BIỂN TẠI VIỆT NAM
Trong những năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực trong việc đấu tranh chống tội phạm trên biển. Thông qua việc tổ chức các Hội nghị, Diễn đàn hợp tác trong khu vực và thế giới đã đánh giá và ngày càng hoàn thiện các cơ chế, giải pháp và có kế hoạch cụ thể về xây dựng các lực lượng liên quan trong đấu tranh chống tội phạm biển và đã gặt hái được những thành tựu đáng kể.
Trong tháng 11/2012, Cảnh sát biển Việt Nam đã đấu tranh và bắt giữ 11 tên cướp biển, giải cứu thành công 9 thủy thủ nước ngoài. Ngày 18/11/2012, tàu Zafirah đi từ cảng Pasir Guadang đến một cảng khác (đều thuộc Malaysia) ngang qua hải phận Indonesia thì bị cướp tấn công, thủy thủ đoàn bị khống chế và bị nhốt vào cabin, đến ngày 20/11/2012 tất cả thủy thủ trên tàu bị ép xuống xuồng cứu sinh. Chiếc xuồng này đã trôi dạt vào vùng biển Việt Nam, đến 6 giờ ngày 21/11/2012 thì được 2 tàu cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cứu vớt và báo cho cơ quan chức năng đến đưa các thủy thủ vào đất liền. Nhận được tin báo cướp, Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã lệnh cho Cảnh sát biển Vùng 3 triển khai 2 biên đội tàu 6007, 9001, 4034 và 4031, 2011 tổ chức truy tìm. Đến 2 giờ 20 ngày 22.11, biên đội tàu cảnh sát biển 4031, 4034 phát hiện tàu
Zafirah đang trong lãnh hải Việt Nam, liền lập tức triển khai khống chế, yêu cầu những người trên tàu thả neo. Lúc 11 giờ cùng ngày, thuyền trưởng, thuyền phó và máy trưởng tàu Zafirah được đưa ra vị trí tàu Zafirah neo đậu để nhận dạng tàu. Khi xác định được đúng tàu bị cướp, chiều cùng ngày, lực lượng Cảnh sát biển yêu cầu bọn cướp biển buông súng đầu hàng nhưng những người trên tàu vẫn cố thủ. Đến 16 giờ cùng ngày, lực lượng Cảnh sát biển quyết định tấn công. Khoảng 50 phút sau, toàn bộ 11 tên cướp biển (đều mang quốc tịch Indonexia) đã bị lực lượng Cảnh sát biển bắt gọn cùng vũ khí. Đồng thời, tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vungtau MRCC) đã đưa 9 thủy thủ (5 người mang quốc tịch Myanmar và 4 người mang quốc tịch Indonesia) của tàu Zafirah vào bờ an toàn.
Trong tháng 12/2012, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quốc tế phòng chống ma túy khu vực nhóm công tác Viễn Đông-IDECFEWG với sự tham gia của 19 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam được xác định là nước chịu ảnh hưởng bởi hoạt động phức tạp của tội phạm ma túy ở những điểm nóng gần "Tam giác vàng" và "Trăng lưỡi liềm vàng" những trung tâm sản xuất, buôn bán ma túy lớn có tiếng trên thế giới, ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp chủ yếu từ các trung tâm sản xuất buôn bán ma túy nổi tiếng trên thế giới tuồn vào Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm, vận chuyển sang nước thứ ba bằng các loại hình giao thông gồm cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Trong năm 2012 các cơ quan hành pháp đã phát hiện, bắt giữ hơn 19.000 vụ, gần 30.000 đối tượng (tăng hơn 2.000 vụ và gần 5.000 đối tượng so với năm 2011), thu giữ gần 400 kg heroin, hơn 74 kg thuốc phiện, 134 kg cần sa khô, gần 130kg và hơn 335.000 viên ma túy tổng hợp (nhiều hơn 183kg heroin, 87kg và hơn 2.000 viên ma túy tổng hợp so với năm 2011). Lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống ma túy trên biển hiện nay là lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Sau 6 năm hoạt động (2005-2011), lực lượng chức năng của Cục cảnh sát biển đã điều tra được gần 600 chuyên án, vụ án; bắt giữ trên 1.000 đối tượng; thu giữ hơn 8 tấn nhựa cần sa, gần
