3.2.2.1. Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng đối với DNV&N
Hoạt động tín dụng là nghiệp vụ lớn nhất và chủ yếu của các ngân hàng thương mại. Thu nhập từ hoạt động tín dụng cũng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trên tổng thu nhập của các ngân hàng nhưng kèm theo đó là tính rủi ro. Rủi ro tín dụng là khả năng xảy ra tổn thất cho tổ chức tín dụng trong trường hợp khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo cam kết.
Thẩm định là một công đoạn không thể thiếu trước khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp, là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định cho vay của ngân hàng, xa
hơn là ảnh hưởng đến hiệu quả đồng vốn mà ngân hàng bỏ ra. Chất lượng thẩm định chính là yếu tố quyết định chất lượng của hoạt động tín dụng. Nếu quá trình thẩm định không được xem xét kỹ lưỡng thì khả năng tiềm ẩn rủi ro tín dụng sẽ rất cao. Để nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, kế hoạch sử dụng vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có một số biện pháp như sau:
- Tăng cường công tác phân loại khách hàng một cách thường xuyên để xây dựng nền khách hàng vững chắc đồng thời phát triển thêm các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực tài chính, trình độ quản lý tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, kinh doanh hiệu quả.
- Cán bộ thẩm định cần thường xuyên thu thập những thông tin về diễn biến của nền kinh tế, những điều chỉnh trong cơ chế, chính sách có liên quan đến các ngành, các linh vực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Nâng cao chất lượng thông tin và dự báo rủi ro trong hoạt động kinh doanh, hoàn thiện hệ thống thông tin, báo cáo thống kê thẩm định và lưu trữ hồ sơ.
- Tổ chức tìm hiểu, thu thập thông tin, phỏng vấn tham quan doanh nghiệp một cách nghiêm túc hơn nữa, qua đó đánh giá được khả năng điều hành sản xuất kinh doanh của ban lãnh đạo doanh nghiệp qua năng lực tổ chức, trình độ chuyên môn cũng như uy tín của người lãnh đạo.
- Hiện nay, tại Chi nhánh, công tác thẩm định dự án đầu tư, phương án kinh doanh mới chỉ dựa trên các chỉ tiêu tài chính. Để có kết quả chính xác hơn trong quá trình thẩm định, cán bộ ngân hàng cần áp dụng các biện pháp thẩm định mới như đánh giá dự án dựa trên các tình huống có thể xảy ra, trên cơ sở đó so sánh và đánh giá độ nhạy của dự án đó để xem xét quyết định cho vay.
- Cán bộ thẩm định nên tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm về các lĩnh vực khác như thẩm định về phương diện kỹ thuật, các thông số kỹ thuật máy móc, chất lượng máy móc, để từ đó phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn.
- Trong phạm vi chi nhánh, cần kiện toàn tổ chức của phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ hai hoạt động thẩm định và tín dụng. Càng ngày nội dung thẩm định càng bao trùm nhiều lĩnh vực, nên phân chia cán bộ phụ trách cho từng lĩnh vực
như thương mại, chế biến, xây dựng... sẽ phát huy được năng lực chuyên môn của từng cán bộ. Đối với những dự án thuộc những lĩnh vực đặc thù nên thuê chuyên gia, nhà tư vấn hỗ trợ trong quá trình thẩm định. Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian thẩm định, hơn nữa, kết quả thẩm định cũng chính xác hơn và dẫn đến chất lượng công tác thẩm định tại ngân hàng cũng được nâng cao.
3.2.2.2. Đa dạng hóa hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hiện nay, tại Chi nhánh các sản phẩm, dịch vụ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ rất đa dạng, đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu của các doanh nghiệp cũng thay đổi, vì vậy để nâng cao sự cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác thì một giải phải quan trong cần áp dụng là không ngừng xây dựng và đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với các DNV&N trong từng thời kỳ trên địa bàn thánh phố đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của khách hàng và khai thác tối đa thế mạnh của SHB.
