Theo số liệu năm 2009, tại vùng biển Châu Á đã có 1.010 vụ phạm tội dưới hình thức cướp vũ trang và bắt giữ tài và người trái phép, tăng 5% so với năm 2008 (theo Báo Khoa học và giáo dục trật tự xã hội số 5 (17)/2010).
Tình hình hoạt động cướp biển tại các vùng biển trên thế giới cũng ngày càng diễn biến phức tạp đặc biệt là tại các vùng biển Bangladesh, Malacca, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Khu vực tam giác Hải Nam (gồm đảo Hải Nam, Hồng Kông- Trung Quốc và Đảo LuZon-Philippin).
Số cuộc chủ định cướp và đã cướp ở vịnh Eden, Biển đỏ và Xomalia trong năm 2007 là 44 vụ, năm 2008 là 111 vụ, 6 tháng đầu năm 2009 là 130 vụ. Số cuộc âm mưu cướp và đã cướp ở vịnh Malacca năm 2007 là 7 vụ, năm 2008 là 2 vụ, 6 tháng đầu năm 2009 là 2 vụ (theo Báo Khoa học và giáo dục trật tự xã hội số 5 (17)/2010).
Cướp biển là dạng tội phạm nguy hiểm nhất trên biển đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân. Trước khi Công ước Geneve năm 1958 (về biển cả) được Liên hợp quốc thông qua thì các vấn đề liên quan đến đấu tranh chống nạn cướp biển chủ yếu được điều chỉnh thông qua các quy phạm tập quán quốc tế trên cơ sở nguyên tắc phổ cập về phân định thẩm quyền tài phán trong đó quốc gia nào bắt giữ được cướp biển trên biển cả thì cũng có quyền xét xử. Công ước năm 1958 về biển cả đã định nghĩa cướp biển là hành vi trái luật chiếm đoạt tàu thuyền, hoặc hành vi cướp bóc bất kỳ được thực hiện nhằm mục đích tư lợi, do thủy thủ đoàn hoặc hành khách của tàu thuyền hoặc phương tiện bay, thực hiện trên biển cả nhằm chống lại tàu thuyền hoặc phương tiện bay khác, hoặc chống lại người và cướp tài sản trên tàu thuyền hoặc phương tiện bay đó, kể cả các hành vi nhằm chống lại các đối tượng nói trên ở vùng biển không thuộc quyền của bất kỳ quốc gia nào (Điều 15). Công
ước đã quy định trách nhiệm hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, các quốc gia đều có quyền bắt giữ tàu thuyền và phương tiện bay đang có hành vi cướp biển ở hải phận quốc tế hoặc ở những nơi không thuộc quyền tài phán của bất kỳ một quốc gia nào. Thẩm quyền phán xét do quốc gia bắt giữ được tàu thuyền và phương tiện bay, việc phán quyết cần dựa trên nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Việc bắt giữ tàu thuyền và phương tiện bay phải có cơ sở pháp lý rõ ràng, nếu quốc gia bắt giữ không minh chứng được các hành vi cướp biển của người và các phương tiện đó thì quốc gia bắt giữ phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế. Công ước năm 1958 về biển cả có tính chất như một Tuyên bố chung về các nguyên tắc của luật quốc tế, nội dung của Công ước đã phản ánh được bản chất của luật tập quán như đã nói ở trên. Công ước này đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong cái nhìn tổng thể của cộng đồng quốc tế về hải phận quốc tế, cũng như làm tiền đề cho sự phát triển luật quốc tế về biển.
Công ước Luật biển năm 1982-UNCLOS đã kế thừa và phát huy các nội dung liên quan đến nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia trong hợp tác, đấu tranh chống cướp biển trên biển cả của Công ước Geneve 1958 tại các điều từ Điều 100 đến Điều 107, trong đó quy định rõ các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác trong việc trấn áp nạn cướp biển trên biển cả, Công ước đã trao cho các quốc gia có quyền hạn trong việc bắt giữ tàu cướp biển và tội phạm trên biển, thẩm quyền xét xử thuộc về quốc gia bắt giữ tàu thuyền và phương tiện bay dùng để cướp biển. Các quốc gia thành viên đều có quyền bắt giữ tàu thuyền phương tiện bay, người và tài sản trên tàu hoặc phương tiện bay của bọn cướp biển trên biển cả hoặc ở địa điểm không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào và được quyền quyết định về mức độ và hình thức trừng phạt.
