Vai trò của pháp luật

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 30)

Với bản chất những đặc điểm đặc thù của mình, pháp luật có nhiều vai trò trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội như: Là cơ sở để thiết lập, củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước; là phương tiện để nhà nước quản lý kinh tế, xã hội; góp phần tạo dựng những quan hệ mới; tạo ra môi trường ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia.

1.4.2.1. Pháp luật là cơ sở để thiết lập, củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước

Một trong những nguyên lý đã được khẳng định là nhà nước không thể tồn tại thiếu pháp luật và pháp luật không thể phát huy hiệu lực của mình nếu không có sức mạnh của bộ máy nhà nước. Trong khoa học có những ý

kiến nhấn mạnh ý nghĩa tuyệt đối của quyền lực nhà nước, coi đó là cái phát sinh còn pháp luật chỉ là cái phái sinh, hoặc coi pháp luật đứng trên nhà nước, nhà nước phải tuyệt đối phục tùng pháp luật… là chưa có cơ sở xác đáng.

Trên thực tế, đúng là pháp luật do nhà nước ban hành, nhưng pháp luật không phải chỉ là kết quả của tư duy chủ quan một cách đơn thuần, mà nó xuất phát từ những nhu cầu khách quan của xã hội. Theo quan điểm triết học, pháp luật là yếu tố thuộc về kiến trúc thượng tầng, yếu tố này chịu sự chi phối và phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội - yếu tố thuộc về cơ sở hạ tầng. Pháp luật cần có quyền lực nhà nước mới có thể phát huy tác dụng trong thực tế đời sống. Mặt khác, nhu cầu về pháp luật là nhu cầu tự thân của bộ máy nhà nước, nhà nước cần pháp luật để làm công cụ quản lý xã hội. Như vậy, để phát huy được hết vai trò và sức mạnh của mình pháp luật cần đến nhà nước và ngược lại.

1.4.2.2. Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lý kinh tế xã hội

Nhà nước là đại diện chính thức của toàn thể xã hội, vì vậy nhà nước có chức năng quản lý toàn xã hội. Để quản lý toàn xã hội, nhà nước dùng nhiều phương tiện, nhiều biện pháp, nhưng pháp luật là phương tiện quan trọng nhất. Với những đặc điểm riêng của mình, pháp luật có khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của nhà nước một cách nhanh nhất, đồng bộ và có hiệu quả nhất trên quy mô rộng lớn nhất. Cũng nhờ có pháp luật, nhà nước có cơ sở để phát huy quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của các tổ chức, các cơ quan, các nhân viên nhà nước và mọi công dân.

Trong tổ chức và quản lý kinh tế, pháp luật lại càng có vai trò to lớn. Bởi vì, chức năng tổ chức và quản lý kinh tế của nhà nước có phạm vi rộng và phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ nhà nước cần xác lập, điều hành và kiểm soát. Do vậy, nhà nước không thể trực tiếp tham gia vào từng hoạt động mà chỉ thực hiện việc quản lý ở tầm vĩ mô và mang tính chất hành chính - kinh tế. Quá trình quản lý kinh tế không thể thực hiện được nếu không dựa vào pháp luật.

1.4.2.3. Pháp luật góp phần tạo dựng những quan hệ mới

Bên cạnh chức năng phản ánh, pháp luật còn có tính tiên phong, định hướng cho sự phát triển của các quan hệ xã hội. Có thể nói, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng ra những quan hệ mới. Trên cơ sở xác định thực trạng xã hội với những tình huống cụ thể, điển hình, tồn tại và tái diễn thường xuyên ở những thời điểm cụ thể trong xã hội nhà nước đề ra pháp luật để điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Ngoài tính cụ thể pháp luật còn có tính tiên phong tức là dự đoán trước những quan hệ xã hội mới có thể phát sinh trên cơ sở đó đưa ra những quy định pháp luật mới để điều chỉnh chúng.

1.4.2.4. Pháp luật tạo ra môi trường ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia

Nhờ có pháp luật, nhà nước quản lý xã hội một cách hiệu quả và bình ổn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế. Sự phát triển này cũng tạo tiền đề cho việc mở rộng các quan hệ hệ kinh tế, quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới. Mặt khác, một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, chặt chẽ và minh bạch sẽ tạo được niềm tin và là môi trường thu hút đông đảo các nhà đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói, pháp luật là công cụ hữu hiệu giúp nhà nước thực hiện tốt chức năng đối nội và đối ngoại của mình. Hơn nữa, pháp luật cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ phát triển và văn minh của một quốc gia. Một hệ thống pháp luật tiến bộ, hoàn thiện sẽ giúp nhà nước củng cố và nâng cao địa vị của mình trên trường quốc tế.

Tóm lại, đối với nhà nước và xã hội, pháp luật giữ một vai trò vô cùng quan trọng, nó là huyết mạch quốc gia, là xương sống của xã hội. Nhận thức rõ vai trò to lớn ấy, Nhà nước ta luôn không ngừng sửa đổi, bổ sung để hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện.

Chương 2

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 30)