Ngày càng có nhiều dự án với quy mô lớn song một ngân hàng với các quy định cho vay của mình nhằm hạn chế bớt rủi ro khi cho vay thì cho vay đồng tài trợ là một hình thức thích hợp. Khi ấy, Chi nhánh cùng với một nhóm các tổ chức tín dụng khác sẽ cùng cho vay với một dự án hoặc một phương án vay vốn của khách hàng. Với hình thức cho vay này, Chi nhánh sẽ thiết lập được nhiều mối quan hệ hơn với các tổ chức tín dụng cũng như với các doanh nghiệp. Chi nhánh không chỉ thu được lợi nhuận trước mắt mà còn phân tán được rủi ro, nâng cao uy tín và tích lũy thêm kinh nghiệm.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nhu cầu đổi mới công nghệ thay mới trang thiết bị máy móc, phương tiện vẩn tải, đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà kho phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh là một nhu cầu cần thiết nhằm nâng cao tính cạnh tranh, sản xuất ra các sản phẩm giá rẻ và chất lượng cao. Vì vây, một giải pháp về vốn dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được nghiên cứu và triển khai. Chi nhánh có thể phối hợp thực hiện cho vay bằng nguồn vốn ủy thác với một số cơ quan, tổ chức quốc tế khác để thực hiên chương trình này nhằm giải quyết tối đa nhu cầu về vốn cho loại hình doanh
nghiệp này, đặc biệt trong cho vay trung và dài hạn với chính sách ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay.
Hơn thế nữa, chi nhánh cũng cần nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra nhiều sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là các khoản cho vay có tính linh hoạt cao đáp ứng các yêu cầu tài chính của từng doanh nghiệp bao gồm thấu chi và cho vay có kỳ hạn, tài khoản phát hành séc, ngân hàng qua điện thoại và internet, dịch vụ tài trợ thương mại, dịch vụ cung cấp tài liệu và xác nhận, dịch vụ thương mại bao gồm chỉ định thanh toán tiền hàng, ghi nợ trực tiếp từ tài khoản của khách hàng và thẻ tín dụng, các sản phẩm bảo hiểm cho bên thứ 3 theo ủy thác.
Thêm vào đó, chính sách lãi suất của Chi nhánh cần phải linh hoạt, hợp lý theo đối tượng vay vốn trong từng thời kỳ nhất định, có thể đưa thành các gói sản phẩm dành riêng cho từng đối tượng. Với những doanh nghiệp có quan hệ lâu năm, có uy tín và là những khách hàng truyền thống có thể được hưởng mức lãi suất vay thấp hơn. Chi nhánh có thể có những ưu đãi về lãi suất cho vay theo ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước đang khuyến khích ưu tiên phát triển. Những ưu tiên này sẽ có tác dụng rất to lớn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ không những giảm được chi phí vốn mà còn tích cực hơn trong việc sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo chất lượng trong quan hệ tín dụng với ngân hàng. Điều này sẽ như một lực đẩy góp phần làm gia tăng, gắn chặt hơn nữa mối quan hệ thân thiết giữa khách hàng và Chi nhánh.
3.2.2.3. Xây dựng quy trình tín dụng phù hợp đối với DNV&N
Hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng như các doanh nghiệp khác muốn tồn tại và phát triển cần phải liên tục tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh phát triển thị trường mà mình chưa hoạt động hiệu quả. Khi xây dựng cơ chế, chính sách cần phải có quan điểm kinh doanh và phục vụ rõ ràng không được coi trọng mặt này xem nhẹ mặt kia. Do đó những cán bộ làm cơ chế phải tôn trọng quan điểm này, để khi xác định mục tiêu hay nội dung của chính sách cơ chế phải nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của mình một cách tốt nhất.
Đối với khách hàng nói chung và nhất là khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng: quy trình tín dụng ngân hàng phải phù hợp với mục đích sử dụng của khách hàng với lãi suất và kỳ hạn hợp lý, thủ tục đơn giản thuận tiện thu hút được nhiều khách hàng nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích ngân hàng.
Ngoài ra Chi nhánh có thể lập một bộ phận chuyên trách về cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bộ phận tín dụng hay thành lập một quỹ cho vay riêng đối với loại hình doanh nghiệp này nhằm tăng tính chuyên nghiệp khi cho vay.
Như vậy, việc thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình tín dụng cũng như các thủ tục cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng ngày càng phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tiễn sẽ khiến cho mối quan hệ tín dụng giữa Chi nhánh và khách hàng thực sự mang lại lợi ích cho cả hai bên.