Giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Vai trò tham gia quản lý nhà nước của các cấp hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Trang 69)

Thứ nhất, nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý nhà nước về phụ nữ/bình đẳng giới

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước, một mặt là để thông qua đó thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, một mặt giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt hơn công tác quản lý của mình, nhưng mục tiêu cao nhất là đều hướng về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gắn với thực hiện các mục tiêu quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là lĩnh vực bình đẳng giới. Việc Nhà nước cần có một bộ máy quản lý về vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới là rất cần thiết.

Theo thu thập thông tin từ 83 nước trên thế giới về vấn đề tổ chức phụ nữ, bộ máy quản lý nhà nước về giới/phụ nữ, thì số liệu có được như sau:

13 nước có Bộ về Phụ nữ, 7 nước có Bộ về Giới, 10 nước có Bộ về Bình đẳng, 7 nước có Bộ Phụ nữ lồng ghép với vấn đề gia đình và trẻ em, 14 nước có Bộ phụ nữ lồng ghép với các nội dung khác, 5 nước có Bộ về các vấn đề có liên quan đến phụ nữ.

Ở cấp thấp hơn, 6 nước có Văn phòng/Vụ/Bộ phận trực thuộc Bộ phụ trách vấn đề phụ nữ/giới/bình đẳng và các vấn đề liên quan. 1 nước có Văn phòng về Phụ nữ trực thuộc Chính phủ, 3 nước có Văn phòng về Bình đẳng trực thuộc Chính phủ; 15 nước có Ủy ban Quốc gia/ Hội đồng quốc gia về vấn đề phụ nữ/ giới/ bình đẳng và các vấn đề liên quan;

Ngoài ra, 15 nước có các loại hình cơ quan khác phụ trách về vấn đề phụ nữ/giới/bình đẳng và các vấn đề liên quan

Ở Việt Nam hiện nay, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới (theo Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007). Ngày 18/3/2008, Bộ đã ban hành Quyết định số 363/QĐ- LĐTBXH thành lập Vụ Bình đẳng giới là đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn có Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Thứ trưởng bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ và một số đoàn thể Trung ương. Ủy ban nhân dân các cấp có Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện các sở, ngành.

Như vậy, bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới/phụ nữ gồm bộ máy chuyên trách là Vụ Bình đẳng giới và bộ máy kiêm nhiệm là Ủy ban/Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, chưa có một bộ máy chuyên trách đầy đủ theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Hơn nữa, trên thực tế, hoat động vì sự tiến bộ phụ nữ của Ủy ban/ Ban vì sự tiến bộ phụ nữ hiệu quả chưa cao do các thành viên chỉ là kiêm nhiệm, lại là lãnh đạo các ngành, nhiều lúc, nhiều nơi chưa thực sự đầu tư cho công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, vì vậy thành viên là lãnh đạo Hội phụ nữ các cấp thường là người tổ chức thực hiện các hoạt động của Ban dẫn đến hiệu quả tác động/lồng ghép giới vào các ngành, các lĩnh vực còn hạn chế. Bên cạnh đó, Vụ Bình đẳng giới mới thành lập, mặc dù đã có nhiều kết quả tốt trong việc tham mưu với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về lĩnh vực này nhưng chưa thực sự mạnh vì chỉ ở cấp Vụ.

Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ, đang thực hiện rất nhiều các hoạt động hướng tới phụ nữ và bình đẳng giới.

Vì vậy, để việc quản lý nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới và phụ nữ được thống nhất và hiệu quả hơn, tránh chồng chéo hoặc hình thức, nên chăng cần nghiên cứu mô hình Bộ phụ nữ/ Bộ bình đẳng giới, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Một số hoạt động của Bộ này có thể được thực hiện thông qua cơ chế phối hợp với cấp Trung ương của các đoàn thể, đặc biệt là Hội phụ nữ, hoặc có thể hoạt động độc lập. Khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp sẽ giảm bớt các hoạt động chồng chéo với hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, về nhận thức.

Lãnh đạo và cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn, nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của tổ chức đoàn thể nói chung, tổ chức Hội phụ nữ nói riêng, trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý.

Thực tế thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức khác đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, các buổi truyền thông về việc lồng ghép giới vào quá

trình xây dựng chính sách hoặc thực thi chính sách. Tuy nhiên, rất ít lãnh đạo các cơ quan đi dự mà thường cử cán bộ trẻ hoặc cán bộ nữ đi dự, vì vậy, mục đích đặt ra của các buổi truyền thông này chưa được như ý muốn.

Thứ ba, tăng cường luân chuyển cán bộ nữ nói chung và cán bộ Hội nói riêng để tạo nguồn cho các cơ quan Đảng, Nhà nước…

Trên thực tế, tại các địa phương đã thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ Hội các cấp sang công tác tại các cơ quan Đảng hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Đây thường là các cán bộ nữ có năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc luân chuyển này một mặt giúp cho cán bộ nữ phát huy được năng lực, sự sáng tạo của mình, mặt khác giúp cho cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước có thêm những cán bộ có khả năng, đặc biệt là có kinh nghiệm về lĩnh vực bình đẳng giới và các hoạt động vận động phụ nữ, vậc động cộng đồng. Chính vì vậy, cần mở rộng và tăng cường hơn nữa việc luân chuyển để phát huy tốt hơn vai trò của cán bộ Hội trong tham gia quản lý nhà nước.

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ chính sách và các điều kiện khác.

Tăng cường hỗ trợ chính sách và các điều kiện khác để Hội Liên hiệp phụ nữ nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào hoạt động quản lý nhà nước. Đó là các chính sách về hỗ trợ đào tạo cán bộ, hỗ trợ kinh phí hoạt động, phụ cấp cho cán bộ Hội, tạo điều kiện về trụ sở làm việc (cấp cơ sở)...Qua đó, giúp Hội có điều kiện tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Một phần của tài liệu Vai trò tham gia quản lý nhà nước của các cấp hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Trang 69)