7. Kết cấu của luận văn
2.3.2. Cấp dưỡng nuôi con
Trên thực tế cho thấy qua việc tìm hiểu các vụ việc ly hôn tại TAND huyện Phong Điền, TAND thành phố Huế và TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế thì vấn đề cấp dưỡng nuôi con đã được các tòa án giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật về cấp dưỡng nuôi con. Trường hợp nếu cha mẹ không tự thỏa thuận được thì tòa án cân nhắc quyết định trên các cơ sở chung nhưng cũng có nhiều trường hợp bên trực tiếp nuôi con không yêu cầu cấp dưỡng
nên tòa án tôn trọng sự thỏa thuận đó. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vấn đề tranh chấp cấp dưỡng nuôi con rất ít xẩy ra. Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế về “các tranh chấp cấp dưỡng ở cả cấp sơ thẩm từ năm 2007 đến năm 2011 thì chỉ có năm 2008: 1 vụ, năm 2009: 1 vụ và năm 2011: 1 vụ còn cấp phúc thẩm từ năm 2007 đến năm 2011 không có vụ nào về tranh chấp cấp dưỡng nuôi con” [45].
Trong quá trình giải quyết ly hôn, tòa án luôn phải phân tích cho các cặp vợ chồng hiểu rõ về vấn đề cấp dưỡng nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con khi ly hôn. Cấp dưỡng là để đảm bảo cuộc sống của con khi không còn được sống chung với cha mẹ nữa. Hầu hết cha mẹ đều hiểu rõ và ý thực được điều này nên vấn đề cấp dưỡng nhanh chóng được giải quyết. Vì vậy, các tranh chấp về cấp dưỡng ít xẩy ra. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có. Ví dụ: Trường hợp của chị Hoàng Thị Lan Anh và anh Phan Văn Thiện. Tại Bản án sơ thẩm số 13/DS-ST ngày 18/04/2005 của TAND thành phố Huế đã xử cho anh chị được thuận tình ly hôn và giao cháu Linh cho chị nuôi dưỡng, anh Thiện có nghĩa vụ đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng là 350.000 đồng. Nhưng do giá cả thị trường tăng cao với mức đó thì không bảo đảm cho việc nuôi dưỡng con ăn học nên chị Lan Anh đã có yêu cầu tăng mức cấp dưỡng nuôi con. Theo Bản án số 09/HNGĐ-PT ngày 20/11/2008 của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Hoàng Thị Lan Anh về việc tăng mức đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con. Anh Phan Văn Thiện phải đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con cho chị Hoàng Thị Lan Anh mỗi tháng là 500.000 đồng để nuôi con chung là cháu Phan Hoàng Khánh Linh, sinh ngày 15/09/2003 cho đến khi đủ 18 tuổi. Như vậy, quyết định mà tòa án đã đưa ra là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở vì sau một thời gian nuôi con, giá cả tăng cao, tiền ăn học của con cũng nhiều hơn thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án
giải quyết lại mức cấp dưỡng. Điều này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn.
Nhìn chung, trong quá trình giải quyết các vụ việc ly hôn ở TAND thành phố Huế thì hầu hết cha mẹ đều tự thỏa thuận về mức cấp dưỡng nuôi con. Trong năm 2011 vừa qua, mức cấp dưỡng thấp nhất đối với 1 người con là 250.000 đồng và cao nhất là 4 triệu đồng tùy vào điều kiện kinh tế của cha, mẹ.
Tuy nhiên cũng có khoảng hơn 40% người được trực tiếp nuôi con không yêu cầu bên kia phải cấp dưỡng nuôi con chung. Một phần vì họ có điều kiện kinh tế để tự nuôi con, một phần cũng vì tâm lý đã ly hôn họ không còn muốn liên quan gì đến nhau nữa nên cũng không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung. Việc tòa án không buộc bên không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng cho con không phải là cơ sở để chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của người cha, người mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con. Cũng có những trường hợp khi ly hôn, người trực tiếp nuôi con không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con nhưng sau đó người không trực tiếp nuôi con có thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế tốt hơn thì đã tự nguyện đóng góp tiền nuôi con vì tình cảm của họ đối với con chung. Vấn đề này do hai bên tự thỏa thuận với nhau và không cần tòa án can thiệp. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ với con chung sau khi đã ly hôn.