Theo Điều 101 của Công ước Luật biển năm 1982 quy định: Mọi hành động trái phép dùng bạo lực hay bắt giữ hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thủy thủ hoặc hành khách trên một chiếc tàu hay một phương tiện bay tư nhân gây nên, vì những mục đích riêng tư nhằm chống lại một chiếc tàu hay một phương tiện bay khác, hay chống lại những người hay của cải ở trên con tàu
hay phương tiện bay đỗ ở biển cả; Chống lại một chiếc tàu hay một phương tiện bay, hay người hay của cải ở một nơi không thuộc quyền tài phán của một quốc gia nào; Mọi hành động tham gia có tính chất tự nguyện vào việc sử dụng một chiếc tàu hay một phương tiện bay, khi người tham gia biết từ những sự việc rằng chiếc tàu hay phương tiện bay đó là một tàu hay phương tiện bay cướp biển; Mọi hành động nhằm mục đích xúi giục người khác phạm những hành động xác định ở các điểm nêu trên hay phạm phải với chủ định là dễ dàng cho hành động đó sẽ bị coi là hành động cướp biển.
Công ước Luật biển năm 1982 cũng đưa ra định nghĩa một con tàu hay một phương tiện bay cướp biển (Điều 103) là những tàu hay phương tiện bay mà kẻ kiểm soát nó thật sự, chủ trương sử dụng để phạm một trong những hành động nêu ở điều 101, được coi là những tàu bay hay phương tiện bay cướp biển. Những chiếc tàu hay phương tiện bay đã được dùng để phạm những hành động nói trên cũng bị coi là tàu hay phương tiện bay cướp biển chừng nào nó còn ở dưới quyền kiểm soát của những người gây ra những hành động đó. Một con tàu hay phương tiện bay đã trở thành cướp biển có thể giữ quốc tịch của mình. Việc giữ hay mất quốc tịch do luật trong nước của quốc gia đã trao quốc tịch đó điều chỉnh (Điều 104). Bên cạnh đó, Công ước Luật biển năm 1982 cũng quy định về hành động cướp biển của một tàu chiến, một tàu của Nhà nước hay một phương tiện bay Nhà nước mà đoàn thủy thủ hay đội bay đã nổi loạn gây ra tại Điều 102, theo đó, những hành động cướp biển như đã được xác định ở Điều 101, của một tàu chiến hay một tàu Nhà nước hoặc một phương tiện bay của Nhà nước bị đoàn thủy thủ hay đội bay nổi loạn làm chủ, được coi là những hành động của các tàu hay phương tiện bay tư nhân.
Theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, mọi quốc gia, ở biển cả hay ở bất cứ nơi nào khác không thuộc quyền tài phán của một quốc gia nào đều có thể bắt giữ một chiếc tàu hay một phương tiện bay cướp biển, hoặc một chiếc tàu hay một phương tiện bay bị chiếm đoạt sau một hành động cướp biển và đang nằm trong tay bọn cướp biển và đều có thể bắt người và
giữ của cải ở trên con tàu hay phương tiện bay đó. Các tòa án của quốc gia đã tiến hành việc bắt đó có thể công bố các hình phạt cũng như các biện pháp áp dụng đối với chiếc tàu, phương tiện bay hay của cải trừ những người lương thiện ngoài cuộc (Điều 105); Trừ những trường hợp mà việc can thiệp là căn cứ vào những quyền do hiệp ước mang lại, một tàu chiến khi gặp một tàu nước ngoài ở trên biển cả không phải là một tàu được hưởng quyền miễn trừ như đã nêu ở các Điều 95,96 của Công ước chỉ có thể khám xét chiếc tàu đó nếu có những lý do đúng đắn để nghi ngờ rằng chiếc tàu đó tiến hành cướp biển, chuyên chở nô lệ, dùng vào các cuộc phát sóng không được phép quốc gia mà tàu chiến mang cờ có quyền tài phán theo Điều 109, không có quốc tịch hay thật ra