Viêm xương chũm cấp tính là viêm tổ chức xương chung quanh sào bào có kèm theo những triệu chứng viêm rõ rệt. Quy trình viêm xương kéo dài không quá ba tháng. Với cách định nghĩa này, chúng ta có thể loại ra phản ứng xương chũm thường gặp trong viêm tai cấp do mủ ứ đọng trong sào bào vì trong "phản ứng", xương chũm đau nhưng không có bệnh tích xương và sẽ khỏi trong vòng vài ngày.
1. Nguyên nhân.
Nguyên nhân của viêm xương chũm cấp tính là viêm tai giữa, (viêm tai giữa có thể tiềm tàng hoặc rõ rệt).
Trong trường hợp không có triệu chứng viêm tai giữa rõ rệt (không chảy mủ) chúng ta có thể đặt nghi vấn có phải là viêm xương chũm nguyên phát, nhưng thật ra chỉ là nguyên phát giả hiệu. Tai tuy không chảy mủ nhưng có bệnh tích viêm, tuy viêm chỉ lướt qua tai giữa nhưng lại ngoạm vào xương chũm.
Trong trường hợp màng nhĩ thủng và chảy mủ thì nguyên nhân do tai là hoàn toàn rõ rệt.
Viêm tai giữa có thể gây ra viêm xương chũm cấp do những yếu tố sau đây:
Các sai lầm về điều trị: Không chích rạch màng nhĩ, hoặc có chích rạch nhưng quá muộn; lỗ thủng không dẫn lưu được mủ; khi rửa tai bơm nước quá mạnh.
Bệnh nhiễm trùng nặng làm mất sức đề kháng như sởi, cúm...
Vi trùng: Streptôcôc tan huyết và pneumococcus mucosus hay đưa đến viêm xương chũm hơn các loại khác.
Cấu tạo của xương chũm: những xương chũm thông bào nhiều đễ bị viêm cấp
hơn loại xốp hoặc loại đặc ngà.
Thể địa suy yếu: nhất là ở những trẻ em ốm yếu, suy dinh dưỡng. 2. Giải phẫu bệnh học.
Bệnh tích thường lan rộng khắp các tế bào chũm, trước tiên là những tế bào chung quanh sào bào rồi đến nhóm tế bào giữa dây thần kinh mặt và xoang tĩnh mạch, nhóm tế bào mỏm chũm, nhóm tế bào trên xoang tĩnh mạch, nhóm tế bào sau xoang tĩnh mạch, nhóm tế bào giữa cơ nhị thân và tĩnh mạch cảnh trong của Murê, nhóm tế bào mỏm tiếp...
a. Bệnh tích niêm mạc.
Niêm mạc của các tế bào chũm gồm có lớp biểu mô mỏng cấu tạo bởi tế bào dẹt
và lớp đệm trong đó không có tổ chức lymphô, không có tổ chức tuyến. Khi bị viêm
niêm mạc rỉ mủ, còn lớp dưới niêm mạc sinh ra hạt nụ.
b. Bệnh tích xương.
Bệnh tích chủ yếu là viêm loãng xương (osléite raréflante) và viêm tắc mạch máu xương. Các vách ngăn bị phá vỡ dần, các ổ mủ tập hợp lại thành túi mủ.
Đôi khi xương bị chết từng khối và biến thành khối xương mục, lớp vỏ ngoài của xương chũm bị thủng và mủ xuất ngoại dưới cốt mạc hoặc dưới đa. Mủ cũng có thể ăn mòn lớp vỏ trong của xương chũm và đổ vào nội sọ.
Hiện tượng phản ứng xương hình thành một lớp dày đặc bao vây chung quanh ổ mủ rất ít thấy trong viêm xương chũm cấp tính.
3. Triệu chứng.
Viêm xương chũm cấp tính thể hiện trên lâm sàng bằng nhiều bệnh cảnh khác nhau.
Giai đoạn đầu:
Bệnh nhân bị viêm tai giữa cấp khoảng ba tuần. Các triệu chứng chức năng và toàn thân đang dịu dần bỗng nhiên tăng lên. Tai đau theo nhịp đập, đau sau xương chũm lan xuống cổ và nửa bên đầu. Nhiệt độ cũng lên trở lại, nhất là về chiều. Mủ vàng đặc như kem và nhiều. Bệnh nhân kêu đau khi chúng ta ấn vào xương chũm. Ở
trẻ em thường có triệu chứng màng não như nôn, co giật, cứng gáy... Trước những
triệu chứng nói trên chúng ta phải khám lại màng nhĩ và chụp X quang xương chũm.
Giai đoạn toàn phát: viêm nội bộ xương chũm.
Các triệu chứng viêm xương chũm trở nên rõ rệt.