Đảm bảo quyền khiếu nại của công dân

Một phần của tài liệu Quy trình giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính ở địa phương qua thực tiễn ở tỉnh Bắc Ninh (Trang 98)

Ở nước ta, quyền khiếu nại của công dân là quyền Hiến định, được pháp luật đảm bảo. Nó chiếm một vị trí quan trọng trong tổng thể các quyền công dân, là phương thức mà công dân sử dụng để bảo vệ các quyền hợp pháp khác của mình khi bị xâm phạm. Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 1 Luật Khiếu nại, tố cáo). Hơn thế nữa, nó là

công cụ để công dân tham gia vào quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ công chức, viên chức nhà nước khi thực thi công vụ. Khi cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có hành vi vi phạm thì công dân có quyền kiến nghị xử lý để khôi phục lại theo trạng thái ban đầu. Vì thế, hoàn thiện quy trình giải quyết khiếu nại sẽ đảm bảo tốt hơn quyền khiếu nại của công dân cũng như quyền kiểm tra, giám sát trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện việc giải quyết khiếu nại đó.

Muốn vậy, pháp luật cần phải có những quy định cụ thể để hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại một cách thuận tiện; quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết cũng như phối hợp giải quyết; phân định thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, từng bộ phận làm công tác tham mưu, giúp người đứng đầu cơ quan trong việc giải quyết khiếu nại; có những quy định xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi gây phiền hà, cản trở quyền khiếu nại của công dân, cố tình trì hoãn, kéo dài việc giải quyết khiếu nại.

Một phần của tài liệu Quy trình giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính ở địa phương qua thực tiễn ở tỉnh Bắc Ninh (Trang 98)