là cùng quốc tịch với chiếc tàu chiến mặc dù chiếc tàu này treo cờ nước ngoài hay từ chối treo cờ của mình. Trong những trường hợp trên, tàu chiến có thể tiến hành kiểm tra các giấy tờ cho phép mang cờ. Vì mục đích này, tàu chiến có thể phái một chiếc xuồng dưới sự chỉ huy của một sĩ quan đến gần chiếc tàu bị tình nghi. Sau khi kiểm tra các tài liệu nếu vẫn còn nghi vấn thì có thể tiếp tục điều tra trên con tàu với một thái độ hết sức đúng mực. Nếu việc nghi ngờ xét ra không có cơ sở thì chiếc tàu bị khám xét được bồi thường về mọi tổn thất hay thiệt hại xảy ra, với điều kiện là chiếc tàu này không phạm một hành động nào làm cho nó bị tình nghi. Các quyền này được áp dụng đối với tất cả các tàu thuyền hay phương tiện bay khác đã được phép một cách hợp lệ và mang những dấu hiệu bên ngoài chỉ rõ ràng rằng chúng được sử dụng cho một cơ quan Nhà nước, đồng thời cũng được áp dụng với các phương tiện bay quân sự (Điều 110).
Tại Điều 111 của Công ước quy định về quyền truy đuổi (quyền truy kích) của các quốc gia thành viên như sau: Việc truy đuổi một tàu nước ngoài có thể được tiến hành nếu những nhà đương cục có thẩm quyền của quốc gia ven biển có những lý do đúng đắn để cho rằng chiếc tàu này đã vi phạm các luật và quy định của quốc gia đó. Việc truy đuổi phải bắt đầu khi chiếc tàu nước ngoài hay một trong những chiếc xuồng của nó đang ở trong nội thủy, trong vùng nước
quần đảo, trong lãnh hải hay trong vùng tiếp giáp của quốc gia truy đuổi, và chỉ có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp với điều kiện là việc truy đuổi này không bị gián đoạn. Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với những hành động vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển có thể áp dụng, theo đúng Công ước, cho vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, kể cả các vùng an toàn bao quanh các thiết bị ở thềm lục địa.
Quyền truy đuổi chỉ có thể được thực hiện bởi các tàu chiến hay các phương tiện quân sự hoặc các tàu hay phương tiện bay khác có mang các dấu hiện ở bên ngoài chỉ rõ ràng rằng, các tàu hay phương tiện bay đó được sử dụng cho một cơ quan Nhà nước và được phép làm nhiệm vụ này. Quyền truy đuổi chấm dứt khi chiếc tàu bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia mà nó thuộc quyền hay của một quốc gia khác. Một chiếc tàu đã bị bắt dừng lại hay bị bắt ở ngoài lãnh hải trong những hoàn cảnh không chứng minh được cho việc sử dụng quyền truy đuổi thì được bồi thường về mọi tổn thất hay tổn hại nếu có.
Bên cạnh các quyền trên, tất cả các quốc gia hợp tác với nhau, bằng mọi khả năng của mình để trấn áp cướp biển trên biển cả hay ở bất kỳ nơi nào khác không thuộc quyền tài phán của một quốc gia nào (Điều 100). Trong trường hợp quốc gia bắt giữ một cách độc đoán đối với tàu bay hoặc phương tiện bị tình nghi là cướp biển khi không có lý do đầy đủ thì quốc gia đó phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào do hành động đó gây ra đối với quốc gia mà tàu hoặc phương tiện bay đó mang quốc tịch (Điều 106). Chỉ có các tàu chiến hay phương tiện bay quân sự hoặc các tàu thuyền hay phương tiện bay khác mang các dấu hiệu bên ngoài chứng tỏ rõ ràng là của một cơ quan Nhà nước và được tiến hành nhiệm vụ này mới có thể thực hiện việc bắt giữ vì lý do cướp biển (Điều 107).
