7. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Việc giao con cho ai nuôi dưỡng, giáo dục
Sau khi cha mẹ ly hôn, con cái phải gánh chịu nhiều thiệt thòi về tâm lý, tình cảm cũng như những yếu tố khác trong đời sống. Chính vì vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của con cái trong quá trình giải quyết ly hôn luôn được pháp luật bảo vệ, mà trước hết là trong việc xác định người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục.
Giao con cho ai nuôi dưỡng, giáo dục là một vấn đề hết sức quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với cuộc sống, với tương lai của các con. Bởi vì người trực tiếp nuôi con là người cùng sống với con trong một mái nhà, là người có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển về nhân cách, trí tuệ, thể chất của người con. Một quyết định sai lầm khi giao con cho người kia nuôi có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục được. Do vậy, một trong những nội dung quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn là việc giao con cho ai nuôi dưỡng, giáo dục.
Khoản 2 Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định:
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác [28].
Theo quy định trên để xác định người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi cha mẹ ly hôn cần phải xem xét nhiều mặt, cụ thể như sau:
- Khi xem xét người trực tiếp nuôi con, tòa án cần tôn trọng sự thỏa thuận của cha mẹ.
Đây là một quy định thể hiện rõ tính ưu việt của pháp luật xã hội chủ nghĩa. So với những văn bản pháp luật dưới thời Mỹ Ngụy ở miền Nam Việt
Nam chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Với quan điểm giải quyết ly hôn trên cơ sở lỗi của hai vợ chồng, những quy định của luật về vấn đề giao con cho ai nuôi cũng theo hướng này. “Người không có lỗi trong việc làm tan vỡ gia đình sẽ đương nhiên có quyền nuôi con và quyền thăm nom, nghĩa vụ cấp dưỡng thuộc về người kia” [6]. Như vậy, việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dạy không phải xuất phát từ lợi ích của con mà dựa vào ai là người có lỗi dẫn đến ly hôn. Điều này là hết sức sai lầm vì chúng ta không thể đồng nhất giữa việc không có lỗi trong việc dẫn đến ly hôn với khả năng chăm sóc, giáo dục con tốt. Quy định này trái ngược hoàn toàn với Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000, nó không phải là vì quyền lợi của con mà như một sự trừng phạt đối với người có lỗi trong quan hệ vợ chồng.
Như chúng ta đã biết, theo nghĩa rộng quan hệ HN&GĐ cũng là một loại quan hệ dân sự. Vì vậy, rất nhiều trường hợp pháp luật cho phép các bên có quyền thỏa thuận và tôn trọng sự thỏa thuận đó. Việc giao con cho ai nuôi khi cha mẹ ly hôn cũng thuộc những trường hợp trên.
Cha, mẹ là người hiểu rõ nhất các điều kiện của bản thân mình để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái một cách tốt nhất. Do vậy, khi ly hôn cha mẹ có quyền thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con dựa trên những điều kiện về khả năng thực tế về thu nhập, thời gian chăm sóc, lối sống, đạo đức của mỗi bên để đi đến thống nhất về người trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải sự thỏa thuận nào cũng là hợp lý và vì quyền lợi mọi mặt của con. Có những trường hợp người không đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống cho con lại nhận nuôi con, còn người có đầy đủ khả năng lại trốn tránh trách nhiệm nuôi con. Tất nhiên, nếu như hai bên đã đi đến được thỏa thuận về mức cấp dưỡng phù hợp thì đã giải quyết được phần nào vấn đề. Nhưng cũng có những sự thỏa thuận về mức cấp dưỡng là không hợp
lý, sống với người trực tiếp nuôi con, đứa con sẽ không có cơ hội để học hành và phát triển trí tuệ. Nhưng do một bên là người vô trách nhiệm với con, một bên do căm ghét người kia nên cũng không cần đòi hỏi gì, chỉ cần được nuôi con là đủ. Như vậy, thỏa thuận đã đạt được nhưng thực tế thì nếu đứa con sống với người nhận nuôi con sẽ không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho chúng. Tình cảm riêng tư của cha mẹ đã làm mất đi những quyền lợi chính đáng của người con. Tòa án nên can thiệp vào sự thỏa thuận này vì dù sao đây cũng là một sự thỏa thuận không hợp lý.
