- Ngân hàng Nhà nước nâng cao hơn nữa vai trò nhà quản lý vĩ mô của mình, đưa ra những chiến lược, định hướng mang tính khái quát và chung nhất cho các NHTM. Những điều chỉnh trong chính sách lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc... định hướng về các ngành mũi nhọn cần đầu tư hay vừng kinh tế tiềm năng có ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của các Ngân hàng. NHNN thực hiện việc quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động của các NHTM song cũng cần đảm bảo tính độc lập tự chủ, để các NHTM mềm dẻo, linh hoạt thích nghi với thị trường.
- Trong quá trình ban hành các văn bản chế độ chính sách, Ngân hàng Nhà nước nên căn cứ trên bài học kinh nghiệm của các nước phát triển, những lỗ hổng trong các văn bản để xây dựng và sử đổi cho kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn như các quy định về điều kiện vay vốn, tài sản đảm bảo... Bên cạnh đó cũng cần có văn bản hướng dẫn thực hiện, có bộ phận kiểm tra để ngăn chặn những sai phạm, để chấn chỉnh kịp thời cũng như phát hiện những điều không phù hợp trong chính sách, quy định để kịp thời sửa đổi.
- Công tác thanh tra, kiểm tra hệ thống ngân hàng cần được đổi mới để đơn giản hơn, bớt tốn kém nhân lực, chi phí và thời gian như hiện nay mà vẫn hiệu quả như: đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các thanh tra thường xuyên, hạn chế thủ tục tiếp đón tốn kém lãng phí, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác kiểm tra cho nhanh chóng, hiệu quả.
- Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, trường Đại học, các Viện có uy tín trong nước soạn thảo chương trình bổ túc kiến thức về nghiệp vụ, kinh tế, chính trị xã hội, công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng để đội ngũ cán bộ Ngân hàng có điều kiện trau dồi và tiếp nhận các kiến thức mới. Trình độ kiến thức, tư tưởng của cán bộ nhân viên Ngân hàng có được nâng cao thì mới có khả năng vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước một cách đúng đắn và nhanh chóng. Đặc biệt trong thời đại thông tin như ngày nay, nhân viên ngành Ngân hàng cần phải có một vốn kiến thức tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ được giao và tránh tụt hậu quá xa so với khu vực và thế giới.
- NHNN cần tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu với chủ trương tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng được ưu tiên về vốn vay.
- NHNN tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống Thông tin tín dụng của Ngành ngân hàng, đảm bảo gánh vác và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thúc đẩy toàn Ngành thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động thông tin tín dụng, các quyết định, chỉ thị của NHNN để góp phần nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Trong đó đặc biệt, NHNN cần phải chủ trương cải thiện hơn nữa chất lượng thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN (CIC) nhằm phát huy hiệu quả thực sự của trung tâm này. NHNN cần quy định sử dụng Báo cáo thông tin từ CIC như là một tài liệu bắt buộc phải có trong quá trình thẩm định cho vay của các ngân hàng. Cùng với đó, CIC nên tiếp tục khai thác tối đa các ưu thế về công nghệ, xây dựng thành công hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế để có thể phục vụ được số lượng rất lớn người truy cập với tốc độ cao, mọi lúc, mọi nơi, đưa thông tin đến với tất cả mọi đối tượng.