Các nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty TNHH Gốm sứ Bát Tràng (Trang 32)

Tài sản là một yếu tố không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Việc tổ chức sử dụng tài sản trong các doanh nghiệp đều dựa trên những cơ sở chung nhất định. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong việc sử dụng tài sản thì mỗi doanh nghiệp có những biện pháp riêng phù hợp với đặc điểm kinh doanh của mình. Ngoài việc sử dụng các chỉ tiêu trên để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản, doanh nghiệp cần nắm rõ các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng tài sản. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản trong doanh nghiệp.

Một số nhân tố có ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp có thể kể tới là: trình độ của cán bộ quản lý, tay nghề của công nhân; Mục tiêu và đặc điểm của ngành nghề sản xuất kinh doanh; Năng lực quản lý

tài sản của doanh nghiệp… Sau đây ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn một số nhân tố chính.

1.3.1.1 Trình độ cán bộ quản lý và tay nghề của công nhân

Mỗi doanh nghiệp muốn tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh không thể thiếu các yếu tố cơ bản như: sức lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động. Trong đó có thể thấy con người là nhân tố quan trọng trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với khả năng sáng tạo không giới hạn, con người đóng vai trò quyết định đến hiệu quả công việc nói chung và hiệu quả sử dụng tài sản nói riêng đặc biệt là trình độ cán bộ quản lý và tay nghề của công nhân.

Thứ nhất: về trình độ của cán bộ quản lý: Trình độ cán bộ quản lý thể

hiện ở trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tổ chức, quản lý, và đưa ra quyết định kịp thời, chính xác đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp, cán bộ quản lý là người đề ra phương hướng, cách thức tiến hành sản xuất và cũng là người đánh giá, rút kinh nghiệm chung. Mỗi quyết định của nhà quản lý ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận, hiệu quả công việc trong toàn doanh nghiệp. Do đó, nếu trình độ của cán bộ quản lý tốt, chuyên môn vững vàng đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp cũng như diễn biến của thị trường đầu vào, đầu ra thì hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp cao. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ngày càng vững mạnh. Ngược lại, trình độ quản lý yếu kém, tổ chức không khoa học, quyết định sai lầm sẽ tạo ra những thất bại cho doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ, phá sản. Như vậy, trình độ cán bộ quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản trong doanh nghiệp. Do đó, bộ phận quản lý cần có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời để tạo ra hiệu quả kinh tế. Muốn vậy doanh nghiệp cần có

những chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài, cống hiến cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Thứ hai: tay nghề của công nhân, có ảnh hưởng lớn tới việc nâng cao

hiệu quả sử dụng tài sản trong doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như sản xuất, xây dựng. Công nhân lao động thường không trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm về các tài sản nhưng lại là đối tượng sử dụng tài sản để tạo ra các sản phẩm. Khi người công nhân có kiến thức, kinh nghiệm sẽ biết cách sử dụng tài sản đúng mục đích, hiệu quả, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, đối với tài sản cố định, được sử dụng cho nhiều chu kỳ sản xuất thì tay nghề của công nhân còn quyết định đến tuổi thọ kinh tế cũng như năng lực sản xuất của máy móc, thiết bị. Ngược lại, khi công nhân có trình độ kém, chưa qua đào tạo lại thiếu kinh nghiệm sẽ gây ra cản trở lớn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.

1.3.1.2 Mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Trong từng gian đoạn, doanh nghiệp có mục tiêu cụ thể như tăng doanh thu, giảm chi phí, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh…Do đó, dựa vào mục tiêu sản xuất kinh doanh của mình mà doanh nghiệp quyết định việc đầu tư vào từng loại tài sản với quy mô, nội dung như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất tránh sự lãng phí vốn đầu tư.

Trong trường hợp doanh nghiệp muốn tăng doanh thu phải tăng cường đầu tư vào tài sản ngắn hạn và dài hạn. Tăng cường lượng hàng tồn kho, tăng tiền và các khoản tương tiền nhằm đảm bảo nhu cầu vật tư cho sản xuất và chi trả các giao dịch khác, thanh toán tiền lương cho cán bộ, công nhân. Để tăng lượng hàng sản xuất nhằm tăng doanh thu, doanh nghiệp cũng cần tăng năng lực sản xuất của tài sản dài hạn trong đó có tài sản cố định. Nếu doanh nghiệp quyết định tăng khả năng sản xuất bằng cách tăng thời gian hoạt động của máy

móc, tăng thời gian lao động của công nhân thì doanh nghiệp sẽ phải tăng đầu tư vào tài sản ngắn hạn nhiều hơn so với tài sản dài hạn. Ngược lại, khi doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị thì cơ cấu tài sản ngắn hạn thường tăng chậm hơn so với tài sản dài hạn. Như vậy, tương ứng với từng mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong từng giai đoạn doanh nghiệp sẽ quyết định đầu tư vào tài sản, cơ cấu tài sản từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng tài sản chung của doanh nghiệp.

1.3.1.3 Đặc điểm sản xuất kinh doanh

Hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp thường được thực hiện trong một hoặc một số ngành kinh doanh nhất định. Mỗi ngành kinh doanh có những đặc điểm kinh tế - kỹ thuật riêng có ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp.

Thông thường, những doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ thì tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao hơn, tốc độ chu chuyển của tài sản ngắn hạn cũng nhanh hơn so với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng.

Những doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm có chu kỳ ngắn thì nhu cầu tài sản ngắn hạn giữa các năm thường ít biến động. Ngược lại, những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm có chu kỳ dài, vốn bị đọng nhiều thì yêu cầu đầu tư vào tài sản ngắn hạn nhiều hơn để đảm bảo cho quá trình sản xuất, kinh doanh diễn ra thường xuyên, liên tục.

Mỗi doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề khác nhau, sản xuất tiêu thụ các sản phẩm khác nhau do vậy có những doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất kinh doanh dài nhưng có những doanh nghiệp chu kỳ sản xuất ngắn hơn điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc quyết định của doanh nghiệp trong việc đầu tư và sử dụng tài sản. Như vậy, các doanh nghiệp có đặc điểm kinh doanh khác nhau sẽ có tỷ lệ tài sản ngắn hạn và dài hạn khác nhau. Doanh nghiệp

thực hiện các chính sách tín dụng thương mại, chính sách hàng tồn kho, quản lý tiền mặt khác nhau dẫn đến tỷ trọng các khoản phải thu, lượng hàng tồn kho, tiền mặt dự trữ khác nhau. Do đó, đặc điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp.

1.3.1.4 Năng lực quản lý tài sản của doanh nghiệp

Năng lực quản lý tài sản của doanh nghiệp được thể hiện qua hiệu quả sử dụng, quản lý các loại tài sản như tiền mặt, quản lý dự trữ, tồn kho, quản lý các khoản phải thu, quản lý tài sản cố định,…Khi khả năng quản lý tài sản của doanh nghiệp tốt có tác dụng đẩy mạnh quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại khi các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản cho thấy năng lực quản lý còn nhiều hạn chế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu về doanh thu, tài sản, lợi nhuận,…Như vậy, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp phải quan tâm tới việc sử dụng các chỉ tiêu kinh tế đo lường hiệu quả sử dụng tài sản, phản ánh năng lực quản lý tài sản của doanh nghiệp mình để kịp thời đưa ra các biện pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản tại Công ty TNHH Gốm sứ Bát Tràng (Trang 32)