Đặc điểm của nhà nước pháp quyền

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 35)

Giống như các kiểu nhà nước khác, nhà nước pháp quyền mang những đặc trưng nhất định. Những đặc trưng ấy là dấu hiệu để phân biệt giữa các kiểu nhà nước khác nhau. Về nhà nước pháp quyền, có quan điểm cho rằng đó không phải là một kiểu nhà nước: "Về phương diện lý luận, nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước. Nhà nước pháp quyền là giá trị phổ biến, là biểu hiện của một trình độ phát triển dân chủ" [40]. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số ít người có quan điểm này, về cơ bản các nhà khoa học pháp lý và các nhà tư tưởng vẫn coi nhà nước pháp quyền là một kiểu nhà nước.

Có thể kể đến một số đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền như sau:

* Hiến pháp và các đạo luật khác giữ vai trò tối thượng trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội:

Thật vậy, bất kỳ nhà nước nào cũng cần có pháp luật để quản lý xã hội và thực hiện các chức năng của mình. Trong hệ thống pháp luật, Hiến pháp luôn là đạo luật có tính hiệu lực cao nhất, bất kỳ bộ luật, luật nào khi ban hành cũng đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc pháp lý do Hiến pháp quy định. Có thể nói Hiến pháp là đạo luật gốc, là cơ sở và là thước đo để xác định tính đúng đắn của các văn bản pháp luật khác. Hiến pháp quy định những vấn đề chung nhất, cơ bản nhất và quy định nguyên tắc pháp luật của một đất nước. Ví dụ: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định các quyền cơ bản của công dân như: quyền học tập, quyền lao động, quyền khiếu

nại, tố cáo, quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm… Trên cơ sở những quy định này, nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật khác, cụ thể hóa các quyền trên như: Luật khiếu nại, tố cáo; Luật Giáo dục và đào tạo; Luật lao động; Luật Hình sự … Một cách tổng quan nhất thì các bộ luật, luật và văn bản pháp luật khác do nhà nước ban hành đều nhằm mục đích cụ thể hóa Hiến pháp, đưa Hiến pháp vào đời sống xã hội.

Hiến pháp cũng là văn bản khẳng định đường lối, chế độ kinh tế, chính trị của một quốc gia, khẳng định bản chất của một nhà nước. Khi tìm hiểu về một nhà nước, văn bản đầu tiên được quan tâm là Hiến pháp, thông qua Hiến pháp có thể hiểu được một cách cơ bản nhất về nhà nước đó. Do đó, Hiến pháp còn là tiêu chí để đánh giá về một nhà nước.

Ví dụ: Trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi bổ sung của nước ta, tại Điều 1 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời" [36]. Tại Điều 2 khẳng định:

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp [36].

Trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội, nhà nước cần sử dụng pháp luật như một công cụ thiết yếu để quản lý xã hội. Trong hoạt động của mình, các cơ quan nhà nước cần tuân thủ các quy định của pháp luật và sử dụng pháp luật làm thước đo để xác định và kịp thời điều chỉnh những hành vi sai trái. Mọi công dân, khi thực hiện bất kỳ hành vi nào cũng đều phải tuân

thủ pháp luật, nếu không tuân thủ họ có thể phải chịu một hình thức chế tài nhất định hoặc hành vi của họ sẽ không có giá trị (ví dụ: hợp đồng dân sự vô hiệu do nội dung trái pháp luật…).

* Bộ máy nhà nước luôn luôn được tổ chức và hoạt động trên cơ sở pháp luật:

Bộ máy của bất kỳ nhà nước nào cũng cần được xây dựng theo những nguyên tắc và cơ sở nhất định. Một trong những cơ sở ấy là pháp luật. Dựa trên pháp luật, bộ máy nhà nước được điều chỉnh qua các thời kỳ, các giai đoạn sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và tình hình thế giới để đạt được hiệu quả hoạt động cao nhất. Sau khi thiết lập cơ cấu tổ chức, nhà nước cần có pháp luật như một kim chỉ nam để đi đúng hướng và hoạt động theo đúng mục tiêu đã đề ra.

* Quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nhà nước là chủ thể duy nhất đại diện cho toàn xã hội. Bởi vậy, nhiệm vụ của nhà nước là hết sức nặng nề. Để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình nhà nước cần đến hệ thống cơ quan giúp việc đó là các cơ quan nhà nước. Các cơ quan này được phân thành cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Cần có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này, đồng thời cũng cần có hệ thống các quy định cho quá trình hoạt động của chúng. Ví dụ: cơ quan lập pháp chủ yếu tuân theo Hiến pháp, các nguyên tắc pháp luật chung, trình tự, thủ tục và quy chuẩn về soạn thảo văn bản; cơ quan hành pháp chủ yếu hoạt động theo quy định của luật hành chính…; cơ quan tư pháp chủ yếu hoạt động dựa trên các luật hình thức như: luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính … Như vậy, mỗi cơ quan trong quá trình hoạt động, ngoài việc chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp còn đều chịu sự điều chỉnh trực tiếp của một văn bản pháp luật chuyên ngành cụ thể.

* Nhà nước và công dân có mối quan hệ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và đều phải chịu trách nhiệm pháp lý như nhau khi làm tổn hại lợi ích của nhau:

Hiến pháp của mỗi nước đều quy định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những quyền, nghĩa vụ cơ bản này sẽ được cụ thể hóa trong những đạo luật cụ thể khác. Công dân được hưởng quyền và song song với nó là phải thực hiện nghĩa vụ, có những quy định vừa là quyền vừa là nghĩa vụ, ví dụ: học tập, lao động là quyền nhưng cũng đồng thời là nghĩa vụ của công dân. Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và tuân theo pháp luật, khi thực hiện bất kỳ hành vi nào trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội thì công dân ấy phải chịu những hình thức chế tài nhất định và bồi thường thiệt hại xảy ra. Ngược lại, các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước - những chủ thể thay nhà nước quản lý xã hội nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật dẫn đến thiệt hại cho công dân thì nhà nước phải bồi thường. Ví dụ: bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai trong tố tụng hình sự… Thật vậy, giữa nhà nước và công dân cần có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ bởi lẽ, nhà nước là chủ thể đại diện cho nhân dân, thay mặt nhân dân quản lý xã hội, hoạt động vì lợi ích của nhân dân và do chính nhân dân thành lập ra. Tuy nhiên, sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa nhà nước và công dân theo chúng tôi chỉ nên hiểu với nghĩa tương đối, nghĩa là giữa nhà nước và công dân vẫn tồn tại sự bất bình đẳng nhất định. Nhờ sự bất bình đẳng này nhà nước mới có thể quản lý xã hội, mới thể hiện được quyền lực của mình và đưa ra những phán quyết có tính cưỡng chế đối với các chủ thể khác trong xã hội.

* Mọi chính sách, pháp luật của nhà nước đều xuất phát từ con người, cho con người và vì con người:

Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Trong tư tưởng nhà nước pháp quyền con người luôn được xác định là trung tâm. Bởi vậy, mọi hoạt động của nhà nước đều xuất phát từ con người, vì con người, cho

con người. Pháp luật cũng vậy, sinh ra để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội hay nói cách khác là điều chỉnh hành vi của con người, để họ làm việc theo nguyên tắc, để họ trở thành những cá thể văn minh. Nhờ có pháp luật, xã hội có trật tự, phát triển đúng hướng và đạt được những thành tựu nhất định, đó sẽ là tiền đề cho thế hệ mai sau.

* Nhà nước luôn luôn tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế mình ký kết hoặc tham gia:

Để thực hiện chức năng đối ngoại, nhà nước tiến hành ký kết và tham gia các điều ước quốc tế. Khi đã trở thành thành viên của các điều ước quốc tế đó, nhà nước có nghĩa vụ tuân thủ những quy định của điều ước. Nếu hành động trái với các điều ước đó, nhà nước sẽ phải gánh chịu những chế tài nhất định và thậm chí có thể bị mất tư cách thành viên.

Đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chủ trương tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế mà nhà nước ký kết hoặc tham gia luôn luôn được đề cao và ghi nhận một cách cụ thể trong các văn bản pháp luật. Nó đã trở thành nguyên tắc áp dụng pháp luật của nhà nước ta "nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó". Có thể nói, việc tuân thủ các điều ước quốc tế không chỉ thể hiện chính sách đối ngoại của một nhà nước mà còn là con đường giúp nhà nước nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)