1.000 bánh hêrôin, trên 10.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật, tài sản có giá trị. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy, cảnh sát biển đã phối hợp với công an điều tra, khám phá 40 chuyên án, vụ án về ma túy, bắt 70 đối tượng; thu giữ hơn 49 bánh hêrôin, 8.074 viên ma túy tổng hợp, 619,25 gram ketamine, 35,2 gram cần sa, 1 khẩu súng K54 và 11 viên đạn, 3 xe ô tô, 24 xe máy, nhiều tang vật và tài sản liên quan khác (theo số liệu báo cáo tại Hội nghị quốc tế phòng chống ma túy khu vực công tác Viễn đông IDECFEWG tháng 11/2012 tại Việt Nam)… Việc đấu tranh chống tội phạm ma túy trên biển gặp nhiều khó khăn hơn trên đất liền bởi vì tang vật được cất giấu và ngụy trang bằng những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, có khi các đối tượng tận dụng tàu biển thiết kế đặc biệt có nhiều lớp đáy, lớp thân vỏ, có nhiều ngăn, khoang bí mật; trong khoang chứa nước ngọt, bình chứa chất cứu hỏa để cất giấu ma túy; thậm chí chứa ma túy trong các contenner có vỏ bọc ngăn được việc soi, chiếu. Bên cạnh việc liên tục thay đổi hành trình, thay đổi màu sơn, số hiệu cùng các loại giấy tờ liên quan, tội phạm còn sử dụng tàu nhỏ, lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu vận chuyển ma túy vào nơi tiêu thụ. Chứa ma túy vào các thùng kim loại kín nước, thả xuống biển rồi thông báo tọa độ cho đối tác đến trục vớt; thả ma túy vào khoang chứa dầu, chứa nước trên tàu, treo dưới thân tàu, thuyền, sẵn sàng phi tang. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy trên biển hết sức manh động. Bên cạnh đó, hoạt động tội phạm được thực hiện trên địa hình biển rộng, lực lượng cảnh sát biển còn ít, việc theo dõi, nắm thông tin, nhất là với những vùng biển có hoạt động buôn lậu mạnh và tinh vi càng nhiều trở ngại. Trang, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng của lực lượng đấu tranh chống ma túy trên biển, như máy soi hàng hóa, máy kiểm tra ma túy, các công cụ hỗ trợ, khí tài, kỹ thuật khác còn thiếu thốn nên hiệu quả phòng chống ma túy trên biển còn hạn chế.
Hiện nay, công tác chống buôn lậu hàng hóa bằng đường biển cũng còn nhiều gian nan và đặt ra nhiều thách thức đối với các ngành chức năng của Việt Nam. Năm 2010, Cục Hải quan đã phát hiện 6.226 vụ vi phạm pháp luật. Như
vậy, cứ trung bình một ngày, lực lượng Hải quan phát hiện và phải xử lý 15 vụ trong đó nhiều vụ có số lượng, trị giá tang vật vi phạm đặc biệt lớn, vận chuyển qua đường biển về các cảng ở Hải Phòng và được ngụy trang bằng thủ đoạn hết sức tinh vi. Điển hình là các vụ buôn bán trái phép 370kg ngà voi của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Việt Tiến (Lạng Sơn), 1.245,6kg ngà voi của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuấn Minh (Lạng Sơn) và 2.194,2kg ngà voi của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thanh Long (Móng Cái, Quảng Ninh) được đóng lẫn trong ốc biển. Các đơn vị Hải quan Hải Phòng còn phát hiện 1.778,3kg vẩy tê tê đã qua sơ chế, cũng được đóng trong rong biển của Công ty Xuất nhập khẩu Quang Minh (Lạng Sơn), trên 3 tấn tê tê cùng 80kg vẩy của Công ty cổ phần quốc tế Á Châu lẫn trong cá mòi... Theo thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng tình hình buôn lậu chủ yếu ẩn dưới loại hình "tạm nhập, tái xuất" (khoảng 90%) [22], khi hàng nhập khẩu về Việt Nam, doanh nghiệp cũng làm thủ tục tái xuất, nhưng chỉ trên danh nghĩa, còn thực chất hàng vẫn nằm nguyên trong cảng và bị bỏ rơi vài tháng, có khi tới nhiều năm. Mặc dù số hàng nói trên không đúng với nội dung khai báo, song do hàng đóng trong container kín mít, kẹp chì niêm phong, nên việc phát hiện của các cơ quan chức năng hết sức khó khăn. Trong trường hợp cơ quan Hải quan phát hiện hàng lậu, thì không xác định được chủ thể vi phạm. Phía doanh nghiệp Việt Nam đứng tên trong vận đơn nhận hàng thì từ chối trách nhiệm với lý do họ không có hợp đồng