Trong vùng đặc quyền kinh tế

Một phần của tài liệu Tội phạm và đấu tranh chống tội phạm trên biển theo Luật Biển quốc tế (Trang 38 - 42)

Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng theo đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh (Điều 55). Trong vùng đặc quyền kinh tế tồn tại hai nhóm quyền của hai nhóm quốc gia khác nhau đó là quốc gia không có biển và quốc gia bất lợi về địa lý.

Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Các quyền chủ quyền nói trên không trọn vẹn đối với tài nguyên sinh vật vì tồn tại khả năng phải thỏa thuận cho các quốc gia khác vào

đánh bắt số dư tài nguyên thủy sản nhưng quốc gia ven biển được quyền kiểm soát toàn bộ quá trình khai thác về số lượng, chủng loại điều kiện đánh bắt..nhằm không gây phương hại đến quyền của quốc gia ven biển. Các quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng các quy định của quốc gia ven biển về bảo tồn, khai thác và sử dụng tài nguyên sinh vật, đóng thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác (Điều 61, 62).

Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt, duy trì và sửa chữa các đảo nhân tạo, các công trình thiết bị trên biển, quyền tài phán bảo vệ môi trường biển, quyền tài phán nghiên cứu khoa học biển. Khi thực hiện các quyền ở vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển hay khi thực hiện các quyền tự do biển cả (tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm). Các quốc gia khác phải tôn trọng các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, phải tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước và các quy định của pháp luật quốc tế. Khi thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình ban hành theo đúng Công ước. Tuy nhiên khi bắt giữ và áp dụng các chế tài, quốc gia ven biển phải thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ biết. Các chế tài không bao gồm hình phạt tống giam, hình phạt thân thể nào khác và khi có sự bảo lãnh hay bảo đảm đầy đủ nào khác thì cần thả ngay tàu bị bắt và đoàn thủy thủ của tàu. Khi có sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngày cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này (Điều 73).

Quyền tài phán của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế được thể hiện rõ nét thông qua các quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các công trình thiết bị nhân tạo, về nghiên cứu khoa học biển và về bảo vệ gìn giữ môi trường biển. Các quyền tài phán này cũng chính là khung pháp lý

quan trọng để các quốc gia ven biển thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh quốc phòng và đấu tranh chống tội phạm trên biển, cụ thể:

Quốc gia ven biển có quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các công trình thiết bị nhân tạo vì có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định xây dựng khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị công trình dùng cho các mục đích được quy định theo Điều 56 và các mục đích kinh tế khác, các thiết bị công trình có thể gây trở ngại cho việc thực hiện các quyền của quốc gia ven biển trong vùng. Đồng thời, các quốc gia này cùng có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó kể cả về các mặt pháp luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư, Nếu cần thiết có thể lập ra xung quanh các đảo nhân tạo các thiết bị hoặc các công trình đó những khu vực an toàn với kích thước hợp lý để có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn hàng hải, an toàn cho các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình đó. Tuy nhiên, các quốc gia ven biển không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.

Quốc gia ven biển có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học biển: Có quyền quy định, cho phép và tiến hành các công tác nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của mình theo đúng các quy định tương ứng của Công ước và được tiến hành với sự thỏa thuận của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, một quốc gia ven biển có thể không cho phép thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học biển do một quốc gia khác hay một tổ chức quốc tế có thẩm quyền đề nghị tiến hành ở vùng đặc quyền kinh tế hay trên thềm lục địa của mình nếu dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật; nếu dự án có dự kiến công việc khoan thềm lục địa, sử dụng chất nổ hay đưa chất độc hại vào trong môi trường biển; nếu dự án việc xây dựng, khai thác hay sử dụng các đảo nhân

tạo, thiết bị công trình nhân tạo; nếu những thông tin được thông báo về tính chất và mục tiêu của dự án không đúng hoặc nếu quốc gia hay tổ chức quốc tế có thẩm quyền, tác giả của dự án không làm tròn những nghĩa vụ đã cam kết với quốc gia ven biển. Như vậy, nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia ven biển thì các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế không thể tiến hành công tác nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.

Quốc gia ven biển có quyền tài phán về bảo vệ và giữ gìn môi trường biển: được quyền bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế trước các loại ô nhiễm từ đất liền, ô nhiễm từ các loại hoạt động liên quan đến đáy biển thuộc quyền tài phán của quốc gia gây ra, ô nhiễm do nhận chìm, ô nhiễm từ tàu. Mọi việc nhận chìm trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế hay trên thềm lục địa không thể được tiến hành nếu không được sự đồng ý rõ ràng của quốc gia ven biển. Quốc gia ven biển có quyền thông qua các luật và quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm do tàu thuyền gây ra trong vùng đặc quyền kinh tế của mình (các điều 207, 208, 210, 211). Đặc biệt, quốc gia có cảng có thể khởi tố về bất kỳ vi phạm bào đối với các luật và quy định mà mình đã thông qua theo đúng Công ước hay theo đúng các quy tắc và quy phạm quốc tế có thể áp dụng nhằm ngăn ngừa, hạn chế, chế ngự ô nhiễm do tàu thuyền gây ra nếu vụ vi phạm đã xảy ra trong lãnh hải hay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Khi có lý do xác đáng cho rằng một con tàu đi trong vùng đặc quyền kinh tế hay trong lãnh hải của mình đã vi phạm quy tắc và quy phạm quốc tế đó và đem lại hiệu lực cho chúng, quốc gia có cảng có thể yêu cầu con tàu cung cấp các thông tin liên quan đến lý lịch và cảng đăng ký của tàu, cảng cuối cùng và cảng sắp ghé vào của con tàu và các thông tin thích hợp cần thiết khác để xác định có phải một vụ vi phạm đã xảy ra hay không. Khi có lý do xác đáng cho rằng một con tàu đi trong đặc quyền kinh tế hay đi trong lãnh hải của mình đã gây ra một vụ vi phạm dẫn đến những việc thải đổ nghiêm trọng vào môi trường biển, đã gây ra hoặc có nguy cơ gây ra ở môi trường biển này một vụ ô nhiễm đáng kể, quốc gia đó có thể tiến hành kiểm tra cụ thể con tàu để xác minh xem có vi

phạm hay không, nếu con tàu từ chối không đưa ra các thông tin hay nếu các thông tin được cung cấp mâu thuẫn rõ ràng với sự thật và nếu các hoàn cảnh của việc lý giải cho sự kiểm tra này. Nếu có chứng cứ rõ ràng để cho rằng có vụ vi phạm ô nhiễm môi trường theo quy định của Công ước, nếu chứng minh được, quốc gia ven biển có thể tiến hành khởi tố, có quyền ra lệnh giữ con tàu lại theo đúng luật của quốc gia mình.

Tại Điều 15 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định: Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam được quy định tại Điều 16 của Luật Biển 2012, về cơ bản các quyền này đều tương thích với quy định của Công ước Luật biển 1982.

Một phần của tài liệu Tội phạm và đấu tranh chống tội phạm trên biển theo Luật Biển quốc tế (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)