Giải pháp tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 66)

Tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật hay tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang là vấn đề cấp thiết. Đại hội Đảng lần thứ VII lại một lần nữa khẳng định điều đó. Điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ là xây dựng và điều chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật của nhân dân.

Để củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ trong đó có các biện pháp cơ bản như: tăng cường sự

lãnh đạo của Đảng đối với công tác pháp chế; đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa; tăng cường công tác tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.

3.2.1.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác pháp chế

Nhà nước ta hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong mỗi vấn đề có tính chất quan trọng đều cần có sự chỉ đạo của Đảng. Đối với vấn đề tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng có thể nói là biện pháp cơ bản, bao trùm, xuyên suốt. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện trước hết ở việc Đảng đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đồng thời đề ra chiến lược toàn diện về công tác pháp chế. Trong từng thời kỳ Đảng đề ra phương hướng để xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý để tăng cường cho các cơ quan làm công tác pháp luật, pháp chế, tổ chức lãnh đạo phong trào quần chúng tham gia tích cực chống vi phạm pháp luật.

Công tác pháp chế là vấn đề mang tính chất nhà nước, củng cố và tăng cường pháp chế là sự nghiệp của toàn dân. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là Đảng làm thay nhà nước, mà Đảng chỉ vạch ra phương hướng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của nhà nước. Để công tác pháp chế đạt được hiệu quả nhà nước phải dựa trên cơ sở những phương hướng, đường lối của Đảng để đưa ra những biện pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời điểm.

Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ dừng lại ở việc đưa ra và giám sát việc thực hiện các phương hướng mà còn phải được thể hiện bằng hành động, đó là sự gương mẫu tôn trọng và thực hiện pháp luật của Đảng mà cụ thể là của các đảng viên.

Để thực sự đạt được hiệu quả thì sự lãnh đạo của Đảng trong công tác pháp chế nói riêng và các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội nói chung cần được tiến hành một cách toàn diện.

3.2.1.2. Đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa

Để củng cố và tăng cường pháp chế thì điều kiện tiên quyết đó là phải có một hệ thống pháp luật toàn diện, đầy đủ và hoàn thiện. Để có được một hệ thống pháp luật như vậy phải thực hiện nhiều biện pháp như: thường xuyên tiến hành hệ thống hóa pháp luật để phát hiện và loại bỏ những quy định pháp luật trùng lặp, mâu thuẫn, lạc hậu, bổ sung những thiếu sót trong hệ thống pháp luật; kịp thời thể chế hóa đường lối của Đảng thành pháp luật; có kế hoạch xây dựng pháp luật phù hợp với mỗi giai đoạn cụ thể, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, kỹ thuật xây dựng pháp luật để đảm bảo cho hệ thống các văn bản pháp luật mang tính khoa học và đạt trình độ kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, để có được hệ thống pháp luật hoàn thiện cần rất nhiều yếu tố và là công việc khó khăn, lâu dài, không thể nóng vội, cần được thực hiện từng bước, cần có sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng. Cần xác định được nhiệm vụ trọng tâm của từng thời kỳ, giai đoạn để ưu tiên thực hiện, đảm bảo kịp thời điều chỉnh đối với sự phát triển của hệ thống các quan hệ xã hội, đồng thời đảm bảo được tiến trình xây dựng hệ thống pháp luật.

3.2.1.3. Tăng cường công tác tổ chức thực hiện pháp luật

Đây là biện pháp nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh. Biện pháp này cần được thực hiện theo các bước cụ thể như:

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, tăng cường công tác giải thích pháp luật để làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa của các quy định pháp luật làm cơ sở cho việc tuyên truyền và giáo dục pháp luật đạt hiệu quả. Các

quy định của pháp luật Việt Nam được xây dựng trên những nguyên tắc như: ngắn gọn, dễ hiểu, đơn nghĩa … Tuy nhiên, để các quy định ấy được hiểu một cách chính xác thì cần có sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền. Điều này không chỉ giúp các chủ thể trong xã hội hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn là cơ sở để các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực pháp luật áp dụng pháp luật một cách chính xác để giải quyết, xử lý vụ việc. Ví dụ: trên cơ sở Nghị quyết hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về một quy định, một vấn đề cụ thể, các Tòa án cấp dưới sẽ dễ dàng và chính xác hơn trong việc áp dụng các quy định đó trong quá trình xét xử …

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục pháp luật nhằm làm cho nhân dân hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Theo quy luật logic, chỉ khi hiểu rõ về một quy định nào đó người ta mới có thể tuân thủ, thực hiện. Với các văn bản pháp luật cũng vậy, chỉ khi nhân dân hiểu rõ về nó, hiểu được ý nghĩa, vai trò của nó thì mới tự giác tuân thủ.

Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý có trình độ, có phẩm chất chính trị và khả năng công tác để sắp xếp vào các cơ quan làm công tác pháp luật. Cùng với sự thay đổi của điều kiện kinh tế xã hội, các quy định của pháp luật cũng không ngừng được sửa đổi, bổ sung. Nếu không được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì chính bản thân cán bộ làm công tác pháp luật cũng không có được hiểu biết đầy đủ, chính xác về các quy định pháp luật và các tình huống có thể xảy ra, do đó không thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công tác quan trọng và phải được thực hiện thường xuyên.

3.2.1.4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật

Đây là biện pháp nhằm bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Biện pháp này đòi hỏi phải

thường xuyên tổ chức việc kiểm tra hoạt động của bộ máy nhà nước mà đặc biệt là hệ thống cơ quan làm công tác bảo vệ pháp chế để phát hiện những sai sót, lệch lạc, kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành một cách nhịp nhàng, đúng nguyên tắc và yêu cầu của pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, cơ quan đảm bảo pháp chế và các cán bộ công chức nhà nước càng cần phải được phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh để tạo sự răn đe đồng thời làm gương cho nhân dân.

Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, đòi hỏi phải có phương pháp hoạt động thích hợp, có hiệu quả để nhanh chóng phát hiện, làm sáng tỏ các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm minh, tránh để xảy ra những thiệt hại lớn và đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước trong nhân dân.

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật phải được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện một cách đồng bộ, từ các cơ quan ở trung ương tới các cơ quan ở địa phương, từ các cơ quan lập pháp, hành pháp tới tư pháp, trong các tổ chức và trong nhân dân.

Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là công tác quan trọng, cần được thực hiện một cách khoa học, thực hiện theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Để công tác này đạt được hiệu quả tốt nhất thì cần có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan hữu quan.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)