3.2.2.1. Nâng cao tính định chuẩn của lãi suất liên ngân hàng
Hiện nay, lãi suất trên thị trường cho vay – gửi tiền liên ngân hàng chưa thực sự trở thành định chuẩn tin cậy để các thành viên thị trường tham chiếu. Do đó cần thiết phải thiết lập lãi suất liên ngân hàng tin cậy và phù hợp cho thị trường. Lãi suất TTLNH đáng tin cậy có thể hỗ trợ đường cong lãi suất dài hạn, định hướng cho NHNN Việt Nam về điều kiện trên thị trường tiền tệ và về lãi suất thị trường của tín phiếu kho bạc và tín phiếu NHNN Việt Nam, đưa ra lãi suất tham chiếu đối với cho vay trên thị trường tiền tệ, điều này đặc biệt có ích cho các ngân hàng ít năng động hơn và đưa ra lãi suất tham chiếu để xác định lãi suất cho trái phiếu lãi suất thả nổi và hợp đồng hoán đổi lãi suất. Điều này hỗ trợ cải thiện điều kiện thị trường liên ngân hàng bằng việc thu hẹp mức chênh lệch giữa giá bán và giá mua, hướng tới khớp vốn hiệu quả hơn giữa các đơn vị thừa và thiếu vốn trên thị trường.
a) Nhằm thiết lập lãi suất liên ngân hàng tin cậy và hữu dụng, trước hết cần một nghiên cứu giới thiệu và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường để thúc đẩy các giao dịch trên TTLNH, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Chỉ khi thị trường có tính thanh khoản cao thì lãi suất TTLNH mới
102
thực sự trở thành mức lãi suất tham chiếu đáng tin cậy cho các thành viên thị trường.
b) Đồng thời, lãi suất trên TTLNH trong thời gian vừa qua chưa thực sự ổn định, nó vẫn cho thấy sự biến động (qua các năm và trong năm, ví dụ trong năm 2008, năm 2011 so với 2010, 2009). Chính vì vậy, để hướng lãi suất trên TTLNH tới một mức lãi suất ổn định, tin cậy, NHNN cần xác định/coi lãi suất liên ngân hàng (ví dụ mức lãi suất qua đêm) là lãi suất mục tiêu và thiết lập một hành lang lãi suất biến động cho lãi suất liên ngân hàng. Hành lang này có thể được tạo thành bởi việc cung cấp quỹ cho vay và quỹ tiền gửi, với giới hạn trên (lãi suất trần – là lãi suất của quỹ cho vay) và giới hạn dưới (lãi suất sàn – là lãi suất của quỹ tiền gửi) của hành lang, cụ thể:
Đối với lãi suất sàn: Là lãi suất tiền gửi được hình thành trên cơ sở đấu thầu hoặc do NHNN ấn định. Trong điều kiện thiếu vốn khả dụng như hiện nay, NHNN nên ấn định mức lãi suất này.
Đối với lãi suất trần: Là lãi suất tái cấp vốn như hiện nay, theo đó lãi suất tái cấp vốn sẽ điều chỉnh cho phù hợp quan hệ với các loại lãi suất trên TTLNH.
Lãi suất định hướng thị trường là lãi suất chào mua kỳ hạn 7 ngày trong NVTTM nằm trong “hành lang” đó để phát tín hiệu rõ ràng tới thị trường. Lý do lựa chọn lãi suất định hướng thị trường là lãi suất chào mua kỳ hạn 7 ngày là vì đây là kỳ hạn NHNN áp dụng chủ yếu trong NVTTM, do đó việc thay đổi lãi suất này sẽ có tác động lớn đối với hành vi vay vốn NHNN của TCTD, qua đó sẽ tác động đến các loại lãi suất trên TTTT, đặc biệt là lãi suất cho vay qua đêm (O/N) trên TTTT liên ngân hàng.
Lãi suất mục tiêu: Lãi suất O/N giữa các TCTD sẽ được điều tiết để biến động trong phạm vi lãi suất trần, sàn.
