Giải pháp ghi nhận đạo đức nhiều hơn vào các văn bản pháp luật

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 70 - 75)

Khác với pháp luật, chuẩn mực đạo đức không được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà được hình thành qua một thời gian lâu dài, được xã hội thừa nhận, tôn trọng và thực hiện. Như vậy, có thể nói dư luận xã hội chính là công cụ đảm bảo tính thực thi của đạo đức. Song song với pháp luật, đạo đức đã và đang được nhà nước sử dụng làm công cụ quản lý xã hội.

Để công cụ này phát huy được vai trò của mình, cần có được những giải pháp nhất định, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn.

Trong các văn bản pháp luật, vấn đề đạo đức tuy không được quy định một cách trực tiếp nhưng lại được nhắc đến một cách gián tiếp thông qua việc quy định điều kiện có hiệu lực của một số hành vi pháp lý. Đạo đức được tôn trọng và thực hiện trong cuộc sống thường bằng hình thức tự nguyện với yếu tố tác động chủ yếu là dư luận xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp nên những quan hệ mang tính truyền thống như: quan hệ láng giềng, họ hàng thân thuộc… dần dần bị phai nhạt để nhường chỗ cho những quan hệ mang tính kinh tế. Người ta ít có thời gian để quan tâm đến những chuyện xảy ra xung quanh nếu nó không liên quan tới mình, điều đó đồng nghĩa với việc dư luận xã hội đang mất dần đi sức mạnh của nó. Điều này đe dọa tới vị thế của đạo đức trong đời sống xã hội.

Để phát huy được sức mạnh của đạo đức - công cụ để nhà nước quản lý xã hội thì cần làm cho nó có sức mạnh cưỡng chế, được đảm bảo thi hành và được bảo vệ bởi sức mạnh của nhà nước. Về quan điểm này, có ý kiến cho rằng nếu đạo đức cũng được nhà nước quy định thì nó sẽ trở thành pháp luật chứ không phải là đạo đức nữa. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý với quan điểm trên bởi lẽ sự khác nhau giữa pháp luật và đạo đức không phải chỉ ở chủ thể ban hành mà là ở bản chất của mỗi yếu tố.

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất thực phẩm đã được ghi nhận cụ thể trong luật này, cụ thể như các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất; tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm theo thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; thiết lập quy trình tự kiểm tra trong quá trình sản xuất thực phẩm; thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; cảnh báo kịp thời, đầy đủ, chính xác về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm, cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng; thông báo yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng thực phẩm; Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện thực phẩm không an toàn hoặc không phù hợp tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…

Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có các nghĩa vụ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh; Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định; thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; thông báo cho người tiêu dùng điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm; Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm và cách phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng khi phát hiện

thực phẩm không bảo đảm an toàn; Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra; hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn… Như vậy, các quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm trong Luật An toàn thực phẩm 2010 đã phản ánh rõ việc ghi nhận các đạo đức vào trong pháp luật. Các quy định trong luật cũng chính là các nghĩa vụ đạo đức.

* Giáo dục pháp luật và đạo đức trong lĩnh vực bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm:

Đạo đức là yếu tố tồn tại trong xã hội từ rất lâu đời, qua thời gian, quan niệm về đạo đức có thể thay đổi nhưng giá trị cơ bản của nó vẫn được giữ nguyên. Tuy rất phổ biến, nhưng nó chỉ có thể có được qua quá trình rèn luyện và tu dưỡng, nó cũng cần được vun đắp từ khi mỗi cá nhân còn nhỏ. Bởi vậy, môi trường giáo dục là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đố với đạo đức. Nhận thức được điều này, Đảng và Nhà nước ta đã xác định luôn kết hợp giữa đào tạo văn hóa và đạo đức thể hiện qua việc đưa đạo đức vào đào tạo ở bậc tiểu học, giáo dục công dân vào đào tạo ở bậc trung học cơ sở và phổ thông trung học.

Ngoài ra, cũng cần tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục về ý thức đạo đức trong xã hội. Tuy đã được đào tạo nhưng điều kiện đời sống có nhiều khó khăn, vất vả có thể khiến người ta quên đi hoặc không có thời gian để ý tới vấn đề đạo đức. Bởi vậy, tuyên truyền sẽ là biện pháp hữu hiệu để đánh thức, khơi dậy ý thức đạo đức vốn có trong mỗi con người, đặc biệt là vấn đề đạo đức kinh doanh đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó cần tạo dư luận xã hội lên án những hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Hà Nội đặt mục tiêu mỗi phường có ít nhất một cửa hàng rau an toàn: Ở các quận nội thành, mỗi phường có từ 1 đến 2 cửa hàng rau an toàn, mỗi huyện có 1 đến 2 cửa hàng kinh doanh rau, thực phẩm an toàn là một trong những mục tiêu được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai tới các quận, huyện, thị xã tại Kế hoạch số 39 về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố năm 2011. Ngoài mục tiêu trên, thành phố còn đề ra các chỉ tiêu: 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% cơ sở thức ăn đường phố ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú được cấp giấy chứng nhận và có hợp đồng mua bán rau an toàn với cơ sở sản xuất. Trong năm nay, Ban chỉ đạo thành phố và các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra tất cả cơ sở sản xuất, sơ chế, bảo quản rau, quả, chè tập trung; tái kiểm tra 60% số cơ sở kinh doanh, kho lưu chứa thuốc bảo vệ thực vật. Để đạt được các mục tiêu trên, một số giải pháp đã được đề ra: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; quy hoạch và phát triển vùng trồng rau, chăn nuôi an toàn; xây dựng mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm an toàn và cửa hàng, gian hàng bán thực phẩm an toàn. Công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đẩy mạnh.

Tháng hành động vì chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm năm 2011 với chủ đề "Sản xuất - kinh doanh - sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm" sẽ diễn ra từ 15/4 - 15/5 trên cả nước. Theo ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng cục ATVSTP, Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2011 sẽ tập trung vào vấn đề cam kết của các doanh nghiệp đối với sức khỏe người tiêu dùng và việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao vai trò giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý tăng

cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm...

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đạo đức là vấn đề rất quan trọng, nó được xếp ngang hàng với trí tuệ, kiến thức, Người khẳng định đạo đức và kiến thức là hai vấn đề không thể thiếu đối với một con người: "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì là người vô dụng". Như vậy, đạo đức là vấn đề không thể xem nhẹ và luôn cần được chú trọng, nâng cao.

* Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc xây dựng mối quan hệ trong cộng đồng dân cư:

Mối quan hệ giữa những người cùng sinh sống trong một cộng đồng dân cư đang ngày càng trở nên mờ nhạt, điều này gây ra những khó khăn nhất định cho công tác quản lý xã hội nói chung và công tác quản lý xã hội bằng pháp luật và đạo đức nói riêng. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa những người trong cộng đồng dân cư là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của cha ông ta, truyền thống này cần được gìn giữ và phát huy. Nó là biểu hiện của sự đoàn kết đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để đạo đức và pháp luật được tuyên truyền và thực hiện trong đời sống.

Nâng cao vai trò của đạo đức và pháp luật chính là nâng cao vai trò quản lý xã hội của nhà nước, để công tác này có hiệu quả, nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra và không ngừng xây dựng những giải pháp mới, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 70 - 75)