Việc thỏa thuận người trực tiếp nuôi con phải vì quyền lợi mọi mặt của con. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 (Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP) chỉ rõ quyền lợi mọi mặt của con là “các điều kiện cho sự phát triển thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt nhất về tinh thần” [40]. Theo đó, quyền lợi mọi mặt của con bao gồm quyền lợi về mặt vật chất và tinh thần thể hiện qua quyền được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; quyền được tôn trọng ý kiến; quyền được học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Nếu việc thỏa thuận về người trực tiếp nuôi dưỡng không dựa trên quyền lợi mọi mặt của con thì tòa án không chấp nhận sự thỏa thuận này. Tòa án sẽ xem xét các điều kiện của cha, mẹ dựa trên quyền lợi mọi mặt của con để ra quyết định giao con cho người cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, vì mục đích của việc quy định cha mẹ thỏa thuận người trực tiếp nuôi con là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của con.
Ví dụ về trường hợp người cha, người mẹ thỏa thuận người trực tiếp nuôi con nhưng không đảm bảo về quyền và lợi ích của con khi cha mẹ ly hôn: Người mẹ vì trẻ tuổi, vẫn còn thích chơi bời, trong khi người cha thì bị nghiện hút, nhưng do con chung là con trai nên người cha vẫn muốn trực tiếp
nuôi con để có người nối dõi tông đường. Do vậy, hai bên cha mẹ đã thỏa thuận với nhau để con do người cha trực tiếp nuôi dưỡng. Ở đây, nếu tòa án công nhận sự thỏa thuận này của cha mẹ giao con cho người cha bị nghiện hút trực tiếp nuôi dưỡng, thì con cái dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống không tốt của người cha, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con sau này. Hơn nữa, khi người cha bị nghiện hút thì vấn đề đảm bảo vật chất cho con cũng bị hạn chế. Do đó, khi cha mẹ thỏa thuận người trực tiếp nuôi con không dựa trên quyền và lợi ích của con thì tòa án không công nhận sự thỏa thuận này.
Như vậy, yếu tố thỏa thuận của cha mẹ và vì quyền lợi mọi mặt của con luôn gắn kết, liên quan chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng là tốt nhất về thể chất và tinh thần cho con cái.
Trường hợp cha mẹ không tự thỏa thuận được việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng thì yêu cầu tòa án giải quyết. Tòa án sẽ dựa trên cơ sở hoàn cảnh thực tiễn và quyền lợi mọi mặt của con để quyết định ai là người trực tiếp nuôi con.
- Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Vấn đề này được quy định tại Khoản 2 Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000. Quy định này là sự cụ thể hóa quy định có vẻ trừu tượng của Điều 45 Luật HN&GĐ năm 1986: “...con còn bú giao cho người mẹ trực tiếp nuôi giữ...” [25]. Và có thể nói, độ tuổi mà Luật HN&GĐ năm 2000 quy định là cao hơn. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP đã cụ thể con dưới ba tuổi là con dưới ba mươi sáu tháng tuổi. Dưới ba tuổi hầu như mọi hoạt động của trẻ đều cần sự trông chừng của người lớn. Mọi vật xung quanh chúng đều mới lạ và khiến chúng thích thú cũng như sợ hãi. Nếu không có người dành thời gian trông nom thì nguy hiểm đối với trẻ con có thể nói là thường trực. Hơn nữa ở độ tuổi “còn bú” này, đứa trẻ nào cũng cần nguồn dinh dưỡng quý giá từ
người mẹ. Vì vậy, người gần gũi và chăm bẵm cho trẻ thường là mẹ. Người mẹ cũng là người khéo léo kiên nhẫn và chu đáo hơn trong việc nuôi con, đặc biệt là khi con còn nhỏ. Vì vậy, nếu không có lý do gì khác thì việc để cho người mẹ quyền trực tiếp nuôi con dưới ba tuổi là vì lợi ích mọi mặt của đứa trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào người mẹ cũng chăm sóc con tốt hơn người cha hoặc những người trong gia đình người cha. Nên việc giao con cho mẹ nuôi chỉ trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác. Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 hướng dẫn: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì có thể giao con dưới ba tuổi cho người bố hoặc người khác nuôi giữ” [41]. Như vậy, pháp luật tôn trọng quyền quyết định của cha mẹ. Các bên có quyền thỏa thuận ai sẽ là người trực tiếp nuôi con vì họ là những người nắm rõ nhất ai nuôi con thì tốt hơn. Quy định ưu tiên sự thỏa thuận của cha mẹ trong trường hợp này cũng giống như trong những trường hợp con trên ba tuổi. Điểm khác nhau của hai trường hợp là nếu như trường hợp con trên ba tuổi mà cha mẹ không có sự thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con thì tòa án sẽ xem xét về điều kiện của cả người cha lẫn người mẹ, và ai có điều kiện tốt hơn có thể đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con thì tòa án sẽ giao con cho người đó. Còn trong trường hợp con dưới ba tuổi, nếu cha mẹ mà không có sự thỏa thuận thì tòa án không cần xem xét điều kiện của cả hai bên vì luật đã quy định một nguyên tắc: “giao cho người mẹ”. Trường hợp này nhà làm luật đã dựa vào những điều kiện thực tế, khi con dưới ba tuổi thì ở với mẹ là tốt hơn cho con vì những lý do như chúng ta đã phân tích ở trên. Luật pháp đã mặc nhiên thừa nhận người mẹ là người có thể trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con tốt hơn trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cũng không phải là không có những ngoại lệ. Vì vậy, nhà làm luật đã nhấn mạnh cụm từ “về nguyên tắc”
cẩn thận vấn đề bằng thực tế. Nếu thực sự người mẹ không thể thực hiện được trách nhiệm trực tiếp nuôi con tốt bằng người cha mà hai bên cũng không có thỏa thuận trước thì tòa án cũng có thể không giao con cho người mẹ nuôi. Như vậy các nhà làm luật đã cố gắng lường trước mọi trường hợp và quy định một cách linh hoạt để khi xét xử tòa án có thể áp dụng pháp luật một cách đúng đắn và sát với thực tế nhất. Qua đó quy định về bảo vệ quyền lợi của trẻ em không bị rơi vào hình thức.
Việc tòa án quyết định giao con cho bên nào nuôi dưỡng, giáo dục trực tiếp, trên thực tế phải xem xét thận trọng các vấn đề: gắn bó tình cảm với con; điều kiện kinh tế; hoàn cảnh nghề nghiệp; thời gian, tư cách, đạo đức… Thông thường thực tế khi giải quyết những trường hợp này tòa án thường xem xét vấn đề về kinh tế nhiều hơn: nhà ở, thu nhập để quyết định người trực tiếp nuôi con.
- Việc lấy ý kiến của con từ đủ chín tuổi trở lên khi xem xét quyết định người trực tiếp nuôi con.
Xuất phát từ lợi ích của con, pháp luật đã quy định tại Khoản 2 Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000 như sau: “Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con” [28]. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP đã quy định cụ thể hơn: “nếu con từ đủ chín tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, tòa án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai” [40]. Việc hỏi ý kiến của con từ đủ chín tuổi trở lên muốn ở với ai là một thủ tục pháp lý bắt buộc khi tòa án giao con cho ai nuôi dưỡng, ngay cả trong trường hợp cha mẹ thỏa thuận với nhau về việc chăm sóc, nuôi dưỡng con. Khi ly hôn, cha mẹ vẫn có nghĩa vụ đảm bảo quyền và lợi ích mọi mặt của con, trong đó có quyền được tôn trọng ý kiến của con. Do vậy, cha mẹ cũng cần phải xem xét ý kiến của con về mong muốn được ở với ai, khi thỏa thuận người trực tiếp nuôi dưỡng.
Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP quy định trách nhiệm của tòa án phải hỏi ý kiến của con từ đủ chín tuổi trở lên, đảm bảo quyền được bày tỏ ý kiến của con, trước khi quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng. Đây là một điểm mới rất hợp lý trong quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 so với Luật HN&GĐ năm 1986. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quyền bày tỏ ý kiến của trẻ em - quyền cơ bản của trẻ em trong Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn: “Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về tất cả mọi vấn đề có tác động đến trẻ em, những quan điểm của trẻ em được coi trọng một cách thích ứng với tuổi và độ trưởng thành của các em” [18].
Tuy nhiên, theo luật việc hỏi nguyện vọng của con không có nghĩa là phải theo đúng nguyện vọng của con mà phải vì lợi ích của con để đưa ra quyết định hợp lý. Việc hỏi ý kiến của con về nguyện vọng muốn ở với ai khi cha mẹ ly hôn phải được tiến hành một cách khách quan, tránh sự tác động của cha mẹ.
Như vậy, trong bất kể trường hợp nào, tòa án quyết định giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng sau khi cha mẹ ly hôn đều dựa trên quyền lợi mọi mặt của con, đảm bảo cho con được trông nom, chăm sóc, nuôi dương, giáo dục tốt nhất.