Bản chất của pháp luật

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 25)

Học thuyết Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật lần đầu tiên trong lịch sử, đã giải thích một cách đúng đắn, khoa học về bản chất của pháp luật và những mối quan hệ của nó và các hiện tượng khác trong xã hội có giai cấp. Theo học thuyết Mác - Lênin, pháp luật chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp. Bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của nó, không có pháp luật tự nhiên hay pháp luật không mang tính giai cấp. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là pháp luật chỉ có duy nhất tính giai cấp, pháp luật do Nhà nước, đại diện chính thức của toàn xã hội ban hành nên nó còn mang tính xã hội.

* Tính giai cấp của pháp luật:

Tính giai cấp của pháp luật thể hiện trước hết ở chỗ, pháp luật phản ánh ý chí nhà nước của giai cấp thống trị. C. Mác và Ph. Ăngghen khi nghiên cứu về pháp luật tư sản đã đi đến kết luận: "Pháp luật tư sản chẳng qua chỉ là ý chí giai cấp tư sản được đề lên thành luật, cái ý chí mà nội dung của nó là

điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp tư sản quyết định" [19, tr. 262]. Nhờ nắm trong tay quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị đã thông qua nhà nước để thể hiện ý chí của mình một cách tập trung, thống nhất và hợp pháp hóa thành ý chí của nhà nước, ý chí đó được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhà nước ban hành và bảo đảm cho pháp luật được thực hiện, vì vậy pháp luật là những quy tắc xử sự chung có tính bắt buộc đối với mọi người.

Trong xã hội có giai cấp tồn tại nhiều loại quy phạm khác nhau, thể hiện ý chí và nguyện vọng của các giai cấp, các lực lượng xã hội khác nhau, nhưng chỉ có một hệ thống pháp luật chung cho toàn xã hội. Tính giai cấp của pháp luật còn thể hiện ở mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mục đích của pháp luật trước hết nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, pháp luật là nhân tố điều chỉnh về mặt giai cấp các quan hệ xã hội nhằm hướng chúng phát triển theo một trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, bảo vệ và củng cố địa vị của giai cấp thống trị. Với ý nghĩa đó, pháp luật chính là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp.

Bản chất giai cấp là thuộc tính chung của bất kì kiểu pháp luật nào nhưng mỗi kiểu pháp luật lại có những nét riêng và cách biểu hiện riêng. Ví dụ: pháp luật chủ nô công khai khẳng định địa vị thống trị và quyền năng vô hạn của giai cấp chủ nô, pháp luật phong kiến công khai quy định đặc quyền, đặc lợi của địa chủ phong kiến…

* Tính xã hội của pháp luật:

Như đã nói ở trên, pháp luật do nhà nước - đại diện chính thức của toàn xã hội ban hành bởi vậy dù ít hay nhiều, pháp luật vẫn mang tính xã hội. Tính xã hội của mỗi hệ thống pháp luật phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi đất nước qua từng giai đoạn. Ví dụ: Pháp luật tư sản ở giai đoạn đầu, sau khi cách mạng tư sản thắng lợi bên cạnh việc thể hiện ý chí của giai cấp tư sản còn thể hiện nguyện vọng dân chủ và lợi ích của nhiều giai tầng

khác trong xã hội. Trong quá trình phát triển tiếp theo, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, giai cấp tư sản đã điều chỉnh mức độ thể hiện đó theo ý chí của mình cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Đối với pháp luật xã hội chủ nghĩa cũng vậy, bên cạnh việc pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi thời kỳ cũng phải tính đến ý chí và lợi ích của các tầng lớp khác.

Như vậy, pháp luật là một hiện tượng xã hội vừa mang tính giai cấp vừa mang tính xã hội. Hai thuộc tính này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Không có pháp luật chỉ mang tính giai cấp cũng không có pháp luật chỉ mang tính xã hội. Tuy nhiên, tính đậm, nhạt của mỗi thuộc tính trong những kiểu pháp luật khác nhau là khác nhau. Thậm chí trong cùng một hệ thống pháp luật, tính đậm, nhạt của hai thuộc tính trên cũng khác nhau qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, liên hệ vào lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm (Trang 25)