghiên cứu đặc điểm cấu trúc rừng phục hồi sau nương rẫy ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã phân chia dạng sống thực vật dựa vào hình thái cây: cây gỗ, cây bụi, cây leo và cây cỏ, đồng thời ông đã xác định được có 17 kiểu dạng sống, trong đó có 5 kiểu dạng cây bụi (cây bụi; cây bụi thân bò; cây bụi nhỏ; cây bụi nhỏ thân bò; cây nửa bụi).
Nguyễn Thế Hưng (2003), khi nghiên cứu dạng sống thực vật trong các trạng thái thảm thực vật tại Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã kết luận: nhóm cây
chồi trên đất có 196 loài chiếm 60,49% tổng số loài của toàn hệ thực vật; nhóm cây chồi sát đất có 26 loài chiếm 8,02%; nhóm cây chồi nửa ẩn có 43 loài chiếm 13,27%; nhóm cây chồi ẩn có 24 loài chiếm 7,47%; nhóm cây 1 năm có 35 loài chiếm 10,80% [27].
Phạm Ngọc Thường (2003), khi nghiên cứu thảm thực vật sau nương rẫy ở Thái Nguyên và Bắc Kạn đã cho kết quả phổ dạng sống của hệ thực vật là:
SB = 56,37Ph + 12,73Ch + 14,23He +8,80Cr + 7,87Th
Lê Ngọc Công (2004) [11], khi nghiên cứu quá trình phục hồi rừng bằng khoanh nuôi trên một số thảm thực vật ở Thái Nguyên đã phân chia thực vật thành các nhóm dạng sống sau: cây gỗ; cây bụi; cây cỏ và dây leo.
Ngô Tiến Dũng (2004) [15] nghiên cứu tính đa dạng thực vật ở Vườn quốc gia Yok Don đã lập được phổ dạng sống của thực vật Yok Don là:
SB = 71,73Ph + 1,41Ch + 7,77He + 4,59Cr + 6Th
Vũ Thị Liên (2005), [30] phân chia dạng sống thực vật trong thảm thực vật sau nương rẫy ở Sơn La theo thang phân loại của Raunkiaer. Kết quả phổ dạng sống như sau:
SB = 69,69Ph + 3,76Ch + 9,29He + 10,84Cr + 6,42Th