Qua điều tra, phỏng vấn và nghiên cứu 3 xã Khang Ninh, Cao Thượng và Quảng Khê trong những năm qua chưa có cơ quan chuyên ngành nào đưa ra định hướng phát triển các loài cây LSNG làm thực phẩm có giá trị kinh tế này mà chủ yếu do người dân tại các xã gây trồng từ lâu đời, cụ thể như sau:
* Rau rau sắng: là một trong những loài rau đặc sản của người dân vùng đệm VQG Ba Bể (hay còn gọi là rau ngót rừng). Giống này được trồng rải rác trên nương, xung quanh vườn nhà,...và ăn rất ngon. Từ trước đến nay, loại rau này là món đặc sản được nhiều người ưa dùng. Chồi non, lá, các cụm hoa và quả được sử dụng phổ biến làm rau ăn. Rau sắng có vị đậm đà đặc biệt có thể dùng nấu canh không có các loại thực phẩm khác nhưng vẫn ngọt đậm đà như có thêm thịt hoặc cá, Hàm lượng dinh dưỡng cao. Hạt của nó luộc hoặc rang ăn ngon như lạc. Phương thức trồng là trồng xen với cây ăn quả: Hồng không hạt, cây mắc mật...trồng trên các nương ngô. Giống chủ yếu là người dân đánh cây con từ rừng tự nhiên về trồng.
+ Nhận xét, đánh giá: Rau sắng là loài cây LSNG rất có giá trị không chỉ ăn ngon, giàu dinh dưỡng mà nó rất được khách du lịch ưa thích. Tại Ba Bể giá rau sắng có thời điểm lên tới 70 - 100ngàn đồng/kg. Như vậy có thể nói đây là một loài cây rất có tiềm năng. Tuy nhiên, do chưa được phổ biến về đặc điểm sinh thái của loài, biện pháp gây trồng, lựa chọn lập địa trồng phù hợp nên loài cây này chủ yếu được trồng theo sở thích và kinh nghiệm của người dân. Rau sắng thích hợp phát triển trên núi đá vôi do vậy những kinh nghiệm trồng của người dân là chưa thực sự thích hợp. Cần nhanh chóng phổ biến kỹ thuật trồng loài cây này và quy hoạch vùng trồng, tìm kiếm thị trường đầu ra. Đây có thể coi là loài cây có thể xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
* Trồng rau bò khai: Rau bò khai là cây trồng phổ biến của người dân tại 3 xã. Rau bò khai có hai loại là trắng và đỏ, ăn đều rất ngon tuy nhiên để làm thuốc thì loại
đỏ có giá trị cao hơn vì có nhiều chất dinh dưỡng quý. Lá bò khai là một vị thuốc thường được dùng để chữa các bệnh viêm thận, gan, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện không thông… với liều lượng hàng ngày là 12-14g, sắc nước uống. Theo kinh nghiệm của người dân thì người dân thường trồng xen với các cây ăn quả như hồng không hạt, nương ngô...Giống chủ yếu là người dân cắt từ cây mẹ trong rừng tự nhiên: Hom được lấy là những hom to, khỏe, không sâu bệnh, cắt hom đến đâu đem dâm đến đó và tưới đủ ẩm cho cây, sau 20 - 25 ngày hom ra rễ ở phía dưới và nảy chồi ở các đốt phía trên thì đem trồng.
Người dân lấy cây giống từ cây mẹ trong rừng tự nhiên rồi đem giâm
Khi hom nảy chồi người dân mang đi trồng tại vườn nhà
Nhìn chung, các biện pháp kỹ thuật được áp dụng trong gây trồng rau bò khai của người dân chủ yếu theo kinh nghiệm và khả năng nhận thức, vốn đầu tư của từng hộ gia đình, kiến thức bản địa được sử dụng là chủ yếu. Qua khảo sát đề tài nhận thấy, kỹ thuật gây trồng rau bò khai người dân áp dụng vẫn còn một số tồn tại chủ yếu sau:
+ Giống phụ thuộc vào tự nhiên, chưa chủ động được nguồn giống, mặt khác việc lựa chọn giống có năng suất, chất lượng cao chưa được thực hiện: các xã trong khu vực nghiên cứu chủ yếu là gây trồng cây rau bò khai trắng, còn cây rau bò khai tía là loài có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhưng chưa được người dân gây trồng rộng rãi.
+ Một phần không nhỏ người dân trồng rau bò khai bằng hạt nên lâu cho thu hoạch.
+ Việc trồng rau bò khai mang tính tự phát, không có quy hoạch cả về khu vực trồng lẫn việc tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm.
* Trồng rau gai: Rau gai được người dân địa phương gọi là rau hôi hay rau Péc khỉ vì rau này có mùi rất đặc trưng nhưng ăn rất ngon. Phần lớn rau gai được người dân ưa thích thứ 2 sau rau sắng. Rau gai không những dùng làm rau ăn mà còn dùng để chữa các bệnh về xương khớp, thận...
Cây rau gai mọc tự nhiên tại thôn Nà Hàn - Khang Ninh
Rau gai được gây trồng tại thôn Nà Niểm - Khang Ninh
Nhìn chung, các biện pháp kỹ thuật được áp dụng trong gây trồng rau gai của người dân chủ yếu theo kinh nghiệm và khả năng nhận thức, vốn đầu tư của từng hộ gia đình và sử dụng kiến thức bản địa được sử dụng là chủ yếu. Qua khảo sát đề tài nhận thấy, kỹ thuật gây trồng rau gai người dân áp dụng vẫn còn một số tồn tại chủ yếu sau:
+ Giống phụ thuộc vào tự nhiên, chưa chủ động được nguồn giống, mặt khác việc lựa chọn giống có năng suất, chất lượng cao chưa được thực hiện
+ Phần lớn rau gai chỉ được gây trồng ở những thôn vùng thấp, Còn những thôn vùng cao người dân chủ yếu là giữ lại và bảo vệ những cây mọc tự nhiên.
+ Việc trồng rau bò khai mang tính tự phát, không có quy hoạch cả về khu vực trồng lẫn việc tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm.
* Trồng tre măng bát độ: Cây tre được sử dụng làm nhà và làm các vật dụng trong nhà như rổ, rá...Măng tre được người dân sử dụng làm thức ăn, phơi khô để sử dụng dần hoặc làm măng ớt phục vụ gia đình và trên hết là đem bán cho khách du lịch, khi không có đủ thời gian chế biến đem măng tươi đi bán ngoài chợ. Tre bát độ được trồng từ tháng 3 - 5 âm lịch. Vật liệu trồng là những gốc cây bánh tẻ (có khi một đoạn thân gần gốc). Tre bát độ thường được trồng ở khe núi, hốc đá, nơi có đất tốt (màu đen) và ẩm, đây là kinh nghiệm lâu đời của người mông trong việc chọn đất trồng tre Bát độ. Thời gian thu hoạch măng tre bát độ từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch.
Qua kết quả điều tra, thảo luận và phỏng vấn cũng cho thấy, người dân ít chú ý cũng như ít có kinh nghiệm trong việc trồng các loài cây Lâm nghiệp. Kinh nghiệm về trồng và sử dụng tre bát độ là một kinh nghiệm quý cần được duy trì và phát huy. Việc sử dụng các sản phẩm của loài cây này cũng góp phần vào việc cung cấp nguyên liệu và thực phẩm cho người dân đồng thời cũng làm giảm sức ép của người dân tới tài nguyên rừng.