Trong thực tiễn khi giải quyết các vụ ly hôn nếu các bên không thỏa thuận được thì tòa án căn cứ vào những quy định hiện hành và điều kiện khả năng thực tế của mỗi bên để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng. Bên không trực tiếp nuôi dưỡng thì áp dụng hướng dẫn quy định tại Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP. Theo đó, khi áp dụng Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000 thì: “người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con” [28]. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ. Do đó, không phân biệt
người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con.
Với tình cảm của người cha, người mẹ đối với con mình thì dù sau khi ly hôn đa số các bậc làm cha, làm mẹ đều tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con mình. Tuy nhiên, trên thực tế cũng vẫn còn không ít những trường hợp cha, mẹ cố tình chây ỳ, không chịu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quyết định trong bản án của tòa án, buộc cơ quan THA phải vào cuộc. Khi án đã có hiệu lực pháp luật, người được THA đã có đơn yêu cầu THA và cũng đã hết thời gian tự nguyện THA nhưng người phải THA có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn không chịu thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đó là trường hợp ly hôn giữa anh Trần Văn Hồng và chị Ngô Thị Tuyết, được TAND thành phố Huế xử cho ly hôn tại Bản án số 99/HNGĐ-ST ngày 30/07/2007. Theo Bản án, chị Ngô Thị Tuyết được quyền nuôi dưỡng hai con là Trần Ngô Hoàng Quân (sinh ngày 19/09/2007) và Trần Hoàng Yến (sinh ngày 02/05/2009). Anh hồng phải cấp dưỡng nuôi hai đứa con, mỗi tháng 500.000 đồng/tháng đến khi hai cháu đủ 18 tuổi.
Quá trình THA, anh Hồng đã tự nguyện thi hành được hai năm đầu, sau đó anh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nữa. Nhiều lần cơ quan THA thuyết phục hai bên đương sự bằng nhiều lời lẽ, vừa động viên vừa giáo dục để anh Hồng ý thức thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ dân sự của mình, nhưng anh vẫn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trước tình hình đó, cơ quan THA tiến hành xác minh điều kiện THA, thì hiện tại anh Hồng đã kết hôn với chị Lê Thị Thủy và có một ngôi nhà 2 tầng do anh Hồng và chị Thủy
đứng tên sở hữu, trong nhà con có một số tài sản có giá trị như: Tivi, tủ lạnh, máy giặt... Như vậy anh Hồng có đủ điều kiện THA nhưng cơ quan THA vẫn không thể tiến hành kê biên được. Nếu kê biên ngôi nhà thì giá trị tài sản của ngôi nhà rất lớn so với số tiền phải THA và theo Luật HN&GĐ năm 2000 những tài sản của vợ chồng mà không chứng minh được là tài sản riêng thì tài sản đó được coi là tài sản chung của hai vợ chồng, tức là tài sản chung của anh Hồng và chị Thủy. Cho nên cơ quan THA không đủ cơ sở để tiến hành kê biên, còn trả lại đơn yêu cầu THA cấp dưỡng thì cũng không phù hợp theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những vấn đề phức tạp và khó khăn trong thực tiễn THA về cấp dưỡng hiện nay.
Trong trường hợp trên để buộc anh Hồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình thì cần xem xét đến các phương thức thực hiện cấp dưỡng khác cho hợp lý, như khấu trừ vào thu nhập hằng tháng của anh Hồng. Trong trường hợp này, anh Hồng là người có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nên tòa án hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan trả lương cho anh Hồng khấu trừ tiền lương cấp dưỡng cho con vào tiền lương hàng tháng của anh cho đến khi các con đủ 18 tuổi.