mua bán, mà chỉ làm nhiệm vụ môi giới, hưởng "hoa hồng", hoặc mặt hàng không đúng hợp đồng mua bán (như trong Luật Hải quan và Luật Thương mại qui định). Như vậy chỉ còn cách mời được doanh nghiệp nước ngoài sang. Song thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sau khi gửi hàng sang Việt Nam, đã lập tức giải thể. Những vụ đủ yếu tố khởi tố vụ án hình sự, thì lại phải thông qua Interpol, nhưng kết quả chậm và hạn chế, nhất là đối tượng vi phạm ở các quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết về hỗ trợ tư pháp. Chính vì vậy, các vụ án đều phải kéo dài quá trình điều tra mà không khởi tố được bị can. Tình trạng này đã làm cho các cảng biển ở Hải Phòng và một số cảng lớn rơi vào tình
trạng ứ đọng hàng trăm container vô thừa nhận. Qua rà soát, tháng 7/2010, các cảng ở Hải Phòng tồn đọng 366 container, tương đương khoảng 10.980 tấn hàng hóa, thiệt hại về lưu kho bãi tới hàng trăm tỷ đồng [22]. Nguy hiểm hơn, bên trong các container chứa đầy rác thải nguy hại, vi phạm Công ước Basel, Cites, Luật Bảo vệ môi trường, như vỏ ắc qui chì phế thải, rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Cuối cùng, chính quyền thành phố Hải Phòng đã phải gánh chịu hậu quả hết sức phiền toái và tốn kém trong việc xử lý tiêu hủy. Bên cạnh đó, lực lượng Công an và các ngành chức năng cũng đã phát hiện bắt giữ hàng trăm vụ vận chuyển hàng lậu, trong đó có 7 vụ vi phạm nghiêm trọng đã phải xử lý hình sự. Tình trạng hàng lậu, hàng cấm luồn lách nhập khẩu trái phép bằng đường biển vào Hải Phòng cho thấy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời tăng cường sự phối hợp trong các Đoàn 127 (liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại...).
Theo báo cáo tình hình và kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh trật tự trên biển của Bộ đội biên phòng từ năm 2005 đến năm 2009, lực lượng biên phòng đã phát hiện, ngăn chặn xua đuổi 5.242 lượt tàu thuyền xâm phạm vùng biển; bắt xử lý 808 tàu, trong đó lập biên bản phóng thích tại chỗ 531 tàu; xử lý hành chính 276 tàu với 94 đối tượng. Từ năm 2005 đến năm 2009, Bộ đội biên phòng đã bắt giữ 1162 đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy thu 11,86kg thuốc phiện, 12,571kg hê-rô-in; bắt giữ 457 phương tiện buôn lậu, tịch thu sung công quỹ Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; bắt giữ 7.292kg vật liệu nổ; bắt giữ 337 đối tượng xuất cảnh trái phép; bắt giữ 194 đối tượng cướp giật; 1.427 đối tượng trộm cắp… Các đơn vị biên phòng xác lập 216 chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với hoạt động tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biển đảo; bắt giữ xử lý 16.570 vụ với 35.570 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật, trong đó có 37 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia và 33.543 đối tượng xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Các đơn vị bộ đội biên phòng cũng đã khởi tố vụ án hình sự điều tra theo quyền hạn 320 vụ với 396 đối tượng trong đó điều tra toàn bộ vụ
án chuyển Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 14 vụ với 29 bị can, điều tra ban đầu, bàn giao cơ quan điều tra các cấp theo quy định pháp luật 306 vụ, 365 đối tượng, tịch thu hàng hóa sung công quỹ Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng… góp phần củng cố được an ninh trật tự trên các vùng biển, ngăn chặn hiệu quả hoạt động tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vừa đảm bảo kiềm chế, không sử dụng vũ lực gây căng thẳng làm phức tạp thêm tình hình, đảm bảo hòa bình, hữu nghị, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, mua bán tàng trữ ma túy, sử dụng vật liệu nổ, cướp có vũ trang, giữ vững chủ quyền an ninh biển đảo [30].