Nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn ngôn ngữ DTTS

Một phần của tài liệu Các hình thức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong dạy học ở trường tiểu học vùng đông bắc Việt Nam (Trang 40 - 42)

Việt Nam là một quốc gia đa DT thống nhất với 54 DT. Mỗi DT có nền văn hoá và ngôn ngữ riêng của mình hợp thành văn hoá DT Việt Nam. Cũng như văn hoá và ngôn ngữ của người Kinh và các DTTS khác, văn hoá và ngôn ngữ của đồng bào DTTS Đông Bắc luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hoá, ngôn ngữ DT Việt Nam, làm cho kho tàng văn hoá, ngôn ngữ của cộng đồng ngày càng phong phú, đa dạng.

Văn hoá và ngôn ngữ các DTTS là thành tựu sáng tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, là sự ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển của đồng bào các DT. Do vậy, văn hoá và ngôn ngữ DT có vai trò quan trọng trong việc nhận biết, khám phá nguồn gốc của từng tộc người nói riêng, góp phần tạo nên những cứ liệu để tìm hiểu, nghiên cứu nguồn gốc quốc gia DT nói chung.

Giữ gìn và phát triển ngôn ngữ DTTS giúp đồng bào có thêm hiểu biết về cội nguồn của DT, có trình độ nhận thức để cảm nhận, khám phá cũng như khai thác, sử dụng các giá trị của nền văn hoá truyền thống của DT mình.

Bảo tồn ngôn ngữ DTTS có tác dụng giáo dục quan trọng và ý nghĩa thiết thực trong giải thích và chinh phục tự nhiên, khám phá và xây dựng cuộc sống. Đây là cơ sở để đồng bào DTTS thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội khu vực miền núi.

Kho tàng văn hoá của các DT chứa đựng rất nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá về việc dựng nước và giữ nước, kinh nghiệm sản xuất, phong tục, tập quán, lối sống,… của từng tộc người. Trong đó, hệ thống luật tục của tộc người có vai trò giáo dục và cố kết cộng đồng sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết các mâu thuẫn thường nhật của con người, bình ổn cuộc sống, bồi dưỡng ý thức và đạo đức con người. Một khi luật tục của đồng bào

DTTS phù hợp với hệ thống pháp luật của Nhà nước, khi đó sẽ tạo nên sự ủng hộ và tự giác thực hiện của đồng bào, góp phần duy trì và giữ vững trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, là cơ sở thuận lợi cho các nhà quản lý xây dựng các chính sách kinh tế, văn hoá, giáo dục,… phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và phong tục tập quán của đồng bào DTTS.

Bảo tồn ngôn ngữ DTTS góp phần quan trọng trong việc tạo ra sự bình đẳng giữa các DT, tăng cường sự đoàn kết giữa các DT. Đồng bào DTTS không chỉ sử dụng ngôn ngữ của mình trong gia đình, nội bộ tộc người mà còn được quyền sử dụng nó ở trường học, toà án, các cơ quan Nhà nước,… Việc sử dụng ngôn ngữ của DT mình tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đồng bào DTTS bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân mình trước các vấn đề của cuộc sống.

Nhà trường là nơi đảm nhận các chức năng giáo dục, là điều kiện nhất thiết để truyền tải văn hoá, là cơ sở để ngôn ngữ tồn tại theo hướng hoàn thiện. Trong đó, văn hoá là nguồn dữ liệu tất yếu và ngôn ngữ chữ viết, ngôn ngữ nói là phương tiện giúp nhà trường giáo dục con em đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, trình độ, hình thành và phát triển nhân cách theo hướng hoàn thiện. Thực tế cho thấy, học sinh DTTS khi bước vào học tiểu học thì khả năng sử dụng tiếng Việt của các em còn khá yếu. Mặc dù các em đã được học nghe và nói tiếng Việt ở trường mầm non nhưng nhiều em vẫn chưa thể sử dụng được ngôn ngữ phổ thông này trong quá trình học tập. Do đó, việc sử dụng ngôn ngữ DT trong việc giáo dục sẽ tạo thuận lợi cho học tập, rèn luyện của học sinh DTTS. Đồng thời góp phần giúp các em có thêm cơ hội sử dụng tiếng mẹ đẻ, thêm yêu ngôn ngữ của DT mình và có ý thức giữ gìn và phát triển nó.

Đông Bắc Việt Nam là vùng có địa hình núi non hiểm trở, có nhiều tỉnh nằm giáp biên giới, mật độ dân cư thưa thớt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, nhiều tập tục lạc hậu vẫn được đồng bào duy trì thực hiện. Tuy nhiên, đồng bào nơi đây có lối sống giản dị, sống

chan hoà với thiên nhiên. Do vậy, việc duy trì lối sống tốt đẹp và gạn bỏ những tư tưởng, tập tục lạc hậu của đồng bào sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội theo hướng tích cực. Qua đó nâng cao đời sống văn hoá cho đồng bào và cho địa phương, khu vực. Trong nhiều thập niên trở lại đây, có nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động văn hoá trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu và nghiên cứu văn hoá của đồng bào nơi đây. Và tất yếu, để có được những hiểu biết đó, họ cần quan tâm đến ngôn ngữ. Ngôn ngữ DTTS là chìa khoá để khám phá văn hoá của đồng bào DT. Chính vì vậy, bảo tồn ngôn ngữ DT có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần bảo tồn nền văn hoá bản địa.

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn văn hoá, ngôn ngữ của đồng bào DTTS, nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo và đi vào cuộc sống. Do vậy, việc giữ gìn và phát triển văn hoá, ngôn ngữ DTTS có ý nghĩa kiểm định sự đúng đắn cả về mặt lý luận và thực tiễn của các chủ trương, đường lối đó. Qua đó, tạo cho đồng bào DTTS có nhận thức sâu sắc và niềm tin vào chế độ chính trị, vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân thống nhất và bền chặt, xây dựng đời sống đồng bào ngày càng phát triển bền vững.

Trong xu thế quốc tế hoá hiện nay, việc gìn giữ và phát triển văn hoá, ngôn ngữ DTTS có ý nghĩa quốc tế quan trọng. Nó làm cho bức tranh ngôn ngữ quốc tế trở nên phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc.

Một phần của tài liệu Các hình thức bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong dạy học ở trường tiểu học vùng đông bắc Việt Nam (Trang 40 - 42)