103
Hình 3.1: Cơ chế điều hành lãi suất trong thời gian tới
(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp)
Cách điều hành: Để lãi suất O/N giữa các TCTD biến động trong phạm vi lãi suất trần, sàn, NHNN phải rất linh hoạt trong việc bơm tiền ra và hút tiền về. Trong trường hợp thị trường thiếu vốn khả dụng, NHNN phải bơm một lượng tiền đủ lớn để để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo lãi suất trên TTLNH phù hợp với lãi suất NHNN công bố. Ngược lại, khi thị trường dư thừa vốn khả dụng, NHNN cần hút về một lượng để đảm bảo lãi suất O/N không xuống quá thấp theo mục tiêu điều hành CSTT.
Đồng thời, trong trường hợp TCTD sau khi tham gia NVTTM vẫn thiếu vốn nhưng không vay được từ các TCTD khác thì sẽ được vay NHNN bằng mức lãi suất tái cấp vốn (lãi suất trần); hoặc nếu TCTD vẫn thừa vốn không cho vay trên TTLNH sẽ có thể gửi tại NHNN với lãi suất tiền gửi (lãi suất sàn). Cơ chế điều hành lãi suất này sẽ tạo động lực cho các TCTD vay mượn lẫn nhau trên TTTT liên ngân hàng nếu không sẽ phải đi vay NHNN với lãi suất trần (nếu thiếu vốn) hoặc chỉ được hưởng lãi suất sàn (nếu thừa vốn).
Một vấn đề then chốt đặt ra là hành lang này rộng bao nhiêu là vừa. Có thể phải có sự đánh đổi giữa quản lý sự biến động và khuyến khích sự phát
Lãi suất tái cấp vốn
Lãi suất tiền gửi
Lãi suất chào mua kỳ hạn 7 ngày (LS định hướng) Vùng lãi suất thỏa thuận cho lãi suất cho vay O/N
104
triển của thị trường liên ngân hàng. Nếu như hành lang này quá rộng, lãi suất thực của thị trường có thể dao động trong một khoảng quá lớn làm thủ tiêu mục đích của hành lang này. Tuy nhiên, nếu như hành lang lại quá hẹp, thì các tổ chức tín dụng có thể có động cơ lệ thuộc quá nhiều vào các quỹ của ngân hàng trung ương vì mức phạt sẽ không quá lớn. Hệ quả là, việc phát triển thị trường liên ngân hàng có thể bị cản trở. Thông thường, các hệ thống sử dụng một hành lang 200 điểm cơ sở (có nghĩa là dao động mỗi bên 100 bps xung quanh lãi suất đích). Một số thị trường sử dụng hành lang 50 điểm cơ sở. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã chuyển sang hệ thống 50 bps (có nghĩa là 25 bps mỗi bên) song lại quay lại với hệ thống 200 bps. Đối với TTLNH Việt Nam, có thể xem xét để sử dụng một biên độ tương đối rộng (200 bp +) với mục đích sẽ thu hẹp về sau khi thị trường phát triển hơn.
c) Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm trong việc nâng cao tính định chuẩn cho lãi suất thị trường liên ngân hàng đó là cách xác định lãi suất để công bố một mức lãi suất tham chiếu cho thị trường. Hiện nay, các nguồn cung cấp thông tin về giao dịch liên ngân hàng gồm có thông tin về giao dịch liên ngân hàng do NHNN cung cấp trên website NHNN, thông tin về lãi suất chào cho vay, gửi tiền liên ngân hàng do Thomsons Reuters công bố,... Tuy nhiên, mỗi nguồn xác định và cung cấp lãi suất liên ngân hàng đều bộc lộ những hạn chế nhất định. Lãi suất giao dịch bình quân TTLNH do NHNN công bố, được tính bằng phương pháp bình quân gia quyền của các mức lãi suất thực hiện (do các TCTD báo cáo) có cùng kỳ hạn trong ngày giao dịch; phương pháp này bộc lộ hạn chế khi trong dải lãi suất xuất hiện các mức lãi suất cao hơn/thấp hơn hẳn mặt bằng lãi suất chung của thị trường dẫn tới mức lãi suất bình quân sẽ bị ảnh hưởng, đôi khi có mức biến động lớn; đồng thời các thông tin lãi suất báo cáo từ TCTD có độ trễ khiến việc cung cấp thông tin không kịp thời. Đối với lãi suất TTLNH do Reuters cung cấp, do đây là các
105
mức lãi suất chào cho vay, gửi tiền nên lãi suất báo cáo có thể không phải là lãi suất mà các ngân hàng áp dụng trong các giao dịch thực tế của mình, một số nhà giao dịch có xu hướng "lười biếng” và đơn thuần báo cáo lãi suất giống như hôm trước và có ý kiến cho rằng, ở một số ngân hàng, ban quản lý đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến các nhà giao dịch để họ báo cáo lãi suất cao hơn (hoặc thấp hơn) lãi suất thị trường. Do vậy, với vai trò là cơ quan tổ chức, vận hành và giám sát TTLNH, NHNN cần là kênh cung cấp thông tin chính thức, chính xác và cập nhật về lãi suất liên ngân hàng cho thị trường. Để khắc phục những tồn tại hiện nay cách thức xác định lãi suất liên ngân hàng, NHNN có thể xem xét: (1) hỗ trợ thiết lập một bộ Quy tắc ứng xử cho các ngân hàng báo cáo lãi suất giao dịch liên ngân hàng theo đó phải thể hiện được sự cam kết của lãnh đạo cấp cao trong việc cung cấp các lãi suất thích hợp giúp cho việc xác lập một mức lãi suất thị trường liên ngân hàng xác thực; (2) có thể lựa chọn ra một nhóm các ngân hàng đến từ mỗi khu vực ngân hàng thương mại chính (ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng nước ngoài và ngân hàng thương mại cổ phần trong nước) để thực hiện việc báo cáo lãi suất nhằm xác lập lãi suất thị trường. Các ngân hàng phải được chọn trên cơ sở khối lượng giao dịch của họ trên thị trường tiền tệ, có nghĩa là các ngân hàng hoạt động mạnh nhất trong mỗi khu vực. Danh sách các ngân hàng có thể được rà soát sáu tháng một lần; (3) quy định lại giờ báo cáo, có thể là từ 16h đến 16h15 hàng ngày để khắc phục tồn tại về độ trễ thời gian (với số lượng ngân hàng báo cáo chọn lọc thì thời gian báo cáo này là có thể thực hiện được).
Như vậy, để phát triển một TTLNH thì trước hết phải nâng cao tính định chuẩn cho lãi suất liên ngân hàng để đảm bảo rằng lãi suất thị trường liên ngân hàng sẽ trở thành mức lãi suất tham chiếu cho nền kinh tế và là lãi suất mục tiêu thực sự để NHNN thông qua đó điều chỉnh các mức lãi suất thị
106
trường khác. Việc thực hiện tổng hòa các biện pháp trên sẽ giúp hướng tới một mức lãi suất liên ngân hàng có tính định chuẩn cao.
3.2.2.2. Phát triển thị trường repo
Để phát triển thị trường repo đòi hỏi phải có sự phối kết hợp của các đơn vị liên quan (NHNN, BTC, các thành viên khác trên thị trường như TCTD, công ty chứng khoán, ...) để tổ chức thị trường repo khoa học, phù hợp và phân công công việc hợp lý giữa các đơn vị để tránh chồng chéo nhằm phát triển thị trường này đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là để quản lý và can thiệp thị trường khi cần thiết nhằm đạt được mục tiêu của cơ quan quản lý Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên thị trường trong giao dịch.
Các giao dịch repo nhìn chung là các giao dịch cấp vốn của thị trường tiền tệ và do vậy NHNN cần đóng vai trò chủ đạo và hành động như một cơ quan chủ trì giám sát hoạt động repo. Theo đó, NHNN cần phối hợp với BTC và các đơn vị liên quan thành lập nhóm công tác liên Bộ để triển khai các công việc cần thiết để phát triển thị trường repo. Trước hết, NHNN và BTC có thể phối hợp, xây dựng một kế hoạch phát triển thị trường repo. Việc này cần được bắt đầu bằng việc khai thác sâu hơn các NVTTM, sau đó phát triển hoạt động repo liên ngân hàng, tiếp theo là repo giữa ngân hàng và các định chế khác, như các công ty chứng khoán và các tổ chức đầu tư.