Như vậy, Công ước Luật biển năm 1982 đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trong trong đấu tranh chống nạn cướp biển nhưng cũng có thể thấy hai điểm hạn chế của Công ước Luật biển năm 1982 về tội cướp biển:
Một là: chỉ áp dụng đối với loại tội cướp biển ở những vùng biển quốc tế hay những khu vực nằm ngoài thẩm quyền của bất cứ một quốc gia nào, điều này đã làm hạn chế giới hạn áp dụng của Công ước đối với hành vi cướp biển trong các vùng biển nằm dưới quyền tài phán của quốc gia ven biển vì trên thực tế có rất nhiều vụ cướp biển xảy ra tại các vùng biển thuộc thẩm quyền quốc gia;
Hai là: chỉ giới hạn phạm vi áp dụng đối với các hành vi cướp biển vì mục đích chiếm đoạt tài sản chứ không áp dụng đối với hành vi cướp biển vì mục đích chính trị.
Trước tình hình đó, năm 2004, do tính cấp thiết cần phải thiết lập cơ chế hợp tác chống cướp biển phù hợp với tình hình của khu vực, các nước Châu Á trong đó có các nước ven biển Đông đã xây dựng Hiệp định ReCAAP- Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang các tàu thuyền ở Châu Á (gồm 16 nước tham gia ký kết, có hiệu lực vào ngày 04/9/2006 sau khi được 10 quốc gia phê chuẩn theo quy định của Hiệp định). ReCAAP đã mở rộng phạm vi áp dụng không chỉ các khu vực biển nằm trong quyền tài phán quốc gia mà còn được áp dụng đối với các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia bằng cách đưa định nghĩa cướp biển của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO - định nghĩa này đã được Liên hợp quốc chấp nhận vào trong Hiệp định.
ReCAAP không hạn chế việc tham gia vào công ước, ngoài 16 quốc gia Châu Á đầu tiên gia nhập, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tham gia sau khi Hiệp định có hiệu lực (theo Điều 18.5). Đây là điều ước quốc tế đầu tiên quy định cụ thể về việc ngăn chặn và trấn áp cướp biển, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đạt được những thỏa thuận pháp lý về chống cướp biển đối với các khu vực còn lại trên thế giới.
Theo quy định của ReCAAP, các quốc gia thành viên cần tiến hành các biện pháp cần thiết "trong mức độ cao nhất có thể" và "theo đúng luật
pháp và quy định của riêng từng nước, tùy thuộc vào nguồn lực sẵn có" nhằm ngăn chặn và trấn áp nạn cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền; Bắt giữ cướp biển và máy bay được sử dụng cho mục đích cướp biển hoặc cướp có vũ trang đối với tàu thuyền; Tịch thu tàu thuyền và máy bay được sử dụng cho mục đích cướp biển hoặc cướp có vũ trang đối với tàu thuyền; Giải cứu tàu thuyền gặp nạn và các nạn nhân của cướp biển có vũ trang đối với tàu thuyền. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ chia sẻ thông tin thông qua Trung tâm chia sẻ thông tin ISC (chính thức thành lập tháng 11/2007, đặt tại Singapo bao gồm Hội đồng quản trị và Ban thư ký) nhằm đảm bảo việc liên lạc được hiệu quả và thông suốt giữa các đầu mối đã được chỉ định và các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia thành viên khác, gồm cả các trung tâm phối hợp giải cứu cũng như các tổ chức phi chính phủ có liên quan". Các quốc gia thành viên có quyền yêu cầu cung cấp các thông tin về cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền, quốc gia được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng các yêu cầu cung cấp thông tin một cách thiết thực và hiệu quả về những nguy cơ sắp xảy ra hoặc một vụ đụng độ với cướp biển hay cướp có vũ trang tàu thuyền. Quốc gia thành viên phải yêu cầu tàu thuyền, các chủ tàu những người điều khiển phương tiện tàu thuyền của mình nhanh chóng báo cho các nhà chức trách của các quốc gia liên quan bao gồm cả các đầu mối và Trung tâm khi cần thiết về những đụng độ với cướp biển hay cướp có vũ trang đối với tàu thuyền. Một quốc gia thành viên nhận được báo động từ ISC về một nguy cơ cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền sắp xảy ra, quốc gia thành viên đó phải