0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (91 trang)

MỘT SỐ TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT CỦA CÁC CƠ

Một phần của tài liệu XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 78 -78 )

VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ Ở VIỆT NAM VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN

Trong phạm vi cho phép nghiên cứu đề tài luận văn thạc sĩ, chúng tôi xin đưa ra một số tranh chấp liên quan đến quyền đối với chỉ dẫn địa lý và hướng giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

3.3.1. Tranh chấp quyền đối với chỉ dẫn địa lý "bưởi Tân Triều" - Nội dung tranh chấp:

Địa danh "Tân Triều" thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai. Nơi đây có loại bưởi ngon nổi tiếng khắp đất nước. Tuy nhiên khi Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai tiến hành những thủ tục cuối cùng của đề án đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho đặc sản bưởi Tân Triều (tháng 9/2009) thì phát hiện ra

nhãn hiệu bưởi Tân Triều đã được đăng ký và sử dụng độc quyền bởi một doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều suốt gần sáu năm qua. Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết nhãn hiệu "Tân Triều" đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Do đó theo quy định của pháp luật không thể xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Mọi chuyện trở nên rắc rối khi Sở đề nghị doanh nghiệp trả lại nhãn hiệu và doanh nghiệp này không đồng ý. Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai và doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều đã gặp gỡ ba lần để giải quyết vấn đề. Theo Sở Khoa học công nghệ, doanh nghiệp có thể làm đơn bãi bỏ quyền được bảo hộ nhãn hiệu và sau khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng chung nhãn hiệu này với những nông dân khác nhưng doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều không đồng ý với phương án này. Các bên liên quan đã yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ giải quyết.

- Hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền:

Cục Sở hữu trí tuệ đã xem xét vụ tranh chấp giữa Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai và doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều về nhãn hiệu bưởi Tân Triều. Cục Sở hữu trí tuệ đã trả lời bằng văn bản là: Trách nhiệm, kể cả thiệt hại xảy ra nếu có sẽ thuộc về doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều. Cụ thể:

Cục Sở hữu trí tuệ, đã rà soát lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc cấp hai văn bằng bảo hộ nhãn hiệu "Tân Triều" theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 97289 và 117217 cho doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp đã thông qua người đại diện (gọi tắt là người nộp đơn) làm thủ tục đăng ký với cục. Trong đơn đã mô tả nhãn hiệu "Tân Triều" là tên người nộp đơn chứ không phải tên địa danh, đồng thời đăng ký nhãn hiệu này cho các sản phẩm liên quan đến bưởi.

Trong khi đó, trước khi đăng ký với cục nhãn hiệu này, doanh nghiệp đã xin phép nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thông báo bằng văn bản

không cho phép doanh nghiệp sử dụng tên địa danh "Tân Triều" làm nhãn hiệu độc quyền cho riêng mình.

Từ đó, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan thì khi nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Tân Triều", doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu thông tin liên quan đến nhãn hiệu; nhưng doanh nghiệp đã không cung cấp 2 thông tin quan trọng gồm: "Tân Triều" là tên địa danh liên quan đến vùng sản xuất bưởi có tiếng tại Đồng Nai; doanh nghiệp đã không được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho phép đăng ký sử dụng nhãn hiệu này.

Văn bản không đồng ý cho doanh nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, nơi nhận là doanh nghiệp chứ không phải Cục. Thế nên, Cục đã không có thông tin và văn bằng bảo hộ mà cục cấp do hành vi thiếu trung thực của doanh nghiệp.

Dẫn quy định tại các điều 100, 105 Luật Sở hữu trí tuệ và thông tư 01/2007, Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, doanh nghiệp và người đại diện phải chịu mọi hậu quả phát sinh do việc khai báo, cung cấp thông tin không trung thực gây ra trong quá trình giao dịch với cục, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.

Như vậy doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều đã thua trong vụ tranh chấp này bởi doanh nghiệp đã không tuân thủ các quy định của pháp luật và có sự gian dối trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

3.3.2. Tranh chấp quyền đối với chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương - Nội dung tranh chấp:

Tranh chấp quyền đối với chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương giữa nhân dân xã Tân Cương và doanh nghiệp Hoàng Bình. Doanh nghiệp Hoàng Bình đóng tại thành phố Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên đã lấy tên "Tân Cương" đặt cho nhà máy sản xuất của mình và sản xuất chè. Đồng sử dụng chỉ dẫn "chè Tân

Cương" lên sản phẩm. Tuy nhiên vấn đề này đã vấp phải sự phản đối của nhân dân xã Tân Cương. Lý do phản đối là: họ cho rằng doanh nghiệp Hoàng Bình không có nhà máy ở xã Tân Cương, nguyên liệu để sản xuất chè Tân Cương thu mua ở xã Tân Cương rất ít còn nguyên liệu chủ yếu là thu mua từ nơi khác nhưng vẫn gắn chỉ dẫn chè Tân Cương lên sản phẩm như vậy là vi phạm quy định của pháp luật. Họ cũng cho rằng sản phẩm chè Tân Cương đã có từ lâu đời và nổi tiếng của địa phương nên việc sử dụng chỉ dẫn chè Tân Cương của doanh nghiệp là mạo nhận tên gọi của địa phương. Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp Hoàng Bình không được sử dụng chỉ dẫn "Tân Cương" lên sản phẩm.

- Hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền: Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã có thông báo cho doanh nghiệp Hoàng Bình nếu muốn đăng ký tên gọi xuất xứ mang tên địa lý mang tên địa phương phải được sự đồng ý của địa phương đó.

Nhân dân xã Tân Cương và doanh nghiệp Hoàng Bình đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi để cùng nhau giải quyết vấn đề này và tranh chấp đã được giải quyết thỏa đáng. Để được sử dụng chỉ dẫn địa lý này, doanh nghiệp Hoàng Bình đã đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến, sản xuất chè đặt tại xã Tân Cương, ký hợp đồng mua toàn bộ chè của nhân dân xã Tân Cương làm nguyên liệu sản xuất chè mang chỉ dẫn địa lý "chè Tân Cương". Đặc biệt nhân dân xã Tân Cương đã tin tưởng và ủy quyền cho doanh nghiệp Hoàng Bình đứng đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "chè Tân Cương". Ngày 20/9/2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "chè Tân Cương" cho sản phẩm chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên.

Thông qua một số tranh chấp và hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền nêu trên đã cho thấy các doanh nghiệp khi sử dụng tên địa phương để đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu, tên nhà máy đã vi phạm quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (cá nhân hay tập thể muốn đăng ký một tên địa phương làm nhãn hiệu, tên doanh nghiệp thì phải được sự cho phép của chính

quyền địa phương). Đây là quy định nhằm bảo vệ và ưu tiên đăng ký quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Hướng giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đã thể hiện được sự sự đúng đắn trong các quy định của pháp luật và sự răn đe phòng ngừa hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên thông qua tranh chấp trên cho thấy sự vênh nhau trong việc quản lý các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý. Như vụ tranh chấp chỉ dẫn địa lý "bưởi Tân Triều" khi doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều làm đơn xin cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu bưởi Tân Triều vẫn được chấp thuận mặc dù không được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đồng ý. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm và khắc phục kịp thời.

Một phần của tài liệu XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 78 -78 )

×