Tiếp theo, NHNN cần rà soát khuôn khổ pháp lý và điều tiết hiện hành cho hoạt động repo. Thời gian đầu, các quy định về thế chấp, các tổ chức, định chế được phép tham gia hoạt động repo nên tương đối chặt, dần dần sẽ nới lỏng hơn khi có kinh nghiệm và tự tin hơn. Trong khi đó, BTC sẽ cần xem xét lại các quy định về thuế, hạch toán kế toán, phí giao dịch,... để tạo điều kiện và hỗ trợ cho các giao dịch repo.
107
Đồng thời, để phát triển thị trường repo, Việt Nam cần xây dựng và áp dụng thống nhất một Hợp đồng repo chuẩn (MRA) cho giao dịch mua lại GTCG của đối với tất cả thành viên TTTT trên TTTT, việc áp dụng các hợp đồng riêng cho từng phân đoạn càng làm tăng thêm sự manh mún và bỏ qua lợi ích của việc tiêu chuẩn hóa văn bản. Lộ trình áp dụng một Hợp đồng repo chuẩn có thể được thực hiện như sau:
- NHNN phối hợp cùng các đơn vị liên quan (như BTC, Hiệp hội Thị trường trái phiếu) nghiên cứu, lựa chọn đưa vào áp dụng một hợp đồng repo chuẩn quốc tế (có thể là GMRA ISMA 2000), với Phụ lục cho Việt Nam ('MRA Việt Nam'), để sử dụng cho thị trường trong nước.
- NHNN thực hiện thay thế hợp đồng NVTTM hiện nay bằng MRA Việt Nam. Việc này sẽ buộc tất cả các TCTD muốn tham gia vào các repo NVTTM phải ký vào MRA – và qua đó tạo ra sự hiểu biết về nội dung của nó. Đồng thời, sẽ gửi tín hiệu đến cho thị trường rằng đây là tiêu chuẩn phải tuân theo, và sẽ tạo một tiền lệ quan trọng: một khi MRA được ký kết cho các repo NVTTM của NHNN, nó sẽ trở thành một hợp đồng được chấp nhận và các ngân hàng sẽ ít có khả năng từ chối không sử dụng nó trong các giao dịch với nhau hơn.
- NHNN nên khuyến nghị, hoặc thậm chí yêu cầu sử dụng MRA Việt Nam cho tất cả các repo giữa các TCTD trên TTLNH. Tương tự, Ủy Ban chứng khoán cần khuyến nghị hoặc yêu cầu các công ty chứng khoán sử dụng hợp đồng này.
- Cuối cùng, chỉ có các thỏa thuận repo được thực hiện và điều chỉnh bởi MRA chuẩn mới được coi là giao dịch repo, các giao dịch theo kiểu repo đang được thực hiện bằng các văn bản không tiêu chuẩn không được coi là repo mà phải coi là các giao dịch mua/bán đứt, và phải áp dụng đầy đủ các quy định về môi giới ở SGDCKHN (phải thực hiện thủ tục môi giới đầy đủ
108
cho cả hai nhánh). Các bên tham gia phải ký thư thỏa thuận với SGDCKHN rằng mọi repo được thực hiện sẽ tuân theo các điều khoản của MRA. Các cơ quan quản lý cũng cần phải kiểm tra kỹ càng hơn các hợp đồng không tiêu chuẩn để đảm bảo chúng không bị lợi dụng để thao túng giá trị tài sản. Và trong trường hợp có tranh chấp pháp lý chỉ có các giao dịch được thực hiện qua MRA và phụ lục Việt Nam mới được coi là repo – các giao dịch khác sẽ được coi là hai giao dịch mua đứt bán đoạn riêng.